Vụ giàn khoan HD-981: “Việt Nam hoàn toàn có thể thắng kiện”
Việt Nam đang nắm giữ thế mạnh về pháp lý, do đó chúng ta hoàn toàn có thể giành thắng lợi nếu kiện Trung Quốc về việc họ đã giải thích và vận dụng sai Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc.
* Trung Quốc nói gì tại cuộc họp báo biện minh vụ HD-981?
Đó là khẳng định của Luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tại buổi công bố tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chiều 9/5.
Hội Luật gia Việt Nam đã chính thức ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam
|
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Việt Nam nên ứng xử thế nào trước đề nghị của phía Trung Quốc đặt điều kiện "đàm phán hòa bình" là Việt Nam phải rút hết tàu đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của Việt Nam, gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981, ông Trần Công Trục cho rằng, đó là một đề nghị không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười.
Bởi, vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, không dính dáng gì đến vùng chồng lấn giữa hai bên. Do đó, Việt Nam không việc gì phải rút các tàu đang làm nhiệm vụ trước khi hai bên ngồi vào đàm phán.
“Chúng ta rất kiên trì, rất kiềm chế, nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào. Do vậy, chắc chắn Việt Nam không bao giờ thực hiện yêu cầu hết sức vô lý, bất bình thường như thế”, ông Trục nói.
Với kinh nghiệm của một luật gia chuyên nghiên cứu về biên giới, lãnh hải, ông Trục cho biết, căn cứ vào Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 với tất cả những quy định, tiêu chuẩn cụ thể trong việc cho phép các quốc gia ven biển mở rộng phạm vi vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc Trung Quốc đưa giàn khoan đặt sâu vào thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm Công ước Luật biển 1982, là sự vận dụng có ý đồ của Trung Quốc nhằm lợi dụng Công ước để biến những vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, biến vùng chủ quyền của Việt Nam thành vùng tranh chấp.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc lên các cơ quan tài phán quốc tế, ông Trục cho hay, việc khởi kiện cũng đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam tính đến. Tuy nhiên, việc này không thể làm ngay được vì phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải lường trước hết tất cả mọi tình huống có thể xảy ra.
“Tôi nghĩ rằng, không sớm thì muộn điều đó sẽ xảy ra, vì mọi thế mạnh pháp lý đang thuộc về chúng ta”, ông Trục nhìn nhận.
Đặc biệt, nói về khả năng thắng kiện, ông Trục khẳng định: “Một cách khách quan cộng với những kinh nghiệm của một luật gia, nếu chúng ta đưa vụ kiện này toà án quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế thì chắc chắn chúng ta sẽ thắng lợi, vì chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý”.
Tuy nhiên, để có thể chắc thắng, theo ông Trục, trước mắt chúng ta có thể kiện lên các cơ quan tài phán về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai Công ước Luật Biển năm 1982.
“Khi chúng ta kiện lên toà thì có rất nhiều yếu tố khác nữa, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề pháp lý, chân lý, đặc biệt là thái độ của các đương sự, của cơ quan xét xử, của các bên khác nữa. Nhưng chúng ta có thể nói với thế giới rằng, Việt Nam có niềm tin đối với chân lý. Việt Nam tôn trọng và có trách nhiệm trong việc sử dụng Công ước Luật Biển năm 1982 như một thành quả của chung của nhân loại và phải dựa vào đó để giải quyết các tranh chấp”.
Nói về việc đặt giàn khoan HD-981, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhìn nhận, Trung Quốc đã có tính toán trước, đúng vào thời điểm quốc tế đang có những biến động, xung đột diễn ra tại một số nơi. Trong đó, có cả âm mưu chia rẽ các nước trong khu vực ASEAN.
Trước đó, trong tuyên bố của mình, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm cho biết, cơ quan này cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982. Theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có “sự thoả thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam cũng kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật quốc tế.
Từ Nguyên
vneconomy
|