Thứ Hai, 12/05/2014 06:58

Doanh nghiệp giao thông: "Sống" thế nào sau cổ phần hóa?

5 đơn vị của ngành GTVT tiến hành bán cổ phần rộng rãi ra công chúng (IPO) đã tổ chức thành công đại hội cổ đông để chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa (CPH). Chính thức bước sang mô hình hoạt động mới, cổ đông chờ đợi lãnh đạo các doanh nghiệp này có những thay đổi trong quản lý, điều hành để doanh nghiệp phát triển hơn.

Các đơn vị XDCB giao thông sau khi CPH sẽ dồi dào tài chính để tham gia những dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn

“Lên đời” sau CPH

Cho đến nay, đã có 5 doanh nghiệp giao thông tổ chức thành công đại hội cổ đông lần thứ nhất để chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Sớm nhất là Cienco 1, từ 29/4, đơn vị này đã tiến hành đại hội lần thứ nhất và được đánh giá là thành công vượt ngoài mong đợi. Ông Phạm Dũng, ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT cho biết: “Sau khi CPH, với những lợi thế trong việc xây dựng những công trình có kết cấu phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, cùng với việc Cienco 1 vẫn được xem là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng giao thông chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Khi hoạt động theo mô hình mới, với sự tham gia của các cổ đông chiến lược đến từ nước ngoài (Nhật Bản), chúng tôi sẽ có thêm cả tài chính, kinh nghiệm quản lý và ưu thế, thiết bị kỹ thuật để tìm cho mình những dự án lớn hơn và tranh thủ được nguồn vốn nước ngoài để đầu tư vào các dự án”.

Là đơn vị thứ hai tiến hành đại hội cổ đông, Tổng công ty XD Thăng Long đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng đơn vị thành thương hiệu lớn trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Trước đó, Tổng công ty XD Thăng Long được coi là đơn vị tiến hành IPO thành công nhất. Dù bán hơn 41% với hơn 12,3 triệu cổ phần nhưng chỉ trong vài phút đầu tiên đã bán hết veo với giá cao ngất ngưởng. Giá đặt mua cao nhất lên tới 22.200 đồng. Giá thấp nhất cũng ở mức 20.600 đồng và giá trung bình 21.007 đồng.

"Việc các nhà đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các Tổng công ty là một số vốn không hề nhỏ. Tuy nhiên đây cũng như là câu chuyện “chọn vợ gả chồng”, phải có sự ưng thuận của cả hai bên. Cuộc “hôn nhân” ấy có đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc rất lớn vào cách thức đến với nhau. Chính vì thế, việc ổn định bộ máy quản lý, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao có một ý nghĩa quan trọng”.

Ông Lưu Đình Tiến, Tổng Giám đốc Vinawaco


Đồng loạt trong ngày 10/5, 3 doanh nghiệp lớn khác tiến hành xong đại hội cổ đông lần thứ nhất là Vinamoto, TEDI và Cienco 4. Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TEDI cho biết, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với sự tham gia của cổ đông chiến lược - Công ty tư vấn quốc tế OC của Nhật Bản, Công ty FECOM, TEDI sẽ giữ được nhịp phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn. Thời gian tới, TEDI định hướng sẽ vươn ra thị trường tư vấn khu vực và quốc tế để khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững hơn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Ngọc Hoa - Tổng Giám đốc Cienco 4 cho biết, sau khi CPH thành công, Cienco 4 sẽ tiến hành đổi mới toàn diện công tác quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả bộ máy. “Cienco 4 sẽ đề nghị tiếp tục bán hết vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty, thoái bớt vốn tại các công ty con để có thêm vốn đầu tư. Khi hoạt động theo mô hình mới, Cienco 4 sẽ là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư các công trình BOT giao thông” - ông Hoa nói.

Đối với một số doanh nghiệp khác như Tổng công ty XD đường thủy (Vinawaco), Tổng công ty Vận tải thủy, các Cienco 5, 6, 8 tình hình sau CPH cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Ngay như với Cienco 8, đơn vị đang vật lộn với nhiều khó khăn về tài chính và việc làm, mới đây IPO cũng không thành công như mong đợi, nhưng khi trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy - Tổng giám đốc Cienco 8 cho biết, hiện nay Cienco 8 đang rất khó khăn nhưng tôi tin sau khi CPH, Tổng công ty sẽ đi lên. Chúng tôi không chọn cách phát triển “nóng” mà hướng đi bền vững, tập trung vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả nhất chứ không chạy theo số lượng. “Lẽ thường các cụ vẫn bảo, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, tôi tin là tiềm năng luôn thuộc về những nơi chưa phát triển và đang gặp khó khăn” - ông Thủy chia sẻ.

