Thứ Bảy, 03/05/2014 08:46

Chúng ta vẫn đang do dự đi theo thị trường

Đâu là những rào cản trong quá trình thị trường hóa nền kinh tế? Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi với TBKTSG.

Nhìn vào thực tế áp dụng kinh tế thị trường, có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự do dự, dùng dằng. Theo ông, vì sao lại như vậy?

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Thể chế kinh tế thị trường được áp dụng một cách từ từ sau khi chúng ta được Mỹ bỏ cấm vận, gia nhập Asean và WTO. Tuy nhiên, nếp tư duy về kinh tế kế hoạch hóa vẫn còn nặng trong Chính phủ, người dân. Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, gần 70% những người được hỏi mong muốn Nhà nước can thiệp thị trường để ổn định giá. Có nghĩa là tư duy, nhận thức của xã hội không theo kịp với mục tiêu của người làm chính sách vĩ mô. Người điều hành không ai đủ can đảm làm trong bối cảnh đó. Vì thế, Việt Nam mới tiếp cận nền kinh tế thị trường có lộ trình, nhưng lộ trình đó kéo dài quá.

Nếu trách, theo tôi, nên trách khâu chính sách đầu tiên chứ vì vẫn có quá nhiều các văn bản can thiệp vào thị trường như thế?

- Nghị quyết Đại hội Đảng yêu cầu tiến hành thị trường hóa, đưa các loại giá về với cơ chế thị trường, nghĩa là tư duy của người lãnh đạo là đồng ý. Nhưng người điều hành không dám chấp nhận liệu pháp sốc vì muốn ổn định để phát triển. Mong muốn của đa số người dân là Chính phủ can thiệp vào giá, như tôi vừa nói, thì Chính phủ phải có rất nhiều mệnh lệnh để đáp ứng mong muốn của người dân.

Ví dụ, mấy chục năm nay chúng ta rơi vào tình trạng được mùa mất giá, chúng ta không tổ chức sản xuất theo đúng thị trường. Thị trường quyết định năng suất, chất lượng và sản lượng của ngành hàng đấy. Ủy ban nhân dân các cấp đang bị biến thành ủy ban sản xuất, định vụ mùa, thời gian gieo cấy... thay cho chức năng làm quản lý, làm quy hoạch.

Hiện nay, giá cả một số mặt hàng thiết yếu đang trong lộ trình thị trường hóa. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

"Theo tôi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, và lợi nhuận được phân phối theo quan niệm của người cộng sản. Đó là khi tài nguyên, khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, thì lợi nhuận phải được điều tiết bằng thuế theo quy luật kinh tế thị trường", ông Nguyễn Đức Kiên nói.

- Chúng ta không thể nói lý thuyết như thế. Chúng ta không dám đồng bộ hóa các yếu tố thị trường. Chúng ta mới chỉ nói chúng ta đồng bộ hóa giá xăng dầu theo giá quốc tế, nhưng chúng ta quên đi điều cơ bản là phải đồng bộ hóa lương.

Chúng ta không thể nói, giá xăng dầu là quá rẻ so với thị trường quốc tế, nên phải nâng nó lên bằng với giá quốc tế. Nhưng giá lương có phải là giá thị trường quốc tế không. Ông trả lương tôi để tôi sống theo thị trường nội địa, nhưng lại có quyền bán hàng cho tôi theo giá thị trường quốc tế. Sao lại thế?

Chúng ta phải nói, thị trường quyết định giá cả, chứ không phải giá thế giới quyết định thị trường. Dù anh có bán đúng giá quốc tế nhưng với mức lương của người Việt Nam như thế này, tôi không đủ sức mua, tôi cũng không mua hàng của anh. Chúng ta nói thị trường hóa giá cả, nhưng phải xem là có nền tảng để thực hiện điều đó hay không? Theo tôi, đến nay là chưa có.

Liên quan đến chuyện lương, vì sao Nhà nước phải “ôm đồm” quá nhiều như vậy khi có đến 7-8 triệu người hưởng lương từ ngân sách?

- Phải làm thế nào bây giờ? Đây là thực tế lịch sử! Ai dám cắt lương các cụ về hưu trước năm 1994 không? Công chức hiện nay chỉ chưa đến 400.000 người, rất nhỏ so với 7,6 triệu người hưởng lương kia, ông có dám chỉ tăng lương cho họ không? Trong xã hội như thế này, chúng ta có dám làm không? Không ai dám làm, không có quốc gia nào dám làm. Bây giờ phải cắn răng lại, đẩy nền kinh tế lên, khi kinh tế phát triển rồi mới hy vọng giải quyết. Vì thế, cũng phải thông cảm, vì sao lại tăng cung tiền M2, tăng tín dụng để tăng đầu tư? Là để có tăng trưởng. Hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn tốc độ tăng quỹ lương và trượt giá thì sẽ bù đắp được bất bình đẳng đấy. Nhưng rủi ro trong năm năm nay, là tốc độ tăng trưởng đầu tư vẫn giữ nguyên, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt, nó mới tạo ra tác dụng ngược, làm cho yếu tố vĩ mô xấu đi.

Nói như ông, thì tư duy kinh tế thị trường sẽ rất khó có không gian phát triển?

- Đảng đã có nhiều nghị quyết cho rằng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là bước đi có tính chất quyết định việc sử dụng hiệu quả vốn của Nhà nước. Nhưng hãy xem, trong ba năm đầu của nhiệm kỳ khóa 11, chúng ta chỉ cổ phần hóa được 250 doanh nghiệp. Trong một thập kỷ trước đó, số doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 12.000 xuống còn 1.000 doanh nghiệp, tức mỗi năm cổ phần hóa được 1.000. Cổ phần hóa tốt đã tạo nên sức bật cho nền kinh tế, nhưng thời gian sau này không làm được. Theo tôi, chúng ta phát triển kinh tế không theo một chủ thuyết, hoặc có chủ thuyết mà không được thực hiện tốt. Vấn đề ở đó.

Tư duy về thị trường cũng gặp khó ngay cả ở Quốc hội, chẳng hạn, Quốc hội đã thông qua Luật Giá? Làm gì có quốc gia nào theo kinh tế thị trường có luật quy định về giá?

- Điều đó phản ánh nhận thức của xã hội. Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu phản ánh dư luận xã hội thôi, không thể tách rời.

TBKTSG: Nếu tóm tắt về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông nói gì?

- Nhà nước đã từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho thị trường vận hành. Một số doanh nhân đã tận dụng được cơ hội. Nhưng thất bại ở đây là Nhà nước đã không thực hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, và lợi nhuận được phân phối theo quan niệm của người cộng sản. Đó là khi tài nguyên, khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, thì lợi nhuận phải được điều tiết bằng thuế theo quy luật kinh tế thị trường. Tiền thuế đó chúng ta phân phối lại cho người nghèo để kéo gần khoảng cách nông thôn với thành thị, vùng sâu với đồng bằng để tránh được chênh lệch quá lớn.

Chúng ta muốn ôm đồm nhiều quá, mong muốn nhiều quá. Cái gì chúng ta cũng muốn làm, từ bao cấp cho học sinh đi học, khám chữa bệnh, xóa nhà tranh tre, mấy chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí còn mua lại đất cấp cho người nghèo ở một số vùng ở Tây Nguyên... trong khi nguồn lực hạn chế, nên mới bị hậu quả. Chúng tôi đang làm báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới thì thấy rằng, nền kinh tế đất nước đang rơi vào thoái trào. Suốt từ năm 2007 đến nay, các chỉ số vĩ mô như bội chi ngân sách, nợ công, Icon, trả nợ, trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp nhà nước đều đáng báo động. Nhìn cục diện từng năm một thì thấy có cải thiện ở một số lĩnh vực, nhưng xem tổng thể thì toàn bộ nền kinh tế lại đang đi xuống.

Tư Hoàng thực hiện

“Đại gia” Việt Nam cũng giống “đại gia” ở Đông Âu

Cá nhân tôi với tư cách là nhà nghiên cứu rất trân trọng những đóng góp của các doanh nhân lớn. Nhưng những doanh nhân như thế không phải họ tài ba gì quá. Nếu nhìn sang Đông Âu và Nga, việc xuất hiện các đại gia ở Việt Nam với các đại gia ở đó như nhau. Những người trở nên giàu có xuất phát từ hai lĩnh vực là bất động sản, và tài nguyên. Ở Việt Nam, xuất phát từ tài nguyên ít, vì tài nguyên do các doanh nghiệp nhà nước quản lý, và việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước này chậm, nên chúng ta không có các đại gia đi lên từ thiếc, nhôm, dầu hỏa. Nhưng chúng ta có các tỷ phú đất. Cái sai lầm lớn nhất trong vòng 30 năm đổi mới, là không đưa đất trở thành tài sản lưu thông trên thị trường. Chúng ta dùng cơ chế kế hoạch hóa định ra các bước phát triển thị trường bất động sản theo tư duy và theo năng lực tài chính của đất nước, mà không theo nhu cầu của thị trường. Đã hình thành lên tầng lớp các đại gia là hiện thân của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Họ tận dụng được thời cơ, khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật, tận dụng được thời điểm lịch sử, và Nhà nước thì buông quản lý.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội


Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu ô tô tăng mạnh (02/05/2014)

>   Sao không thể thân thiện với doanh nghiệp? (02/05/2014)

>   Mỹ, Nhật đạt bước tiến quan trọng trong đàm phán TPP (02/05/2014)

>   Các tỉnh phía Nam: Duy trì xuất siêu (02/05/2014)

>   Nông nghiệp Việt Nam đang “tự giẫm chân mình” (02/05/2014)

>   Đặc khu kinh tế: “Nhanh không mất thời cơ” (01/05/2014)

>   Ngành thép Việt Nam: Khi nào mới thoát được khó khăn? (01/05/2014)

>   Doanh nghiệp ngoại đón đầu FTA tại Việt Nam (01/05/2014)

>   Thu hút và quản lý FDI: “Bộ lọc” phải công bằng, hiệu quả (01/05/2014)

>   TP.HCM sẽ mở thêm 92 trung tâm thương mại, 43 siêu thị (01/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật