Doanh nghiệp ngoại đón đầu FTA tại Việt Nam
Liên kết với doanh nghiệp ngoại để đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là giải pháp cho DN trong nước nếu muốn thoát khỏi cảnh làm gia công.
Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang ào ạt cập bến Việt Nam để đổ vốn đầu tư đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó khi được ký kết, các hiệp định như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam-Hàn Quốc, Asean + 6… sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN nào biết nắm bắt.
Doanh nghiệp ngoại đã lên kế hoạch từ lâu
Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết hiện nay có hơn chục DN Trung Quốc, Áo, Hong Kong, Đài Loan… đã và đang triển khai xây dựng các nhà máy dệt may, nhuộm, xơ sợi. Các DN nước ngoài quan tâm đầu tư vào ngành này vì khi TPP có hiệu lực thì hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước tham gia TPP, khi đó DN nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam sẽ hưởng lợi.
Dệt may là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia các hiệp định FTA
|
Nắm được lợi ích đó, Tập đoàn Texhong mới đây (25-4) đã cùng một DN Việt Nam triển khai dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án KCN này có tổng vốn đầu tư lên đến 215 triệu USD.
Tại TP.HCM, dệt may cũng là lĩnh vực đang đón nhiều dòng vốn ngoại với mục đích hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Như Công ty Forever Glorious (Đài Loan) đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án trung tâm thiết kế thời trang, sản phẩm may mặc cao cấp.
Hiệu ứng FTA đang khiến nhiều DN đến từ những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Pháp… cũng quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Ông Hideaki Kato, Tổng Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), mới đây đã chia sẻ kế hoạch mở thêm 3-4 khu công nghiệp nữa ở Việt Nam. Hiện tại, Sojitz đã đầu tư vào hơn 20 nhà máy tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực thực phẩm, năng lượng, bột giấy, điện tử...
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết nông nghiệp cũng là ngành thu hút vốn ngoại trong thời gian qua. Gần 20 DN Pháp đã sang Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư hợp tác trong lĩnh vực máy móc, kinh nghiệm cùng kỹ thuật chăn nuôi. Các DN Pháp cho rằng khi Việt Nam tham gia FTA nhiều cơ hội thuận lợi sẽ mở ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng lên nhanh chóng khi ngành chăn nuôi phát triển.
Doanh nghiệp nội vẫn loay hoay, chưa liên kết
Trong khi DN ngoại tăng cường tận dụng đón cơ hội lợi ích từ FTA thì DN trong nước dường như chưa biết cách tận dụng lợi ích của chính mình có được.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, cho biết các hiệp định FTA mà nước ta sẽ ký kết đều là những FTA mang tính lịch sử có tác động không chỉ kinh tế mà cả vấn đề văn hóa xã hội và chính trị. Đơn cử như Hiệp định TPP vẫn đang trong vòng đàm phán nhưng đã hội nhập thì tất yếu Việt Nam phải tham gia. Dòng vốn FDI sẽ gia tăng và điều đó mang lại lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý cho cả nền kinh tế và quan trọng DN nội cũng hưởng lợi. Sự gia tăng vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng. Nhà nước cần đổi mới chính sách đón vốn ngoại và đối xử công bằng giữ DN nội lẫn ngoại như nhau.
Theo ông Thành, dù vậy cốt yếu vẫn ở chính DN trong nước, họ phải dần chuyển đổi về nguồn gốc nguyên liệu cho “khít” với quy định của FTA. DN phải tạo mối quan hệ tốt hơn với các luật sư vì khi đã vào FTA chắc chắn kiện tụng sẽ nhiều hơn. Và phải biết sức mình sức người để có chiến lược tăng sức cạnh tranh cho hợp lý. Liên kết với DN ngoại cùng hưởng lợi đó có thể là giải pháp phù hợp đối với DN nước ta.
Đại diện Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng thách thức lớn nhất khi Việt Nam tham gia FTA vẫn phải là xác định lợi thế cạnh tranh của DN trong nước và tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu không chuẩn bị tốt, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành “sân sau” sản xuất hàng hóa của những nhà đầu tư nước ngoài, DN trong nước vẫn tiếp tục làm gia công cho DN ngoại. Vì vậy xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu, thu mua, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu, nghe có vẻ cũ nhưng làm rất khó mà buộc DN nước ta muốn cạnh tranh thì phải làm được.
Gần 5 tỉ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong bốn tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 4,85 tỉ USD, bằng 59% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, ước tính đã giải ngân được 4 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, tính đến ngày 20-4-2014, đầu tư, công nghiệp chế biến và chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 74% tổng vốn đầu tư đăng ký trong bốn tháng năm 2014. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, đứng thứ ba là lĩnh vực xây dựng.
|
Quang Huy
pháp luật TPHCM
|