Thứ Sáu, 09/05/2014 10:35

Cổ phần hóa Vinalines: Nhà nước có chấp nhận “hy sinh”?

Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) đang thể hiện quyết tâm không chậm trễ trong việc thực hiện đúng lộ trình IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) vào quí 1-2015. Cuối tháng 4 vừa qua, Vinalines đã kiến nghị loại năm con tàu ra khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Đây là một đề xuất táo bạo, dọn đường cho IPO có thể thành công, nhưng quanh nó không phải không có những băn khoăn về mất mát tài sản nhà nước.

“Lần giở trước đèn”

Năm con tàu bao gồm Vinalines Ocean, Vinalines Trader, Vinalines Global, Vinalines Ruby và Vinalines Sky. Chúng được mua vào những năm 2005-2010, ở thời đỉnh điểm giá cước vận tải biển, buôn bán tàu bè quốc tế nhộn nhịp. Phần lớn vốn đầu tư cả năm tàu là tiền vay, trong đó tiền mua Sky, Global, Ocean được vay 100%. Những ngân hàng cho vay khoản đầu tư 100% này hẳn thật sự “dũng cảm” vì nó chính xác là đòn bẩy tài chính 100%, không có một đồng vốn đối ứng nào.

Lý giải việc loại năm tàu, lãnh đạo Vinalines cho biết giá trị thực tế còn lại của các tàu rất thấp, thấp đến mức nếu xác định theo giá thị trường để cổ phần hóa thì sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu của tổng công ty tới 1.989 tỉ đồng. Nói cách khác, giá trị thu được khi bán các tàu so với giá mua có thể chênh nhau gần 2.000 tỉ đồng, một mức lỗ khủng khiếp so với số vốn điều lệ tại ngày 13-9-2013 của Vinalines là 10.693 tỉ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm năm kể trên Vinalines đã đầu tư 73 tàu với số tiền 22.853 tỉ đồng. Không biết còn bao nhiêu tàu nữa rơi vào tình trạng thua lỗ như năm tàu này? Và số tiền lỗ là bao nhiêu?

Cho nên không có gì ngạc nhiên, theo đề án tái cơ cấu Vinalines trước đây, đến tháng 5-2012 nợ của tổng công ty lên tới 61.768 tỉ đồng. Hai năm qua con số có thể thay đổi do lãi phát sinh. Trong đại hội đồng cổ đông hàng năm, các ngân hàng đều bị cổ đông chất vấn về những khoản cho Vinalines vay và gần như chưa ngân hàng nào đòi được nợ. Một số chủ nợ buộc phải trích lập dự phòng rủi ro để giảm thiểu tổn thất.

Lựa chọn của Nhà nước

Cho đến khi bản cáo bạch IPO được công bố, sẽ khó biết chính xác giá trị tài sản còn lại của Vinalines và liệu tài sản đó có cao hơn số nợ gốc cùng lãi phải trả. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là Vinalines đang trong tình trạng thua lỗ (thí dụ phần lớn các công ty vận tải biển đang niêm yết có vốn chi phối của Vinalines đều đang lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu), nhiều tàu không hoạt động và nằm phơi mưa nắng.

Xác định giá trị doanh nghiệp của Vinalines ở mảng kinh doanh tàu theo giá thị trường, vì thế, sẽ làm phát sinh khoảng chênh lệch giữa giá trị sổ sách, giá vốn đầu tư và giá trị thực còn lại. Nếu cứ mang giá trị sổ sách của tổng công ty ở mảng này ra IPO, ai dám mua? Còn nếu IPO trên giá trị thực còn lại, Nhà nước sẽ thiệt thòi. Nhà nước sẽ phải lựa chọn: hoặc IPO thành công để Vinalines có thể chuyển đổi chủ sở hữu (dự kiến Nhà nước không nắm cổ phần chi phối ở Vinalines và 70% cổ phần sẽ bán ra ngoài), trở nên kinh doanh có hiệu quả; hoặc IPO mà không có người mua.

