Cải tổ ngành đường sắt: Không thể lột xác?
Còn nhớ Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng sử dụng cụm từ "há miệng chờ sung rụng” để ví von với thực trạng trì trệ và cung cách điều hành bất cập của ngành đường sắt trong chặng đường qua. Cải tổ thực sự hay là tự đào thải, ngành mũi nhọn của đất nước này chỉ có một con đường để lựa chọn.
Tiếp tục trong đợt làm việc với ngành đường sắt, Bộ GTVT Đinh La Thăng vẫn coi sự bị động "chờ sung rụng” của bộ máy quản lý và điều hành, là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ kéo dài trên cơ thể già nua đường sắt hơn 100 năm qua. Sự trái ngược được chỉ ra, một ngành đáng ra là chủ lực vận tải của đất nước, lại cũ kỹ lạc hậu, năng lực vận tải tụt lùi, trong khi những câu chuyện ình sình trong thời gian qua đã và đang khiến dư luận đặt câu hỏi: vì sao nên nỗi?
Liệu sự thật phải chăng từ thực trạng đồng lương thấp, hệ thống vận tải người và hàng hóa bất cập, buông lỏng điều hành, nhập nhèm giữa quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải. Hay là chỉ khơi khơi một sự thật quan chức "phình to” đánh golf, các dự án đường sắt bị tham nhũng?
Rõ ràng, hiệu quả kinh doanh đến từ sự điều hành quản lý. Nhưng chưa bao giờ ngành đường sắt giải quyết hết các mâu thuẫn nội tại. Chỉ riêng sự bất đồng giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam trong nhiều năm qua, đủ hiểu nồi cơm chung chưa bao giờ được phát huy hiệu quả. Bộ trưởng Đinh La Thăng phải chăng hiểu điều này nhưng không thể thay đổi sớm chiều. Cải tổ thực sự hay là tự đào thải, ngành mũi nhọn của đất nước chỉ có một con đường để lựa chọn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, phải đổi mới triệt để ngay từ những việc nhỏ nhất như hệ thống bán vé, các cầu vượt bộ hành, mái che nhà ga… Đừng nghĩ cải tổ gì lớn lao, mà phải bước đi từ nền tảng xây dựng ban đầu vững chắc.
Cách đây gần 10 năm, Quốc hội đã từng đưa ra những phán quyết để tháo gỡ vấn đề bi đát của ngành đường sắt, trong đó giải pháp là sẽ tách riêng khối hạ tầng và vận tải ra hoạt động riêng rẽ. Tuy nhiên, cả "khối sắt” vẫn còn nguyên từ đó và vẫn sẽ mãi mãi là bài toán cấp bách trong những cuộc họp cấp bách. Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành đã từng thừa nhận tồn tại hiện nay gồm 3 vấn đề: Thứ nhất là kinh doanh vận tải; Thứ hai là kinh doanh kết cấu hạ tầng và cuối cùng là tổ chức điều hành giao thông đường sắt. Sự thật hiển hiện, nhưng nhiều năm nay phải chăng sự đổi mới của đường sắt sẽ bớt đi những tuyến đường trong 6 tuyến huyết mạch quan trọng của đất nước? Nên nhớ rằng, các ngành đường sắt chỉ trông trờ vào nồi cơm: tuyến Hà Nội – Lào Cai và Bắc – Nam. Vậy những tuyến đường bù lỗ quanh năm còn lại, đổi mới sẽ là ở đâu?
Lột xác hay là chết? Cụm từ khẩu hiệu nhưng nêu rõ bản chất của ngành đường sắt, điều mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc họp với ngành đường sắt mới đây. Sự nguy hại báo động tới mức, Bộ trưởng yêu cầu cứ một tuần thứ trưởng phụ trách sẽ phải làm việc với những người đứng đầu để giải quyết những vướng mắc của "khối sắt” ỳ trệ. Đừng nói tôi tin thời gian tới sẽ thay đổi. Mà phải nói hôm nay thay đổi được những gì? Chiến lược phát triển ngành đường sắt từ nay đến năm 2020 và định hướng tới năm 2050 đã được đặt lên bàn nghị sự. Không thể lột xác trên một cơ thể già nua. Sự tươi trẻ có mục đích, phải được gây dựng từ đầu, dẫu mất nhiều thời gian và công sức.
Nhắc lại câu chuyện nhà báo người Mỹ Debi Goodwin khi sang Việt Nam đã phải kinh hoàng thốt lên để kết thúc bài viết này. Ông nói: sao có thể có hành khách ngồi ở toalet để đi tầu hỏa? Phải chăng vì họ đau bụng? Không, chỉ vì tầu đã quá chật chội. Sự thật trớ trêu ấy vẫn luôn có thể mục sở thị trên các chuyến tàu được coi là hiện đại của đất nước hiện nay. Và song hành với nó một sự thật trớ trêu, Việt Nam vẫn có những chuyến tàu chẳng có khách. Cải tổ ngành đường sắt, phải tìm ra bản chất ấy để có lời giải đúng đắn nhất.
Tuấn Việt
Đại đoàn kết
|