Giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu của “ông lớn” thủy sản
Khép kín chuỗi sản xuất từ con giống - nuôi – xuất khẩu, hợp tác bao tiêu đầu ra cho nông dân và tìm kiếm những nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá thành hợp lý nhất là bí quyết của các doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản nhằm luôn đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Minh Phú là DN thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global GAP.
|
Khép kín chuỗi sản xuất
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện chỉ có 20% DN ngành tôm có đầu tư vùng nguyên liệu, điều này dẫn đến nguồn tôm nguyên liệu cho sản xuất XK luôn bị thiếu hụt. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với DN dẫn đầu kim ngạch XK của ngành thủy sản năm 2013 (ước đạt 366,5 triệu USD) là Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú - MPC).
Vì theo như ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Phú thì Công ty áp dụng chính sách mua tôm theo giá thị trường, không cao hơn, không thấp hơn. Văn hóa này đã tạo dựng được trong mười mấy năm qua. Điều này đã tạo cho những người nuôi tôm hay thương lái suy nghĩ giá của Minh Phú là giá thị trường, do đó nguồn tôm nguyên liệu luôn được bán cho công ty.
Không chỉ tạo ra một chính sách thu mua ổn định, kể từ năm 2006, Minh Phú thử nghiệm tự nuôi tôm theo công nghệ mới và dần dần tự xây dựng một quy trình công nghệ hiện đại. Minh Phú là DN thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu) về nuôi và chế biến tôm XK. Mới đây, Minh Phú đã đầu tư 3,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản Minh Phú Aquamekong, để nắm giữ 48,7% vốn công ty này và tạo vòng khép kín từ con giống - nuôi - XK.
Để hạn chế dịch bệnh, Minh Phú liên kết với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, trại sản xuất giống nhằm cung cấp cho các công ty nuôi tôm trực thuộc tạo thành một qui trình sản xuất khép kín từ thức ăn, con giống sạch bệnh, nuôi thương phẩm cho đến chế biến XK. Công ty đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 5.000 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, đủ đáp ứng 70% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trực thuộc.
Sự khó khăn liên tiếp nhiều năm cho thấy mức độ hợp tác không tốt trong nội bộ ngành cá tra. Đang có tình trạng hộ nuôi trong khi khẳng định phần đúng về mình thì lại đổ lỗi là cho các nhà chế biến, các nhà chế biến đổ lỗi lại cho chính sách. Cả hộ nuôi và nhà chế biến thì đổ lỗi vào ngân hàng, các ngân hàng cho rằng DN không trung thực …
Thông tin yếu và nhiễu thông tin đang làm khó khăn cho việc lựa chọn quyết định của các DN, hộ nuôi. Do đó giải pháp cấp bách thứ nhất là xây dựng hệ thống thông tin đủ sức cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ và minh bạch.
Thứ hai người nuôi cá tra và DN chế biến XK cần xây dựng niềm tin với ngân hàng, hợp tác với ngân hàng xây dựng phương thức cho vay và phương thức thanh toán mới nhằm tăng hiệu quả đồng vốn, phòng ngừa rủi ro.
Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam
|
Ngoài Minh Phú, một “ông lớn” khác trong ngành thủy sản với kim ngạch XK năm 2013 là 166,3 triệu USD là Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng tiên phong trong việc hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín nhiều năm trước.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, các công ty Vĩnh Hoàn 1, 2, 3, 4 và 5 lần lượt ra đời trong những năm 2007, 2011 và 2012 đã giúp Vĩnh Hoàn hoàn thiện chuỗi khép kín từ ương giống, nuôi, sản xuất thức ăn đến chế biến và xuất khẩu cá tra thành phẩm.
Hiện tại, vùng nuôi cá tra của Vĩnh Hoàn đã có khả năng đáp ứng đến 70% nhu cầu nguyên liệu chế biến XK. Vĩnh Hoàn còn là DN Việt Nam đầu tiên sản xuất collagen từ da cá và là DN cá tra duy nhất mở công ty con tại Mỹ để đảm nhận khâu phân phối và nâng cao giá trị sản phẩm. Có thể thấy, việc đầu tư nghiêm túc đã giúp Vĩnh Hoàn sở hữu nhiều chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm như ASC, Global GAP, AquaGAP, ISO...
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cuối năm ngoái, lợi thế dẫn đầu thị phần ngành cá tra (10%), lợi thế chuỗi khép kín và những ưu thế về năng lực quản lý, về công nghệ kỹ thuật đã giúp Vĩnh Hoàn vượt hẳn các DN quy mô nhỏ và vừa trong việc thu mua nguyên liệu cũng như thâm nhập các thị trường lớn.
Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi cho biết ngoài vùng tự nuôi 200 ha, công ty còn có 800 – 1.000 ha vùng nuôi liên kết với nông dân. Nhờ đó mà DN giảm 10 - 15% giá thành so với việc mua tôm qua thương lái phải tốn tiền vận chuyển, bảo quản khi chuyển nguyên liệu về nhà máy. Hiện có ba mô hình liên kết DN - nông dân. Một là nông dân có ao nuôi, DN đầu tư giống, thức ăn. Hai là DN thuê nông dân nuôi. Ba là nông dân tự nuôi, DN chỉ hỗ trợ vốn giai đoạn cuối. Cả ba mô hình đều đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, ổn định giá hơn nữa nông dân cũng được nâng cao kỹ thuật nuôi vì DN trực tiếp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, quy trình nuôi.
Bên cạnh nguồn nguyên liệu trong nước thì nguyên liệu NK cũng là giải pháp của các DN thủy sản để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2013, giá trị NK tôm của Việt Nam đạt trên 169 triệu USD, tăng 7% so với cả năm 2012 (158 triệu USD). Trong đó, so với năm 2012 thì năm 2013 NK tôm từ Ấn Độ tăng 92% từ 53,7 triệu USD lên 102,9 triệu USD; từ Ecuador tăng 30%, từ 8,3 triệu USD lên 10,8 triệu USD.
“NK nguyên liệu cũng là một nguồn cung tôm đáng kể đối với Minh Phú. Tại nhiều thời điểm, tôm nguyên liệu NK từ các nước láng giềng đưa về đến nhà máy của công ty vẫn có giá thành thấp hơn đến 20% so với tôm nguyên liệu mua trong nước. Tôm nguyên liệu NK còn không bị rủi ro nhiễm các chất bị cấm”, ông Lê Văn Quang cho biết.
Trong quý I-2014, tổng kim ngạch NK thủy sản trong cả nước đạt 258,5 triệu USD, tăng 91,7% so với cùng kì năm trước. Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư kí VASEP nhận định DN thủy sản NK chủ yếu là để gia công sản xuất XK và tập trung ở một số mặt hàng như cá ngừ, tôm. Nguyên nhân là do tình hình thương lái nước ngoài thu gom nguyên liệu, dịch bệnh EMS trên tôm và tình hình thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng cá ngừ đánh bắt giảm 15%.
Quang Duy
hải quan
|