Thứ Sáu, 11/04/2014 22:07

Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài: Được mở vẫn lo

Trước những điều kiện để được mở điểm kinh doanh mới cho các nhà bán lẻ, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã đồng loạt lên tiếng.

Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BCT, trong đó quy định "trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng không phải thực hiện quy định về việc kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT" được cho là hướng mở cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Vì theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bất kể quy mô diện tích là bao nhiêu đều phải được xem xét từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào việc kiểm tra ENT. Tuy nhiên, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lại đồng loạt lên tiếng yêu cầu phải minh bạch hơn về điều kiện này.

Chia sẻ tại buổi "Tham vấn và đối thoại với các doanh nghiệp về các quy tắc ENT đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam", ông Csaba Bundik, Giám đốc Điều hành Eurocharm Việt Nam, đã tỏ rõ quan điểm của EuroCham về các tiêu chí ENT và những thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, theo ông Bundik, việc cấp phép cho các nhà phân phối và kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam tốn rất nhiều thời gian. Dù triển vọng thị trường Việt Nam đầy hứa hẹn, thông tin nhanh nhưng các điểm bán hàng nhượng quyền khó có thể đáp ứng những yêu cầu của nước sở tại như: thỏa thuận kinh doanh, tài chính... Do đó để đạt được điều này, hoàn toàn là thách thức rất lớn.

Ngoài ra, căn cứ vào kết quả khảo sát từ nhiều công ty, cũng như kinh nghiệm làm việc của mình, ông Bundik cho rằng, các quy định pháp lý và khó khăn thực tại, đặc biệt là trong cấp phép, ENT là chưa có sự công bằng đối với các DN FDI.

"Lĩnh vực y tế, đào tạo ở Việt Nam còn rất nhiều cạnh tranh, ngoài ra mức độ bảo vệ sở hữu trí tuệ còn có vấn đề, mỗi địa phương thực thi những cách khác nhau. DN đầu tư hàng triệu euro, nên sự bảo hộ đối với họ là rất quan trọng. ENT và các vấn đề pháp lý còn được xác định rất mơ hồ, có nhiều cách diễn giải và thực thi. Nếu tôi muốn mở cơ sở bán lẻ thì có ý kiến tham vấn từ các cơ quan quản lý, nhưng thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên khó thực thi", ông Csaba Bundik nhấn mạnh.

Trong vai trò đại diện cho các DN Hàn Quốc, ông Hong Sun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng cho rằng, phân phối bán lẻ là ngành có điều kiện, nhưng các DN nước ngoài không thể thâm nhập do quá trình ENT. Theo ông Hun, các cơ quan quản lý có quyền từ chối các nhà đầu tư nước ngoài nếu đó là mặt hàng thứ hai hoặc không cần thiết đối với các địa phương.

"Với Thông tư số 08/2013/TT-BCT, chúng tôi cho rằng đây được xem là một bước tiến mới. Tuy nhiên, quá trình nộp đơn và xét duyệt vẫn có sự chậm trễ”, ông Hong Sun nhận xét. Các công ty phân phối nước ngoài không thể thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam do một số điều kiện, đặc biệt là các quy tắc về ENT.

"Do đó, ENT là một công cụ mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng để kiểm soát sự phát triển của mạng lưới phân phối nước ngoài. Chính phủ Việt Nam không nên quá cẩn thận bảo vệ các DN bán lẻ trong nước mà đưa ra những ràng buộc không rõ ràng như ENT, hạn chế sự tham gia sâu rộng của DN nước ngoài", ông Hong Sun khuyến cáo.

Đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam còn nói thêm, chính vì ràng buộc ENT của Việt Nam mà các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang chậm trễ trong kế hoạch mở rộng kinh doanh như Lotte Mart với kế hoạch mở 60 điểm đến năm 2020 hay Emart dù đã có ý định đầu tư vào Việt Nam khá lâu nhưng vẫn chưa mở được điểm kinh doanh nào.

Đánh giá về vấn đề trên, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng cho rằng, hiện nay việc triển khai thực hiện các quy định về ENT của các cơ quan quản lý và DN bán lẻ FDI vẫn còn lúng túng, chưa thật sự nhất quán trong nhận thức và cách làm của mỗi đơn vị, địa phương. Thời gian tới vẫn cần sự điều chỉnh, bổ sung để được rõ ràng hơn.

MAI PHƯƠNG

Doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Đại biểu Quốc hội đề nghị siết quản lý vốn đầu tư Nhà nước (11/04/2014)

>   8 công ty sữa lớn bị ngân sách “đòi” gần 500 tỷ đồng (11/04/2014)

>   Ngành cơ khí: "Miếng ngon" vẫn rơi vào tay khối ngoại (11/04/2014)

>   Doanh số Mercedes-Benz Việt Nam quý I tăng 60% (11/04/2014)

>   Sân bay Long Thành: Thông qua báo cáo đầu tư dự án (11/04/2014)

>   Ngành chăn nuôi: Tái cơ cấu theo hướng nào? (11/04/2014)

>   Doanh nghiệp FDI vẫn khai lỗ “khủng” (11/04/2014)

>   Các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung: Vẫn “nằm trên giấy” (11/04/2014)

>   Sửa luật để 'cởi trói' tối đa cho doanh nghiệp (11/04/2014)

>   Khó xuất khẩu cà phê tại chỗ (11/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật