Cổ phần hóa DNNN: Nhà đầu tư sợ... bộ máy cồng kềnh của DNNN!
Theo lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), không thể chậm trễ hơn trong việc cổ phần hóa (CPH) các đơn vị thuộc tập đoàn, trước yêu cầu của thực tế cũng như yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, cùng với thực trạng của các Cty thành viên - bộ máy cồng kềnh, tỉ suất lợi nhuận thấp... khiến cho tiến trình CPH vô cùng khó khăn.
Tái cơ cấu 20% số lao động gián tiếp như thế nào?
Ngoài việc thoái vốn, giải thể 9 Cty TNHH MTV để chuyển thành chi nhánh nhằm tinh gọn bộ máy, đến nay, Vinacomin đã hoàn thành việc CPH Cty vật tư, vận tải, xếp dỡ và đang thực hiện CPH Cty kim loại màu Thái Nguyên, theo Quyết định 314/QĐ-TTg ngày 7.2.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn này cũng đã ra quyết định CPH đối với 6 đơn vị còn lại để chuyển sang mô hình Cty cổ phần từ 1.1.2015, trong đó có Tổng Cty Khoáng sản, Tổng Cty Điện, Tổng Cty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Cty TNHH MTV cơ khí đóng tàu...
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết quý I mới đây của toàn tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Vinacomin - ông Trần Xuân Hòa và Tổng Giám đốc Vinacomin - ông Lê Minh Chuẩn tuyên bố trước lãnh đạo các Cty thành viên rằng “không có đường lùi” đối với tiến trình CPH của Vinacomin - như một thông điệp cứng rắn với ai đó còn có ý định “câu giờ”, dù theo hai ông, khó khăn là rất lớn, nhất là với việc giải quyết bài toán dôi dư lao động (LĐ).
Sau khi Tổng Cty Đông Bắc, với khoảng 12.000 LĐ, được tách về Bộ Quốc phòng quản lý, hiện Vinacomin vẫn còn khoảng 126.000 LĐ. Theo một lãnh đạo tập đoàn, trong số này có tới 20% là LĐ gián tiếp. “Vì thế, khi tái cơ cấu, hoặc CPH, việc sắp xếp lại 20% số LĐ trên không hề đơn giản” - vị này chia sẻ.
Nhà đầu tư không mặn mà
“Giả sử các Cty chuẩn bị CPH có đặc quyền, đặc lợi thì nhìn vào bộ máy quá cồng kềnh, phình to hằng năm của họ thì cũng khó hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lợi nhuận chia lại chắc chẳng được là bao” - một nhà đầu tư nhận định.
Như vậy, để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng bên ngoài, một trong những giải pháp là buộc phải tinh giản LĐ, mà đây lại là vấn đề đau đầu nhất đối với Vinacomin. Một trong những khó khăn nữa là cổ phần của các Cty nằm trong diện CPH cũng thực sự không hấp dẫn, bởi tình hình thị trường.
Liên tục nhiều năm nay, số lượng than tồn luôn ở mức cao (hiện lượng than tồn lên tới 7,6 triệu tấn than), trong khi giá có chiều hướng đi xuống. Hơn nữa, việc không dễ nắm được cổ phần chi phối cũng khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà.
Cty TNHH MTV cơ khí đóng tàu Vinacomin được coi là một ví dụ điển hình về việc khó khăn khi CPH, trong bối cảnh ngành đóng tàu cả nước dường như chưa tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Từ hơn 600 LĐ, đến nay, Cty này chỉ còn khoảng 300 LĐ mà cũng không đủ việc làm, buộc Cty phải xin lãnh đạo Tập đoàn Vinacomin cho phép... lấn sân sang một số ngành nghề của các Cty khác cũng của Vinacomin. Hiện, Cty TNHH MTV cơ khí đóng tàu Vinacomin đang thuê Cty độc lập bên ngoài đánh giá lại tài sản để tiến tới CPH.
“Trước đây, tập đoàn đầu tư hơn 600 tỉ đồng cho hệ thống máy móc, trang thiết bị đóng tàu. Giờ khấu hao không biết còn bao nhiêu?” - Phó giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn Cty Nguyễn Văn Tiền chia sẻ. “Chúng tôi không lo lắng về việc dư dôi LĐ khi CPH, nhưng lo nhất là có bán được cổ phần không vì ngành đóng tàu cả nước hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Mà không bán được cổ phần thì CPH kiểu gì. Bán CP cho cán bộ công nhân viên thì cũng chỉ theo quy định, hơn nữa, công nhân nghèo cũng không đủ tiền mua...”.
Khó khăn là vậy, nhưng 31.12.2014 là thời hạn chót để Cty TNHH MTV cơ khí đóng tàu Vinacomin chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty cổ phần.
Nguyễn Hùng
lao động
|