Thứ Bảy, 10/05/2014 10:04

Giá thuốc - ai quản lý?

Loạn giá, tăng giá thuốc… là vấn đề được báo chí và dư luận đề cập đến từ nhiều năm nay. Cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tại phiên họp mở rộng sơ bộ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức mới đây. Tuy nhiên, ai quản lý giá thuốc đang là vấn đề còn bỏ ngỏ…

Cần siết chặt quản lý giá thuốc

Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Luật Dược được QH thông qua ngày 14.6.2005, sau 8 năm thực hiện, một số quy định của Luật còn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện như: quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Thực tế, số lượng thuốc sản xuất lưu hành trong nước khá nhiều, có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với trên 1.500 hoạt chất; mỗi hoạt chất có nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau. Do vậy, việc xác định mức giá tối đa cho các mặt hàng trên là không khả thi. “Mặc dù, một số quy định gần đây có cải thiện đáng kể trong quản lý giá thuốc, nhất là Thông tư 01 và Thông tư 11 về hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện đã phần nào hạn chế tình trạng giá thuốc mỗi bệnh viện trúng thầu mỗi giá. Tuy nhiên, giá thuốc trên thị trường tự do, các loại thuốc mới, thuốc chuyên khoa, biệt dược độc quyền vẫn chưa thống nhất” - ông Cường nói.

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng: cần xem xét một cách nghiêm túc hơn về việc quản lý giá thuốc. Đó là phải có những quyết sách, cơ chế, quy định một cách rõ ràng và chặt chẽ để bình ổn giá thuốc một cách hợp lý đối với thuốc nhập khẩu, nhất là thuốc biệt dược phải quy định thặng số bán buôn, bán lẻ toàn chặng trên cơ sở giá nhập khẩu về cảng (giá CIF). Có nghĩa là: cơ quan quản lý phải trả giá trước cho người bệnh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm giá từ nước ngoài, cơ quan quản lý phải có hội đồng xét duyệt, phải tra cứu thông tin thị trường bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam, mà Luật Dược đã quy định.

Đối với thuốc nội, Bộ Y tế đã ban hành thông tư về quản lý giá thuốc bằng thặng số. Theo đó, khi muốn kê khai giá hoặc kê khai lại giá, Hội đồng xét duyệt phải căn cứ tình hình thực tế của thị trường để cho tăng hoặc giảm nhưng nếu tăng thì thặng số không được cao hơn mức quy định. Đặc biệt, phải có sự can thiệp của Nhà nước chứ không thể để mặc thị trường giá thuốc tự do. Ngoài ra, đối với thuốc mà BHYT chi trả thì BHXH phải có trách nhiệm mua thuốc với giá hợp lý nhất, phải trả giá trước cho bệnh nhân để mỗi năm không phải thâm hụt quỹ. Mặt khác, với hơn 25.000 danh mục thuốc trên thị trường, nhưng xét ra chỉ có khoảng 500 danh mục là thuốc thiết yếu, được người dân thường xuyên sử dụng. Do vậy, chỉ nên tập trung siết chặt danh mục thuốc thiết yếu thay vì ôm đồm một thị trường lộn xộn như hiện nay.

Ai quản lý giá thuốc?

Đây là vấn đề được tranh luận nhiều nhất trong thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Không Bộ nào nhận trách nhiệm quản lý giá thuốc. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế ở các nước cũng không quản lý giá thuốc mà chỉ lo về kỹ thuật, Bộ Tài chính thì không nhận chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc vì họ không rành về kỹ thuật liên quan đến dược phẩm.

Giải pháp được đưa ra là thành lập Hội đồng Tư vấn quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, không ít ý kiến tại phiên họp cho rằng: Hội đồng Quản lý giá thuốc không có thẩm quyền quản lý nhà nước, các ý kiến tư vấn lại phải trình cơ quan quản lý nhà nước để ban hành. Nếu thành lập hội đồng như thế này thì khó thiết kế. PGs.Ts Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện có nhiều quốc gia có mô hình Hội đồng Tư vấn quản lý giá thuốc, trong đó có các nước Bắc Âu, ở châu Á có Malaysia. Ông Truyền cũng cho rằng trong khi chưa tìm ra cơ quan chịu trách nhiệm về giá thuốc, có thể sử dụng mô hình Hội đồng Tư vấn quản lý giá thuốc. Tuy nhiên hội đồng phải có thực quyền, nếu không thì khó giải quyết được vấn đề.

Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Phó trưởng ban Dược - Vật tư y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2013 cả nước sử dụng 60.000 tỷ đồng tiền thuốc thì xấp xỉ một nửa trong số này là thuốc dùng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, được chi trả thông qua quỹ bảo hiểm y tế. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc quản lý giá thuốc sẽ chỉ tập trung vào nhóm thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm chi trả, còn lại sẽ do thị trường định đoạt.

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị khoan đề cập tới việc thành lập Hội đồng Quản lý giá thuốc trong Luật Dược, lý do là vai trò của hội đồng chưa rõ ràng, quy trình hoạt động của hội đồng theo trình bày của Bộ Y tế là chưa từng có ở Việt Nam... Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, vai trò của Hội đồng Tư vấn quản lý giá thuốc chưa rõ ràng vì “không rõ Bộ ở trên hay Hội đồng ở trên; thành viên của Hội đồng là ai, là vụ, cục nào ở Bộ Y tế, Bộ Tài chính, có hiệp hội, người tiêu dùng tham gia hội đồng không, thẩm quyền của hội đồng đến đâu, căn cứ pháp lý thế nào...?”.

Nguyễn Thúy

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Vụ giàn khoan HD-981: “Việt Nam hoàn toàn có thể thắng kiện” (09/05/2014)

>   Trung Quốc nói gì tại cuộc họp báo biện minh vụ HD-981? (09/05/2014)

>   Thái Lan: "Trận chiến cuối" chống chính phủ tạm quyền (09/05/2014)

>   Ý kiến của Chủ tịch nước về xét xử vụ án Huyền Như (09/05/2014)

>   HD-981, “phép thử” của Trung Quốc (09/05/2014)

>   Chuyện lạ ở quận 12, TP.HCM (09/05/2014)

>   Khởi tố, bắt giam Trưởng ban Quản lý dự án Đường sắt (09/05/2014)

>   Xét xử vụ "bầu Kiên" từ ngày 20-5 đến 5-6 (08/05/2014)

>   Quan chức Trung Quốc đặt điều kiện đàm phán (08/05/2014)

>   Thứ trưởng Trung Quốc phủ nhận “đụng độ” với Việt Nam (08/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật