Dệt may “hút” vốn Trung Quốc, “lo ngay ngáy” cho môi trường
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tiên phong đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng cách đổ vốn đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, sợi, nhuộm ở Việt Nam. Cùng với đó, các lo ngại về môi trường cũng tăng lên sau những dự án “khủng” đã và sẽ được cấp phép.
DN Trung Quốc ùn ùn vào lĩnh vực dệt may
Mới đây, tỉnh Nam Định đã có cuộc làm việc với liên doanh các nhà đầu tư gồm Công ty Luenthai, Công ty Foshan Sanshui Jialida (Hồng Kông) và Tập đoàn dệt may Việt Nam để xúc tiến thành lập khu công nghiệp chuyên về dệt may Rạng Đông ở tỉnh này với diện tích 1.400-1.500ha, vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển ngành dệt may theo chuỗi cung ứng từ nhà máy kéo sợi - dệt - nhuộm - in - và sản phẩm hoàn chỉnh.
Cũng tại tỉnh này, vào tháng 3-2014, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh. Dự án có công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm. Dự án có tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 6-2016, thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Một dẫn chứng khác cũng trong ngành dệt may là dự án của Tập đoàn Texhong. Sau đúng 1 năm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, đầu tháng 7-2013, Tập đoàn này đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất sợi tại khu công nghiệp Hải Yên (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD và khởi công giai đoạn 2 của dự án. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 40 ha tại khu công nghiệp Hải Yên, quy mô gồm 6 xưởng sợi với tổng công suất gần 140 nghìn tấn/năm và được chia làm 3 giai đoạn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng đang lên kế hoạch để "đổ tiền" vào dệt may Việt Nam. Chẳng hạn để mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sau 10 năm đưa Nhà máy tại tỉnh Thái Bình vào hoạt động, Tập đoàn TAL (Hồng Kông) cũng đang lặn lội khảo sát ở một loạt địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Nam... để đầu tư dự án nhà máy dệt vải, nhuộm và may mặc. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng hơn 200 triệu USD.
Cảnh giác với môi trường
Việc các nhà đầu tư Trung Quốc “sốt sắng” đổ vốn vào lĩnh vực dệt may ở Việt Nam là nhằm đón đầu TPP theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa đang được 12 nước tham gia TPP đàm phán, đặc biệt là Mỹ. Cụ thể các sản phẩm như dệt may, da giày xuất khẩu sẽ chỉ được hưởng thuế suất 0% khi 70% nguyên phụ liệu được sản xuất tại các quốc gia thành viên TPP.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Trung Quốc quyết định đầu tư vào ngành dệt ở Việt Nam, một phần nào đó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, “chấp nhận được”, chỉ bao gồm những nhà máy có công nghệ thực sự hiện đại, đảm bảo về hiệu quả kinh tế và quan trọng hơn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Bản tin Kinh tế vĩ mô số 10 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố cho rằng: Ngay cả khi TPP được coi là “cơ hội vàng” cho ngành dệt may Vệt Nam, Hiệp định này cũng yêu cầu các sản phẩm dệt may phải xuất phát từ sợi” và đây là rào cản kĩ thuật hạn chế hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam chỉ là nơi đặt nhà máy sợi, dệt, nhuộm của các doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn hưởng ưu đãi xuất khẩu theo TPP.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lên tiếng cảnh báo: Sự hiện diện của các doanh nghiệp này cũng tạo ra những thách thức đến môi trường mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, cho nên cần xử lí kịp thời và hiệu quả để tránh lặp lại những vấn đề lớn về môi trường mà hiện nay Trung Quốc đang gặp phải.
Lương Bằng
hải quan
|