Thu hút đầu tư nước ngoài: Gạn đục, khơi trong!
Đến nay, Việt Nam đã mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được gần 30 năm. Khu vực này đã nhanh chóng trưởng thành, từng bước trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là những đóng góp vượt trội của ĐTNN vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu…
Thu hút đầu tư nước ngoài là một yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
|
Yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế
Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 15.000 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 210 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 100 tỷ USD. Đó là nguồn lực rất lớn, lại được bổ sung liên tục để hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế. Trong quý I năm 2014, các dự án ĐTNN đã giải ngân được 2,85 tỷ USD, tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, mặc dù trong giai đoạn khó khăn, suy thoái đầu tư quốc tế trên diện rộng nhưng giới đầu tư ngoại vẫn đặt niềm tin, khả năng sinh lời của đồng vốn khi quyết định làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Đây là dấu hiệu rất quan trọng, thể hiện định hướng tái cơ cấu đầu tư, hướng tới mục tiêu bảo toàn và bảo đảm lợi nhuận cho nguồn vốn của nhà ĐTNN.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực ĐTNN vẫn tăng dần qua từng năm và hiện đạt khoảng 25%, trực tiếp "gánh" bớt phần nhiệm vụ cho các khu vực kinh tế khác. Các DN ĐTNN thường xuyên tạo 3 triệu việc làm, bảo đảm nguồn thu nhập, góp phần giữ vững an sinh xã hội và thực hiện nghĩa vụ thuế khoảng 4 tỷ USD/năm. ĐTNN đã, đang tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng CNH-HĐH đất nước. Trên thực tế, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố giàu tiềm năng đã tận dụng được cơ hội, mời gọi đầu tư để rút ngắn quá trình CNH, tạo ấn tượng sâu sắc, thậm chí đặt tên mình trên bản đồ xuất khẩu thế giới thông qua một số sản phẩm, gồm điện thoại và linh kiện, linh kiện điện tử và máy tính như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương… Nhìn chung, các địa phương này đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp mời gọi đầu tư, phát huy tối đa nguồn tài nguyên, vị trí địa lý và nhân lực để bứt phá, cố gắng hoàn thành sớm sự nghiệp CNH trên địa bàn. Trong tương lai gần, cộng đồng DN Châu Âu, Hoa Kỳ, nhất là Nhật Bản khẳng định định hướng giữ vững và tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với vị thế là địa bàn ưu tiên hợp tác đầu tư.
Đáng ghi nhận hơn là các DN ĐTNN đang vươn lên mạnh mẽ về xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng chung và làm lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc gia. Đến nay, DN ĐTNN chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia cũng như chủ động lôi cuốn DN trong nước vào các hoạt động hợp tác đầu tư, làm vệ tinh sản xuất chi tiết hay trở thành nhà phân phối của mình. Quý I năm nay, DN ĐTNN đạt kim ngạch xuất khẩu 22,469 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái và khu vực này đã xuất siêu 3,91 tỷ USD, cho thấy sức sống mạnh mẽ, liên tục của mình.
Tính lan tỏa còn hạn chế
Với tư cách chủ nhà, Việt Nam luôn mong muốn DN ĐTNN sẽ đưa vào Việt Nam những công nghệ mới, tiên tiến để rút ngắn quá trình CNH, tiến thẳng lên hiện đại và giúp cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế chưa diễn ra như vậy, bởi tính chung mới chỉ có khoảng 15% dự án có vốn ĐTNN đang ứng dụng công nghệ mới, cho ra đời sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Đặc biệt, tính lan tỏa, khả năng hợp tác, chuyển giao công nghệ của DN nước ngoài cho DN trong nước còn thấp hơn cũng như chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hai cộng đồng DN này. Nhiều DN ĐTNN tuy đã du nhập dây chuyền sản xuất tiên tiến nhưng lại hoạt động theo phương thức khép kín, tức là chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng để xuất khẩu và hầu như không muốn chủ động chia sẻ lợi ích với DN nội. Một số DN, nhất là DN của Hàn Quốc, Trung Quốc chưa làm tốt trách nhiệm với người lao động, dẫn đến xảy ra một số vụ đình công, khiếu kiện tập thể của người lao động, ảnh hưởng không tốt đối với môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung. Đáng quan ngại là, mấy năm gần đây xuất hiện tình trạng một số dự án ĐTNN quy mô lớn, trị giá từ hàng trăm triệu USD đến hàng tỷ USD nhưng triển khai chậm do không rõ tính khả thi, thậm chí có biểu hiện chây ỳ trong quá trình triển khai nên cấp có thẩm quyền buộc phải rút giấy phép. Vừa qua, Bộ Tài chính đã có ý kiến không ủng hộ đề xuất được hưởng nhiều ưu đãi của dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) của Tập đoàn dầu khí Thái Lan (tổng vốn đầu tư dự kiến là 27 tỷ USD). Đây là minh chứng cho yêu cầu nâng cao năng lực thẩm định dự án của cơ quan chức năng, nhất là về khả năng tài chính và nhu cầu đề xuất cụ thể của nhà ĐTNN. Làm tốt vấn đề này, sẽ chủ động ngăn chặn được nguy cơ nhà đầu tư ngoại "xí phần" đất đai, mặt bằng rồi để đấy, không chịu triển khai dự án, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, tình hình này khiến các cơ quan quản lý càng cần theo dõi sát sao tình hình chuẩn bị, nghiên cứu lập dự án để kịp thời phát hiện những yếu tố tiêu cực; từ đó sẵn sàng rút giấy phép hoặc từ chối tiếp nhận để dành cơ hội cho đối tác khác xứng đáng hơn. Đây cũng là biện pháp để cải thiện tính nghiêm minh, bình đẳng trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Thu hút vốn ĐTNN là mục tiêu lâu dài và rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện thông thoáng về cơ chế, chính sách vĩ mô; nhưng cũng cần có sự quản lý chặt chẽ, nghiêm minh của Nhà nước nhằm "gạn đục, khơi trong" để ngày càng hấp dẫn hơn trong các nhà ĐTNN…
Hồng Sơn
hà nội mới
|