Thứ Năm, 01/05/2014 20:15

Thu hút và quản lý FDI: “Bộ lọc” phải công bằng, hiệu quả

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 4,855 tỷ USD, chỉ bằng 59,1% so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, cũng trong 4 tháng đầu năm 2014, vốn giải ngân đã đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013. Đối với đầu tư nói chung và FDI nói riêng, số vốn thực hiện mới là quan trọng.

Đóng góp quan trọng

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thậm chí còn “lấy làm mừng” khi khoảng cách giữa con số cam kết với con số được giải ngân đã thu hẹp lại, vì như thế chứng tỏ “nhà đầu tư đã lượng sức đúng hơn, ít các dự án bị thổi phồng hơn”. Theo ông, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam là có hạn, chỉ dao động quanh mức 10 - 12 tỷ USD/năm trong giai đoạn đến 2015. Thực tế từ năm 2008 đến nay diễn ra đúng như vậy: Năm 2013 (năm được coi là “đỉnh cao thu hút FDI”, chỉ sau năm 2008) vốn FDI đăng ký đạt 21,6 tỷ USD, vốn giải ngân đạt xấp xỉ 11,5 tỷ USD. Và năm 2008, tuy vốn đăng ký tới 71,7 tỷ USD nhưng vốn giải ngân chỉ dừng ở mức 11,5 tỷ USD. Khi dòng vốn đang chảy đều với tốc độ ổn định, người ta có lý do để tạm yên tâm.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu 683 triệu USD. Riêng khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu tới 4,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với 4 tháng đầu năm trước; khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu 3,4 tỷ USD, giảm 18%. 

4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng 29,2% (1,7 tỷ USD), có vai trò rất lớn của Samsung, với 2 nhà máy đặt tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT). Tuy mới đi vào hoạt động ngày 10-3 vừa qua, đến cuối tháng 3-2014, tức sau có 20 ngày, SEVT đã xuất khẩu được 90 triệu USD các sản phẩm điện thoại di động.

SEVT chính là nơi sản xuất sản phẩm Galaxy S5, dòng smartphone đình đám nhất của Samsung hiện nay, được bán tại thị trường Việt Nam từ ngày 11-4, đồng thời với tất cả các thị trường lớn khác trên thế giới. Một lý do quan trọng để Galaxy S5 được bán tại Việt Nam cùng lúc với các thị trường khác là vì sản phẩm đang được sản xuất tại Thái Nguyên!

Đến thời điểm này, sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, số lượng công nhân ở SEVT đã tăng gấp đôi, từ 5.000 lên 10.000 công nhân, chứng tỏ tốc độ phát triển sản xuất rất nhanh chóng của nhà máy này. Nhưng không dừng ở đây, kế hoạch của nhà đầu tư là đạt tới 15.000 công nhân, công suất nâng từ 2 triệu sản phẩm/tháng lúc bắt đầu sản xuất lên 8 - 9 triệu sản phẩm/tháng vào quý 4-2014. “Lẽ dĩ nhiên, đâu đó cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng tiềm lực của khối ngoại với nhiều nhà đầu tư lớn, có kế hoạch làm ăn lâu dài và đóng góp quan trọng vào bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam là không thể phủ nhận” – GS-TSKH Nguyễn Mại nhận xét.

Cần có “bộ lọc”

Tuy nhiên, rất cần sự thận trọng khi xử lý những con số thống kê về công nghệ được khối FDI đưa vào Việt Nam, nhất là từ khi quyền cấp phép đầu tư các dự án được chuyển giao gần như hoàn toàn cho các địa phương (chỉ trừ các dự án “nhạy cảm” hoặc quy mô rất lớn). TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) lưu ý phải có những cuộc điều tra nghiêm túc và mang tính đại diện cao về trình độ trang thiết bị và công nghệ từng ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó có doanh nghiệp FDI thì mới có cơ sở để đánh giá thực trạng một cách chính xác. Tuy thế, chuyên gia kỳ cựu này cũng công nhận rằng, nhờ có khối doanh nghiệp FDI mà nhiều ngành công nghiệp mới như thông tin và viễn thông, thăm dò khai thác, lọc hóa dầu, điện tử và tin học đã được hình thành và phát triển khá mạnh những năm qua.

Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại Misumi Group Company (Nhật Bản) trong KCX Linh Trung

GS-TSKH Nguyễn Mại nhớ lại: Năm 1992, khi nước ta còn bị cấm vận quốc tế, ngành bưu chính - viễn thông lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực thì Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đã hợp tác với Công ty TELSTRA (Australia) theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, do đó đã nhận được một số thiết bị công nghệ hiện đại (mặc dù Mỹ không cho nhập khẩu vào nước ta). Nhờ đó, ngành viễn thông đã được tiếp cận phương thức kinh doanh mới. Hàng trăm cán bộ quản lý và công nghệ - những người về sau là những cán bộ chủ lực của VNPT - đã được cử sang Australia học tập cũng như được đào tạo tại chỗ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có được trình độ công nghệ, dịch vụ và năng lực quản trị như hiện nay một phần nhờ sự đóng góp của Liên doanh Vietsovpetro. Bên cạnh đó, thông qua hàng chục hợp đồng phân chia sản phẩm với những tập đoàn hàng đầu thế giới như BP, BHP, Shell, Total, Mitsubishi..., PVN có được cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại trong thăm dò, khai thác, dịch vụ trên mặt đất và ngoài khơi. Đáng lưu ý là trong mỗi hợp đồng nói trên đều có khoản tiền từ 2 - 5 triệu USD dành cho công tác đào tạo cán bộ. Nhờ có hàng trăm cán bộ quản lý, công nghệ, dịch vụ được cử đi đào tạo, PVN thậm chí đủ tự tin để “mang chuông đi đánh xứ người”.

Một ví dụ đáng nói khác: Hiện tại, trong số 60.000 lao động của Samsung có khoảng 10% là cán bộ quản lý và kỹ sư chứ không thuần túy là nhân lực kiểu làm công đoạn nào biết công đoạn đó, không nắm được quy trình sản xuất. Không ít cán bộ quản trị ngân hàng trong nước hiện nay đã từng làm việc cho các ngân hàng nước ngoài, tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm; đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của những ngân hàng thương mại hàng đầu thế giới như Citibank, ANZ...

Theo ông Nguyễn Mại, không một nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, nếu điều đó không có lợi cho họ. Chỉ khi nào nước nhận đầu tư có chính sách hấp dẫn và có phương thức để cán bộ khoa học, công nghệ học hỏi, tiếp thu, chuyển dần thành công nghệ của nước mình thì việc chuyển giao mới có kết quả.

Nhà đầu tư có quyền lựa chọn của họ, nhưng cơ quan quản lý thì phải có “bộ lọc” của riêng mình. Có được bộ lọc hiệu quả và sử dụng nó một cách đúng đắn, công bằng trong mọi trường hợp mới là điều kiện cần và đủ để dòng vốn FDI thực sự phát huy hiệu quả.

Cẩm Hà

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   TP.HCM sẽ mở thêm 92 trung tâm thương mại, 43 siêu thị (01/05/2014)

>   Nhà đài giành khách bằng truyền hình HD (01/05/2014)

>   VNSteel muốn chuyển đổi mô hình quản lý để giảm lỗ (01/05/2014)

>   Hợp tác với Nhật xử lý công nghệ môi trường (01/05/2014)

>   “Không thay đổi, doanh nghiệp sẽ chết” (30/04/2014)

>   Ngành dệt may: Chủ động vào sân chơi mới (30/04/2014)

>   Vinalines xin xóa 5 tàu: Lỗi doanh nghiệp đừng đổ lên Nhà nước! (30/04/2014)

>   Thu hút đầu tư nước ngoài: Gạn đục, khơi trong! (30/04/2014)

>   Doanh nghiệp còn tự bơi, đầu tư còn dàn trải (30/04/2014)

>   Ủy ban kinh tế QH bắt đầu 'nóng ruột' vì nông nghiệp (30/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật