Thứ Tư, 28/05/2014 14:31

Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần đặt nặng công tác hậu kiểm

Đa số đại biểu Quốc hội đều ủng hộ Luật Doanh nghiệp sửa đổi tiếp tục quy định người dân được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường chế tài xử lý sau cấp phép, cần đặt nặng công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng chứ không để buông lỏng hậu kiểm như lâu nay.

Sáng nay (28-5), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ giúp tháo gỡ tất cả rào cản để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt là luật lần này quy định doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng luật cần quy định thêm hai danh mục đi kèm gồm danh mục những ngành nghề nhà nước cấm và danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo tôi, không cần thiết phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh, chỉ thêm rườm rà”, ông Lịch nói.

Có ý kiến cho rằng thời gian qua, bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp biến mất sau khi đăng ký, thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn … gây ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, lâu nay Sở Kế hoạch và Đầu tư bỏ hẳn khâu hậu kiểm trong khi theo luật quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư là một trong số các cơ quan chính làm chuyện hậu kiểm sau cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động.

“Vừa qua có một công ty giựt tiền doanh nghiệp khác lên đến 5-6 triệu đô la Mỹ, nhưng cơ quan chức năng khi xử lý lại không biết tìm doanh nghiệp này ở đâu. Theo tôi luật lần này phải đặt nặng đến công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng sau khi cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động, cần tăng cường chế tài xử lý sau cấp phép”, đại biểu Nghĩa nói.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian qua, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp biến mất sau khi đăng ký, thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn … gây ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa thì nhận định rằng Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này chắc chắn sẽ làm cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi với quy định doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề pháp luật không cấm.

Nói về tác động của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn tài liệu thống kê cho biết đến nay cả nước có khoảng 350.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 11 triệu lao động, trong đó khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút khoảng 7 triệu lao động.

Đại biểu Ngân nhận định Luật Doanh nghiệp sửa đổi chắc chắn sẽ tạo được môi trường thuận lợi để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các loại hình doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp làm giàu chính đáng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Mặc dù vậy, đại biểu Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo luật cần cân nhắc lồng ghép thêm quy định về đảm bảo quyền lợi của công nhân lao động tại doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp và cả cơ chế quản lý doangh nghiệp cần phải hết sức chặt chẽ. Cần quy định rõ hơn địa vị pháp lý, vai trò, nghĩa vụ của người đại diện doanh nghiệp vì vừa qua có trường hợp công ty “ma”, một người thành lập nhiều công ty, lợi dụng địa vị người đại diện gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị khi cấp giấy kinh doanh không ghi ngành nghề cụ thể như trong dự thảo luật đề cập là đúng, nhưng cần phải ghi mã ngành nghề, nhóm ngành hoạt động để khi cần cơ quan chức năng sẽ dễ dàng thống kê ngành nghề, dễ quản lý hơn.

Theo ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, luật này cần quy định thời hạn cụ thể doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh, nếu quá thời hạn này, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền xóa chức năng do doanh nghiệp đăng ký.

Như trường hợp tại TPHCM, số liệu thống kê của Cục thuế TPHCM cho thấy trên địa bàn thành phố có đến 54.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng bỏ địa chỉ kinh doanh (tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM hiện nay là 157.228 doanh nghiệp).

Với thực tế này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bên cạnh việc tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động, luật doanh nghiệp sửa đổi cần có thêm chế tài kiểm soát doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giựt, doanh nghiệp “ma” gây ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của nhóm doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chiều nay, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật công chứng (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có các ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).


Văn Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tăng mạnh nhập khẩu ôtô tháng 5 (28/05/2014)

>   Tham khảo kinh nghiệm đầu tư vốn nhà nước (28/05/2014)

>   Samsung muốn đầu tư sân bay Long Thành, hóa dầu Long Sơn (28/05/2014)

>   Từ 21/6, giá bán lẻ sữa sẽ giảm (28/05/2014)

>   Thêm 6.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (28/05/2014)

>   Nga vẫn đóng cửa với cá tra Việt Nam (28/05/2014)

>   Tháng 5: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,9% (28/05/2014)

>   TS Phan Hiển Minh: Xây dựng đội ngũ chống chuyển giá (28/05/2014)

>   Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: ‘Nói gì thì nói, sản xuất vẫn phải đảm bảo’ (27/05/2014)

>   Bộ Tài chính: Sẽ xử lý doanh nghiệp "lách" luật về giá sữa (27/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật