Thị trường chứng khoán - triển vọng từ cổ phần hóa
Trong năm 2014-2015, có hơn 430 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, điều này sẽ giúp cho thị trường chứng khoán có thêm nhiều hàng hóa mới, đồng thời nhà đầu tư cũng có thêm cơ hội lựa chọn.
Từ năm 2011 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được 114 doanh nghiệp, trong đó, 30 tổng công ty nhà nước, 21 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết đã cung cấp cho thị trường chứng khoán lượng hàng hóa tốt, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của các đơn vị này.
Bên cạnh đó, trên cơ sở những tín hiệu cho thấy nền kinh tế bắt đầu có sự phục hồi, đa số nhà đầu tư đều có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư ngoại cũng dành sự quan tâm rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, do điều kiện vĩ mô ổn định và những thông tin về dự thảo nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: “Những hội nghị gần đây về cổ phần hóa cũng là một triển vọng cho thấy quyết tâm đổi mới và cải cách của Chính phủ. Người ta gọi đây là cuộc cải cách giai đoạn 2 của Việt Nam và tính quyết tâm của việc này được cộng đồng đầu tư quốc tế đánh giá rất cao. Trong những lần Ủy ban tiếp xúc với nhà đầu tư Nhật Bản thì họ cũng rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt qua đầu tư riêng lẻ, qua đấu giá cổ phần hóa để tham gia vào thị trường. Đây là những triển vọng rất tích cực đối với Việt Nam”.
Theo kế hoạch cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước vừa được thông qua, có tới 432 doanh nghiệp Nhà nước sẽ cổ phần hóa thì câu hỏi đặt ra là nguồn cung trên thị trường có bị quá tải?
Trong bối cảnh hiện nay, để hấp thụ hết nguồn vốn này là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM thì số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa như kế hoạch sẽ diễn ra trong 2 năm 2014-2015.
Theo quy định, chỉ có những đợt đấu giá từ 10 tỷ đồng trở lên mới thực hiện qua Sở, nên lượng đấu giá thực tế qua Sở sẽ thấp hơn con số 432 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lực hút của thị trường còn tùy thuộc chất lượng hàng hóa và tính thanh khoản tại thời điểm chúng ta chào bán và hiện nay, thanh khoản của thị trường khá tốt.
Bà Trần Anh Đào, cho biết thêm: “Hiện nay, thanh khoản của thị trường chứng khoán được đánh giá là rất tốt, đối với thị trường thứ cấp thì giao dịch bình quân đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đa số các nhà đầu tư đều rất quan tâm đến hoạt động cổ phần hóa của chúng ta. Với tình hình thị trường thứ cấp có chuyển biến tốt, cộng với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng có chuyển biến tích cực, với tất cả những dấu hiệu này thì tôi tin rằng những đợt bán đấu giá sẽ thu được thành công trên thị trường”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong 2 năm là hoàn toàn khả thi. Trước đó, trong giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam (2004-2005), số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa tăng mạnh và ở mức cao.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dẫn chứng: “Trải qua 20 năm cổ phần hóa, chúng ta đã cổ phần hóa được khoảng 4.000 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp. Có những thời điểm, thị trường thuận lợi như năm 2004- 2005 thì mình cổ phần hóa mỗi năm như vậy là trên 800 doanh nghiệp. Cho nên, theo tinh thần Nghị quyết chung của Quốc hội và Chính phủ, trong năm 2014-2015, việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp sẽ thuận lợi”.
Thời gian tới, dự kiến nhiều doanh nghiệp hàng nghìn tỷ sẽ được đưa ra công chúng đầu tư thông qua cổ phần hóa. Trong đó có thể kể đến những cái tên được giới đầu tư quan tâm như: Vinatex, MobiFone, Vietnam Airline… Như vậy, thị trường chứng khoán năm nay dự báo sẽ khá sôi động với sự tham gia của một loạt các tên tuổi nói trên.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để tìm được nhà đầu tư chiến lược theo đúng nghĩa trước khi thực hiện chào bán. Ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm: “Liên quan đến việc cổ phần hóa của công ty vật phẩm văn hóa Vafaco thì chúng tôi không ngại về việc tìm cổ đông chiến lược cũng như bán cổ phần nhà nước ra bên ngoài vì hiện nay chúng tôi làm sớm và chúng tôi cũng đã có một số đối tác đến đặt vấn đề. Tuy nhiên, với tiến độ này và cùng lúc tất cả các đơn vị tiến hành cổ phần hóa thì cũng có thể sẽ gặp vấn đề trong việc bán ra nhiều. Nếu như chúng ta không có một sự tính toán thì cũng sẽ gặp khó khăn nhất định khi tìm kiếm đối tác có năng lực tham gia một cách hữu hiệu trong tiến trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước”.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát thông điệp về đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đã quyết liệt hơn triển khai việc thực hiện thực hiện bán bớt cổ phần ra công chúng. Thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị đầu mối tổ chức đấu giá cổ phần cho doanh nghiệp nhà nước, trong quí I/2014 HNX đã tổ chức 21 cuộc bán đấu giá cổ phần ra công chúng. Tín hiệu này hứa hẹn, thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ khá sôi động và khởi sắc.
Hà An
voh
|