Chủ Nhật, 13/04/2014 14:02

Ủy ban Kinh tế nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư

Tiếp tục Phiên họp thường trực mở rộng, sáng 12/4, tại Hà Nội, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì Phiên họp.

Thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo Tờ trình, việc ban hành Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với việc đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, những quy định của Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, Luật Đầu tư hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Nhất là một số quy định của Luật Đầu tư như điều kiện, thủ tục đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa bảm đảo tính minh bạch và khả thi đồng thời chưa được quy định thống nhất với các luật liên quan.

Luật Đầu tư hiện hành cũng chưa xác định rõ trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Theo các đại biểu, những mặt hạn chế hiện nay được nêu ở trên của Luật Đầu tư hiện hành là nguyên nhân làm cho môi trường đầu tư thời gian qua trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư sẽ khắc phục được các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư; tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch trong việc huy động tối đa nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư sẽ góp phần cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tạo bước chuyển biến về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư đồng thời sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn.

Các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, Luật Đầu tư là một đạo luật rất quan trọng, do đó việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính khả thi và minh bạch trong việc áp dụng pháp luật; sửa đổi, bổ sung phải theo hướng xác định rõ nguyên tắc áp dụng giữa các Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư.

Các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) như: Nguyên tắc đầu tư; quyền tiếp cận ngoại tệ; hình thức đầu tư phải tôn trọng các luật khác và phù hợp với đặc thù của Việt Nam; cụ thể hơn lĩnh vực ưu đãi đầu tư; thủ tục (Giấy chứng nhận, Giấy đăng ký kinh doanh…) đầu tư phải thông thoáng, nhưng cần bảo đảm tính minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư; có danh mục các ngành, nghề đầu tư mà pháp luật Việt Nam không cấm.

Một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị đối với nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư cần ghi là thực hiện đầu tư theo đúng pháp luật Việt Nam; không cần liệt kê một số tổ chức kinh tế, nhưng cần liệt kê hộ kinh doanh, tổ hợp tác kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh; cần có thêm một điểm hoặc một câu quy định về ưu đãi đối với doanh nghiệp xã hội.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cần chỉnh sửa lại kết cấu nội dung phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, bổ sung bảng so sánh những điều mới và những điều hủy bỏ của Luật Đầu tư.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 9 Chương, 69 Điều. So với Luật Đầu tư hiện hành, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) giữ nguyên 11 điều, sửa đổi 49 điều, bổ sung 9 điều mới và bãi bỏ 29 điều; trong đó bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 27 (diễn ra từ 14-24/4/2014) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới đây./.

Nguyễn Cường

Vietnam+

Các tin tức khác

>   ĐBSCL: Giá tôm nguyên liệu giảm, doanh nghiệp lãi khá (13/04/2014)

>   Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Phải thoát khỏi tư duy “bình mới rượu cũ” (13/04/2014)

>   Đường sắt Việt Nam: Cần một cuộc “đại phẫu”! (13/04/2014)

>   Thị trường bán lẻ: Thế yếu thuộc về... DN nội! (13/04/2014)

>   Doanh nhân Việt ở Ukraine: Chưa bao giờ khó khăn như hiện nay (12/04/2014)

>   Toyota mất vị trí dẫn đầu vào tay Trường Hải (12/04/2014)

>   Nhập khẩu từ nhân công đến ốc vít (12/04/2014)

>   Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài: Được mở vẫn lo (11/04/2014)

>   Đại biểu Quốc hội đề nghị siết quản lý vốn đầu tư Nhà nước (11/04/2014)

>   8 công ty sữa lớn bị ngân sách “đòi” gần 500 tỷ đồng (11/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật