Các tỉnh phía Nam: Duy trì xuất siêu
Dù còn nhiều khó khăn, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng và duy trì xuất siêu.
Năm 2013, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các địa phương trong khu vực phía Nam như hải sản chế biến, gạo, cao su… gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu có tăng, nhưng mức tăng thấp hơn nhập khẩu. Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 80.117 triệu USD, tăng 4,13% so với năm 2012, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân cả nước (+15,4%), chiếm tỷ trọng 60,62% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tổng kim ngạch nhập khẩu 56.617 triệu USD, tăng 12,32% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng 43,12%.
Năm 2014 vẫn tiếp tục là năm khó khăn đối với các tỉnh phía Nam. Trong 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn khu vực mới đạt 19.244 triệu USD, tăng 4,66% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng bình quân cả nước, chiếm tỷ trọng 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Bên cạnh một số tỉnh, thành phố tăng xuất khẩu cao hơn so mức tăng bình quân cả nước (14,1%) như: Bà Rịa- Vũng Tàu (22,33%), Bến Tre (20,6%), Tây Ninh (15,58%), Trà Vinh (65,3%)..., vẫn còn nhiều tỉnh tăng thấp hơn mức bình quân cả nước như: Tiền Giang (13,1%) Bình Dương (12,7%), Long An (11,78%), Bình Phước (5,46%), Đồng Nai (4,2%), Đồng Tháp (-1,54%), Bình Thuận (-2,25%), TP. Hồ Chí Minh (-7%), An Giang (-9,12%), Cần Thơ (-12%)...
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm toàn khu vực cũng chỉ đạt 12.767 triệu USD, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn mức tăng bình quân cả nước (12,4%), chiếm tỷ trọng 39,5% tổng ikim ngạch nhập khẩu cả nước.
Chính vì vậy, tính chung 3 tháng, cán cân thương mại toàn khu vực vẫn xuất siêu 6.477 triệu USD; trong đó, 19/20 tỉnh, thành phố xuất siêu, riêng tỉnh Đồng Nai vẫn là địa phương duy nhất nhập siêu (141 triệu USD).
Để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014, các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các sản phẩm chế biến, chế tạo, các mặt hàng có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, công nghệ lạc hậu, thiết bị trong nước đã sản xuất được; ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến để phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững. Thường xuyên nắm bắt thông tin về các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu để phổ biến kịp thời cho thương nhân xuất khẩu, người sản xuất. Chú trọng nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về việc tận dụng các biện pháp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, chống gian lận thương mại, vi phạm pháp luật quốc tế. Tích cực đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của từng địa phương vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng.
Hồng Dương
công thương
|