Chuỗi bán lẻ hàng công nghệ: Chọn sàn quyết đấu
Các chuỗi bán lẻ lớn về hàng công nghệ như Thegioididong, FPT Shop, Viettel... vẫn đang tiếp tục gia tăng số lượng điểm bán, cho dù những tiên đoán về sức mua trong tương lai gần vẫn khá mờ mịt.
Càng mở càng lỗ!
Đại diện một chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ cho biết chi phí hàng tháng cho 4-5 cửa hàng lên đến cả tỉ đồng. Hàng ngày, các cửa hàng này ngốn gần 30 triệu đồng chi phí mặt bằng và điện, chưa kể lương nhân viên cùng một số chi phí khác. Đối với các chuỗi bán lẻ đang sở hữu vài trăm cửa hàng thì chi phí hàng tháng còn kinh khủng hơn. Riêng tiền thuê mặt bằng một trung tâm bán lẻ có diện tích khoảng 200 mét vuông đã lên đến 150-200 triệu đồng/tháng.
Trong năm tới, các chuỗi bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh trực diện với các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh
|
Theo quan sát của phóng viên TBKTSG, trong tình hình sức mua èo uột, chỉ một số cửa hàng có vị trí đắc địa mới đông khách; còn phần lớn cửa hàng đều trong tình trạng thưa vắng. Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên Luxury Mobile (TPHCM), cho biết hàng công nghệ không phải mặt hàng dễ tiêu thụ, nếu quản lý không khéo thì sẽ không xoay được dòng tiền. Do đó, chuỗi cửa hàng của ông đang dừng lại ở con số 4 và chưa dám “manh động” bung ra thêm!
Độ phủ rộng đem lại lợi thế
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ với độ phủ địa bàn rộng và doanh thu tốt thì sẽ dễ dàng thương thảo với các nhà sản xuất. Hiện có một vài chuỗi bán lẻ đã giành được quyền phân phối cho một dòng sản phẩm, hoặc được “khoán trắng” phân phối một lô sản phẩm ở Việt Nam nhờ sở hữu hàng trăm điểm bán lẻ.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy, “tốp 5” nhà bán lẻ có tiếng nói quyết định ở thị trường Việt Nam gồm có Nguyễn Kim, Thegioididong, FPT Shop, Viễn Thông A và Viettel Store.
Theo giới quan sát, chỉ các “ông lớn” có tiềm lực tài chính hùng mạnh như các tập đoàn FPT, Viettel... mới dám mở hầu bao đầu tư mạnh cho mảng bán lẻ. Họ có lợi nhuận từ những mảng làm ăn “khấm khá” để dồn cho việc khuếch trương hệ thống bán lẻ nhằm hướng đến tương lai.
Bên cạnh đó, một số đơn vị đang nắm quyền phân phối các sản phẩm cũng cảm thấy thoải mái hơn khi đầu tư vào các hệ thống bán lẻ đang bán các sản phẩm do họ phân phối. Trước mắt, họ có thể trích lợi nhuận từ hoạt động phân phối để bù lỗ cho kênh bán lẻ.
Để tăng nhanh số lượng cửa hàng bán lẻ, một công ty công nghệ đã chấp nhận bỏ tiền mua lại hầu hết cổ phần của một chuỗi bán lẻ có sẵn 70 cửa hàng ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, do không thỏa thuận được giá cả nên thương vụ bất thành.
Không mua được chuỗi cửa hàng thì các công ty lớn đành phải tự mở. Từ năm ngoái đến nay, Viettel và FPT đang gia tăng số lượng cửa hàng bán lẻ ở các thành phố lớn. Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, Tổng giám đốc chuỗi bán lẻ FPT Retail (bao gồm các cửa hàng FPT Shop và F.Studio), cho biết hàng tháng bà đều phải đi thực địa ở các tỉnh để đánh giá, chọn vị trí mở cửa hàng. Theo Trung tâm Phát triển kinh doanh của FPT Retail, năm 2013, doanh thu của FPT Retail tăng gấp ba lần so với năm 2012.
Chỉ riêng quí 1-2014, mảng kinh doanh trực tuyến của FPT Shop tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2013. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sự hiện diện của FPT Shop trên toàn quốc, FPT Retail cũng chú trọng đầu tư cho kênh bán lẻ trực tuyến. Đây cũng là một mảng kinh doanh đang “nóng” đối với thị trường sản phẩm công nghệ, điện máy. Cả Nguyễn Kim, Thegioididong... đều có kế hoạch đầu tư mạnh cho bán lẻ trực tuyến.
Năm 2013, các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ đã có doanh thu tốt hơn so với năm 2012. Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu của ngành này trong năm 2013 ước tính vào khoảng 110.000 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cũng nhận định thêm, các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ phải đạt mức doanh thu quanh mức 1 tỉ đồng/ngày (khoảng 25-30 tỉ đồng/tháng) thì mới mong có lãi. Theo giám đốc điều hành một siêu thị điện máy, ở các chuỗi bán lẻ lớn như Nguyễn Kim, Thiên Hòa hay Điện máy Chợ Lớn, chỉ có các trung tâm nằm ở vị trí đẹp, ra đời từ lâu... mới có thể giúp đạt được mức doanh thu này. Các trung tâm này có thể chiếm 40-50% doanh thu của toàn hệ thống.
Tiến về nông thôn
Chuỗi bán lẻ Thegioididong dự kiến sẽ mở hàng loạt điểm bán lẻ quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn trong năm 2014. Đây cũng là mục tiêu dài hạn của một vài chuỗi bán lẻ khác.
Trao đổi với phóng viên TBKTSG, ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc Thegioididong, cho biết trong năm 2014 sẽ mở thử nghiệm một số cửa hàng có quy mô nhỏ ở vùng nông thôn, trưng bày các dòng sản phẩm phổ thông, phù hợp với sức mua của người dân địa phương. “Chúng tôi muốn mang dịch vụ bán lẻ chuyên nghiệp về thị trường nông thôn, nơi vốn không được hưởng những dịch vụ tốt như người dân thành phố và đón cơ hội khi nhu cầu tăng”, ông Doanh nói.
Có thể nói đây là quyết định khá táo bạo của Thegioididong, bởi phần lớn nhà bán lẻ vẫn chọn “sàn quyết đấu” ở các thành phố lớn, lấy trọng điểm là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... Có ý kiến cho rằng dù chi phí đầu tư ban đầu cho việc mở thêm điểm bán lẻ ở nông thôn của Thegioididong không cao nhưng chưa thể đoan chắc việc khách sẽ đến với các cửa hàng này khi họ đã quen với việc mua hàng xách tay, giá rẻ của các cửa hàng nhỏ ở địa phương.
Nhưng cũng có ý kiến khác, nói đây chỉ là một hoạt động mang tính “phô trương thanh thế” vào lúc mà Thegioididong sắp đẩy hàng loạt cổ phiếu lên sàn. Hiện tại, các trung tâm bán lẻ ở TPHCM có doanh thu lớn gấp mấy lần so với các điểm bán ở các tỉnh, thành khác. Điển hình như một siêu thị điện máy nằm ở quận 1 thuộc một nhà bán lẻ nổi tiếng ở TPHCM có doanh thu chiếm đến 50% toàn bộ hệ thống hơn 20 trung tâm.
Về phía Thegioididong, không tính mô hình cửa hàng nhỏ ở nông thôn, hệ thống bán lẻ này đang hướng đến mục tiêu 250 cửa hàng đạt chuẩn của Thegioididong vào cuối năm 2014. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ..., kế hoạch mở thêm cửa hàng sẽ tùy thuộc nhu cầu thị trường ở từng địa phương.
Trong khi đó, FPT Retail cũng có ý định mở thêm điểm bán lẻ mới để có trong tay 150 cửa hàng vào cuối năm nay. Ngoài các điểm bán nằm ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng..., dự kiến sẽ có thêm nhiều cửa hàng FPT Shop ở các tỉnh thành khác.
Trong năm tới (2015), các chuỗi bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh trực diện với các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Đó mới là khó khăn thực sự của các công ty kinh doanh bán lẻ hàng công nghệ nội địa khi phải đối đầu với các hệ thống bán lẻ danh tiếng trên thế giới như Wal-Mart, Carphone Warehouse, Best Buy...
Chí Thịnh
tbktsg
|