Chủ Nhật, 11/05/2014 08:00

Hết thời thu hút đầu tư bằng mọi giá

Thu hút FDI không những mang tới cho Việt Nam nguồn lực mới, mà còn tạo sự đột phá trong tăng trưởng. Tuy nhiên, thu hút cần phải có sự lựa chọn để tránh bị phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp (DN) này. Đây là điều đã được giới chuyên gia thường xuyên cảnh báo.

FDI luôn là điểm sáng kinh tế

Trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra đánh giá: Thời gian vừa qua, Việt Nam chú ý nhiều đến mảng DN đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi đây là khu vực DN có những vai trò riêng. Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh: "Lúc chúng ta đang thiếu hụt nguồn lực, về vốn, về kinh nghiệm, khoa học - công nghệ, thu hút FDI không những mang cho Việt Nam nguồn lực mới mà còn mang lại giá trị xuất khẩu lớn”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đưa ra nhận định: Việc thu hút FDI không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà còn quan trọng đối với rất nhiều các quốc gia khác, kể cả những quốc gia đang phát triển đều phải thu hút FDI.

Nếu nhìn vào con số thống kê qua các quý hàng năm, bao giờ khu vực DN FDI cũng giữ vai trò chủ chốt trong các thông số về kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của DN FDI, kể cả dầu thô, dự kiến đạt 30,35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm tới 66,3% kim ngạch xuất khẩu. Và tính chung 4 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài đã xuất siêu 4,09 tỷ USD. Có thể thấy, thu hút FDI có vai trò không hề nhỏ đối với nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, các DN FDI đã và đang tạo ra những giá trị lớn.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng khẳng định về những lợi ích mà nền kinh tế Việt Nam có được khi thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Thắng nhận định: "Cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, FDI được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước có nền công nghệ phát triển vào Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các DN Việt Nam nói riêng. Thiếu công nghệ cao, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh và không thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác”.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không ít lần đưa ra cảnh báo về việc các địa phương quá dễ dãi trong việc thu hút đầu tư, dẫn đến những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế và cả môi trường sống. Những vụ việc của Vedan gây ô nhiễm môi trường hay hàng loạt các phi vụ chuyển giá, trốn thuế của các tập đoàn, DN FDI lớn như Adidas, Metro, Coca - Cola… đã được báo chí phanh phui, dư luận lên án. Hậu quả của sự thu hút đầu tư bằng mọi giá không chỉ tác động lớn về mặt kinh tế khi gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn gây ra nhiều tác động xấu về mặt xã hội, như việc người lao động mất việc làm, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề…

Thu hút đầu tư đúng trọng điểm

Những hệ lụy của việc quá ưu ái, quá coi trọng đồng vốn FDI đã khá rõ ràng. Do đó, việc siết lại lĩnh vực này là điều cần làm để tránh những hậu quả đáng tiếc cho nền kinh tế.

Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020. Danh mục này bao gồm 127 dự án, được chia thành 5 nhóm: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội; nông nghiệp; bảo quản chế biến; các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ. Trong đó, nhóm dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm 51 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển); hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị (gồm giao thông, cấp nước, xử lý chất thải rắn đô thị) và hạ tầng khu công nghiệp được kêu gọi đầu tư nước ngoài. Về kết cấu hạ tầng xã hội có 20 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch. Về nông nghiệp, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 44 dự án của ngành nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), ngành thủy sản, ngành lâm nghiệp. Lĩnh vực bảo quản chế biến có 8 dự án và các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ có 4 dự án được kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục. Bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế; kinh phí của các hoạt động trên được bố trí từ Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm.

Với động thái thu hút đầu tư có chọn lọc, đúng trọng điểm này của Chính phủ, chắc chắn tới đây, Việt Nam sẽ chấm dứt được thực trạng các địa phương thu hút đầu tư một cách thái quá, dàn trải gây ra những tổn thất cho nền kinh tế - xã hội đã từng tồn tại trong thời gian vừa qua.

Minh Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Phạt bảy doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng (11/05/2014)

>   Xuất khẩu cá tra phải theo quy định mới (10/05/2014)

>   Chăn nuôi điêu đứng vì chống dịch yếu kém (10/05/2014)

>   Giá thuốc - ai quản lý? (10/05/2014)

>   4 tháng đầu năm: Da giày xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 21,9% (10/05/2014)

>   Năm 2020: Tăng thị phần hàng Việt lên 80% (10/05/2014)

>   “Chiếc bánh” nông sản thời hội nhập (10/05/2014)

>   Trung Quốc chăm mua nguyên liệu thô, ngại đầu tư vào Việt Nam (10/05/2014)

>   Thị trường cho người cao tuổi: Tiềm năng lớn (09/05/2014)

>   Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá (09/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật