Khó xuất khẩu cà phê tại chỗ
VN tự hào là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có thương hiệu cà phê ngoại nào hoạt động tại thị trường nội địa lấy cà phê Việt sử dụng trong chuỗi của mình.
Miếng bánh hấp dẫn
Chuỗi thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf thì hiện có 16 tiệm tại TP.HCM và Hà Nội, năm 2014, nhà đầu tư đã có kế hoạch tăng thêm khoảng chục tiệm nữa. Với Starbucks, đến tháng 6 sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, nâng tổng số lượng cửa hàng của Starbucks tại VN lên con số 5. Ngoài ra, theo đại diện của Công ty TNHH thực phẩm & nước giải khát Ý tưởng Việt, đơn vị điều hành hoạt động của chuỗi cửa hàng Starbucks tại VN, từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm 3 cửa hàng nữa tại TP.HCM.
Như vậy, thị trường cà phê ngoại (gọi chung cho những thương hiệu cà phê ngoại vào VN) tại VN đang được đầu tư mở rộng. Thế nhưng, cơ hội bán nguyên liệu hay còn gọi là xuất khẩu tại chỗ cà phê Việt vào các chuỗi này gần như bằng không.
Andrew Nguyễn, ông chủ chuỗi cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf tại VN, tiết lộ cà phê cung cấp cho hệ thống Coffee Bean & Tea Leaf toàn cầu được chọn lựa kỹ từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó không có cà phê nguyên liệu từ VN. “Tôi cũng rất muốn giới thiệu để họ tìm nguyên liệu tại Việt Nam nhưng mọi cố gắng vẫn chưa có kết quả”, ông Andrew cho biết.
Chưa tự tin
Nguyên nhân theo ông Andrew, về khách quan, VN chủ yếu phát triển sản phẩm cà phê vối (robusta) trong khi nhu cầu cà phê chè (arabica) chiếm gần 70% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Diện tích trồng cà phê chè tại VN chỉ khoảng 40.000 ha, chiếm 6,5% tổng diện tích trồng cà phê của cả nước.
Thái Hòa là nhà xuất khẩu cà phê chè lớn nhất nước. Một cựu cán bộ quản lý của tập đoàn này cho biết: “Thời tôi còn làm tại đây, chưa có đại diện nhãn hàng cà phê ngoại nào tìm hỏi mua nguyên liệu ở trong nước.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cho rằng các chuỗi cà phê ngoại cạnh tranh trực tiếp với Trung Nguyên nên không có chuyện họ tìm đến mua nguyên liệu và ngược lại. Hơn nữa, giá cà phê nhập từ các nước thứ 3 có thể còn rẻ hơn cà phê rang xay của Trung Nguyên.
Ông Nguyễn Quốc Minh, TGĐ một doanh nghiệp (DN) trồng và cung cấp nguyên liệu cà phê chồn cho thị trường trong và ngoài nước, thì nhận xét: “Các nghiên cứu đưa ra những tỷ lệ này nọ trong một ly cà phê chỉ mang tính chất toán học. Đã nếm và nghiên cứu kỹ hương vị những ly cà phê Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf hay Gloria Jean’s, tôi thấy, cà phê VN thừa sức đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ cho họ”. Vấn đề của DN VN, theo ông Minh, ngoài thiếu chủ động tiếp thị sản phẩm, chất lượng thiếu tính đồng nhất cũng là vấn đề lớn. Ai cũng biết VN là thánh địa của cà phê, nhưng khi bàn đến cụ thể, chính DN nội địa mình thiếu tự tin, cứ nghĩ cà phê mình kém chất lượng, tiêu chuẩn không đồng nhất, số lượng không ổn định. Mặt khác, các tập đoàn cũng e ngại tiêu chuẩn cà phê VN không đạt, manh mún và cách an toàn nhất là cứ thế tìm nhà phân phối trung gian để tránh rủi ro.
Tháng 2.2012, Starbucks đã ký văn bản chính thức thành lập liên doanh với công ty trồng và chế biến cà phê Trung Quốc là Ai Ni Group để thu mua và chế biến cà phê tại tỉnh Vân Nam. Theo đó, sản phẩm không chỉ cung cấp cho hệ thống quán Starbucks tại Trung Quốc mà được xuất đến các thị trường khác trên thế giới trong hệ thống Starbucks. |
Nguyên Nga
thanh niên
|