Với Vinawaco sau CPH sẽ thay đổi hoàn toàn số phận của đơn vị này. Vinawaco sẽ thật sự “lên đời” và bỏ lại sau lưng khoảng thời gian chục năm bết bát, chìm ngập trong thua lỗ, nợ nần, đơn từ, kiện tụng kéo dài. Ông Lưu Đình Tiến - Tổng Giám đốc Vinawaco cho biết: “Vinawaco sẽ chính thức bước sang một trang mới, tài chính sẽ minh bạch hơn”.

Ai ở, ai đi sau CPH?

Đây là điều khiến nhiều người, nhất là đội ngũ lãnh đạo các đơn vị lo ngại nhất trước khi tiến hành CPH. Thực tế điều này vẫn đang là rào cản lớn đối với quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Ngay với Bộ GTVT, nếu không có sự quyết liệt của người đứng đầu ngành GTVT, quá trình tái cơ cấu, CPH chắc sẽ kéo dài.

Cho tới thời điểm hiện nay, sau khi 9 đơn vị đã tiến hành IPO và già nửa số đó đã đại hội thành công thì chuyện ai ở, ai đi đã khá rõ ràng. Sau CPH, hầu hết các đơn vị đều ưu tiên tính ổn định, bảo đảm đời sống việc làm cho người lao động, số lượng cán bộ, công nhân viên mất việc là không đáng kể. Đến nay cũng chỉ có ít doanh nghiệp có sự xáo trộn bộ máy lãnh đạo. Chẳng hạn Tổng công ty XD Thăng Long có tân Chủ tịch HĐQT mới là ông Phạm Quang Dũng - một cổ đông lớn từ TASCO. Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Tài sẽ nhận nhiệm vụ Vụ Phó Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT). Tổng công ty Vận tải thủy, sau khi bán hết hơn 14,7 triệu cổ phần còn lại (gồm 14.627.987 cổ phần chào bán công khai và 97.854 cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV nhưng chưa bán hết trong đợt IPO) cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, với phương thức thỏa thuận mua - bán trực tiếp, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự xáo trộn ở vị trí người đứng đầu. Còn lại, hầu hết các tổng công ty khác không có sự thay đổi đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc Cienco 4 cho rằng, việc đi, ở không nên quá đặt nặng. Các cổ đông họ bỏ vốn đầu tư, giao cho mình điều hành, nếu không đáp ứng được yêu cầu, không mang lại hiệu quả, tất yếu sẽ bị đào thải và thay thế bởi người tài năng hơn. Điều đó chỉ tốt hơn cho doanh nghiệp, không có gì đáng lo ngại. “Chủ trương của Bộ GTVT không giữ vốn Nhà nước tại các tổng công ty xây lắp, nên các Cienco tới đây đều sẽ thoái vốn dần. Khi các nhà đầu tư bỏ đồng tiền bát gạo đầu tư, mà “của đau con xót”, mình không làm được thì họ sẽ thay. Điều này chỉ có lợi cho sự phát triển doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm, ông Cấn Hồng Lai - Tổng Giám đốc Cienco 1 nói, trước sau gì Nhà nước cũng thoái vốn tại các doanh nghiệp. Khi CPH xong, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều công khai, minh bạch. Những người đứng đầu cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý, sẵn sàng từ nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó thúc đẩy tất cả mọi người cùng nỗ lực, cố gắng lao động, sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đức Thắng - Tiến Mạnh

Giao thông vận tải

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa Vinalines: Nhà nước có chấp nhận “hy sinh”? (09/05/2014)

>   Vinatex bán 24% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (08/05/2014)

>   CPH DNNN lớn: Tạo động lực TTCK (08/05/2014)

>   Không tính giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa (07/05/2014)

>   Thế giới Di động có xứng với giá 85.000 đồng/cổ phiếu? (05/05/2014)

>   Thị trường chứng khoán - triển vọng từ cổ phần hóa (02/05/2014)

>   Cổ phần hóa DNNN: Nhà đầu tư sợ... bộ máy cồng kềnh của DNNN! (02/05/2014)

>   Có thể cổ phần hóa đại học, bệnh viện (26/04/2014)

>   Thông báo mời chào làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na do Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (25/04/2014)

>   SCIC chỉ bàn giao doanh nghiệp khi Thủ tướng yêu cầu (24/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật