Không tính giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa
Để thí điểm và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang công ty cổ phần, Bộ Tài chính dự kiến sẽ không tính giá trị lợi thế kinh doanh của đơn vị sự nghiệp công lập (gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển) vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.
Không tính giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa là một cơ chế khuyến khích lớn giúp đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi thành công ty cổ phần.
|
Đó là nội dung đang được Bộ Tài chính dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Sở dĩ, việc không tính giá trị lợi thế kinh doanh của đơn vị sự nghiệp công lập (gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển) vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa bởi vì đối với doanh nghiệp thì giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển được tính dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp muốn có thương hiệu thì phải bỏ ra các khoản chi phí để quảng cáo, vì vậy thực chất đây là một khoản đầu tư để có được giá trị thương hiệu.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì ít hay nhiều đều thực hiện một phần nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước giao; trong quá trình hoạt động còn chưa tính đủ các chi phí (như: chi phí khấu hao, tiền lương, trả tiền thuê đất,...), chưa bỏ ra khoản đầu tư để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình, chưa tự chủ hoạt động kinh doanh như doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu để tính toán như quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ không có hoặc không đầy đủ; do vậy, không thể lượng hóa được việc tính giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa.
Theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ, khi cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giá trị lợi thế kinh doanh (gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển) được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Khi thực hiện Đề án thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập, để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang công ty cổ phần, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định không tính giá trị lợi thế kinh doanh vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện thí điểm cổ phần hóa.
Qua khảo sát của Bộ Tài chính cho thấy có 30 đơn vị sự nghiệp công lập tự bù đắp được chi phí nên có thể thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Trong đó, có 14 đơn vị có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng, trong đó 11 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Có 7 đơn vị có tổng tài sản trên 50-100 tỷ đồng, trong đó 4 đơn vị có số thu lớn hơn chi.
Ngoài ra, có 14 đơn vị có tổng tài sản trên 10-50 tỷ đồng, trong đó 6 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Còn lại 3 đơn vị có tổng tài sản dưới 10 tỷ đồng, trong đó 1 đơn vị có số thu lớn hơn chi.
Do thời gian đầu mới chỉ thực hiện thí điểm, vì vậy dự kiến chỉ áp dụng đối với các đối tượng là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa bao gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (đại học, cao đẳng, trung cấp); bệnh viện; viện.
Dự kiến, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết định lựa chọn các đơn vị sự nghiệp công lập đủ các điều kiện (tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện cổ phần hóa và ý kiến thống nhất của các tổ chức, đoàn thể tại đơn vị) để báo cáo Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm cổ phần hóa.
Các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện cổ phần hóa dưới một số hình thức như: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại các đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán một phần vốn nhà nước hiện có; Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Bộ Tài chính cho biết, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật hiện hành.
Minh Anh
hải quan
|