Thành tích FDI và bài toán được - mất
Từ giữa năm 2012 đến nay có nhiều nghiên cứu, ý kiến cho rằng nếu nền kinh tế có bốn động cơ thì ba động cơ nội đang trục trặc, chỉ có động cơ ngoại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chạy tốt.
Điều này dường như được minh chứng qua thành tích xuất nhập khẩu. Nếu năm 2000 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu thì năm 2013 tỷ trọng này đã nhanh chóng tăng lên 20 điểm phần trăm (67%) và ngược lại khu vực kinh tế trong nước giảm 20 điểm phần trăm (từ 53% xuống 33%).
Năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó điện thoại di động và linh kiện là mặt hàng đạt kim ngạch cao
|
Một tính toán khác từ mô hình cân bằng tổng quát cho thấy trong giai đoạn này nhân tố xuất khẩu trong cầu cuối cùng (final demand) lan tỏa đến sản xuất mạnh nhất so với hai nhân tố còn lại là tiêu dùng cuối cùng và đầu tư. Một đồng tăng lên của xuất khẩu lan tỏa đến sản xuất 1,7 đồng trong khi 1 đồng tăng thêm của tiêu dùng cuối cùng và đầu tư chỉ lan tỏa đến sản xuất tương ứng 1,09 đồng và 1,12 đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý, nếu xét về thu nhập(1) thì xuất khẩu không phải là nhân tố lan tỏa mạnh nhất đến thu nhập mà tiêu dùng cuối cùng mới là nhân tố lan tỏa mạnh nhất, tiếp đến mới là xuất khẩu và đầu tư.
Một điều nữa cần chú ý là tuy hai năm 2012 và 2013 thặng dư thương mại về hàng hóa là dương tương ứng 749 và 863 triệu đô la Mỹ nhưng xét trên từng khu vực sở hữu thì khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu. Năm 2000 khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 3 tỉ đô la Mỹ thì năm 2013 nhập siêu của khu vực này là 13 tỉ đô la Mỹ, tăng 362%. Trong khi đó, khu vực FDI luôn có thặng dư thương mại. Năm 2000 thặng dư thương mại của khu vực này là 2,4 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2013 đã xấp xỉ 14 tỉ đô la Mỹ, tăng 568%. Đó là chưa kể khu vực kinh tế trong nước cũng cơ bản là kinh tế gia công và xuất khẩu ở đây về bản chất cũng là xuất khẩu hộ khu vực có vốn FDI.
Sự lấn lướt của khu vực FDI đối với khu vực kinh tế trong nước là rất rõ ràng và sự tái cấu trúc về mặt sở hữu đã và đang diễn ra mạnh mẽ đối với nền kinh tế nước ta. Vấn đề ở đây không phải là cấm đoán hoặc có một biện pháp gì đó với khu vực này mà cần tạo điều kiện, tạo cơ chế thuận lợi để kinh tế trong nước, đặc biệt kinh tế tư nhân cùng phát triển bình đẳng với khu vực FDI.
Một điều ngạc nhiên nữa, khi nhìn vào tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI so với GDP trong niên giám thống kê, lại thấy tỷ trọng này thay đổi không đáng kể. Nếu năm 2006 tỷ trọng này là 16% GDP thì năm 2012 là 18% GDP, nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI so với GDP suốt từ năm 2007-2012 vẫn loanh quanh 17%. Câu hỏi đặt ra là GDP mà khu vực FDI tạo ra chạy đi đâu? Hoặc số liệu này có phản ánh đúng thực trạng của tình hình?
(1) Thu nhập ở đây được hiểu là thu nhập từ sản xuất, chưa bao gồm thu nhập từ sở hữu và từ chuyển nhượng
Đông Tà
tbktsg
|