Vinalines cho đến giờ vẫn là doanh nghiệp 100% vốn quốc doanh và Nhà nước là người quản lý, điều hành. Nhà nước là người chịu trách nhiệm về sự thua lỗ của tổng công ty. Đứng ở góc độ ông chủ, Vinalines lỗ, Nhà nước phải gánh. Không thể thông qua cổ phần hóa để chuyển đổi sự thua lỗ đó cho công chúng đầu tư. Nhà đầu tư có đủ khôn ngoan để nhận thức trả giá nào cho món hàng mà họ mua.

Một khi được chấp thuận loại khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp những tài sản đang cõng khoản lỗ quá lớn trên lưng, không phải Vinalines còn lại toàn tài sản đẹp và sự thua lỗ tự nhiên biến mất. Lỗ vẫn còn đó, nợ nần vẫn còn đó, chỉ là cải thiện ở mức nhất định những tài sản có khả năng sinh lời để giới đầu tư thấy rằng bỏ tiền vào Vinalines là có cơ sở.

Nhà nước sẽ làm gì với những tài sản chất lượng kém như năm con tàu nói trên? Cách tốt nhất là giao chúng cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vì một trong những chức năng của DATC là “tiếp nhận xử lý các khoản nợ, tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước”. DATC có thể mang chúng ra đấu giá, tiền bán được dùng để trả bớt nợ của Vinalines. Phần thua lỗ, tất nhiên, hạch toán cho Nhà nước.

Có một cách xử lý khác không lòng vòng, nhanh chóng, dứt khoát, minh bạch và có phần “đau đớn” vì nó làm tổn thương hình ảnh của Nhà nước - chủ quản lý Vinalines - trong con mắt dư luận là đấu giá công khai những tài sản bị loại trừ. Những tài sản ấy càng để lâu càng mất giá, càng làm cho tình trạng thua lỗ của Vinalines thêm trầm trọng. Trong quy định về cổ phần hóa, có quy định rạch ròi về khoán, bán, cho thuê những doanh nghiệp thua lỗ. Tại sao Nhà nước không chọn cách đơn giản hơn cả: công khai tài sản không sinh lời, công khai tình trạng thua lỗ, công khai nợ nần, công khai đấu giá tài sản cần thanh lý và công khai việc xử lý nợ, kiểu “Đấy, giá trị của Vinalines còn chừng ấy, nợ chừng ấy, Nhà nước sẽ khoanh, giãn, tái cơ cấu thậm chí xóa bỏ bằng này nợ cho tổng công ty”. Nhà đầu tư sẽ nhìn nhận cả quá trình và cách thức xử lý vấn đề của Nhà nước để trả giá mua.

Sự thua lỗ của Vinalines có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cho dù nguyên nhân nào chăng nữa, đã đến thời điểm Nhà nước thừa nhận đã thất bại trong vai trò quản lý, điều hành tổng công ty. Cổ phần hóa Vinalines không phải để chia sẻ thất bại cho người khác, mà để kêu gọi sự đóng góp về vốn, về chất xám của công chúng, của xã hội nhằm vực dậy, hồi sinh một doanh nghiệp quan trọng của nền kinh tế. Để làm được điều đó, rất cần Nhà nước chấp nhận hy sinh lợi ích của mình.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vinatex bán 24% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (08/05/2014)

>   CPH DNNN lớn: Tạo động lực TTCK (08/05/2014)

>   Không tính giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa (07/05/2014)

>   Thế giới Di động có xứng với giá 85.000 đồng/cổ phiếu? (05/05/2014)

>   Thị trường chứng khoán - triển vọng từ cổ phần hóa (02/05/2014)

>   Cổ phần hóa DNNN: Nhà đầu tư sợ... bộ máy cồng kềnh của DNNN! (02/05/2014)

>   Có thể cổ phần hóa đại học, bệnh viện (26/04/2014)

>   Thông báo mời chào làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na do Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (25/04/2014)

>   SCIC chỉ bàn giao doanh nghiệp khi Thủ tướng yêu cầu (24/04/2014)

>   Sẽ có nghị quyết về tái cơ cấu nợ cho Vinalines (23/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật