Ngành cơ khí: "Miếng ngon" vẫn rơi vào tay khối ngoại
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, ước tính đến năm 2055 doanh thu từ ngành cơ khí của Việt Nam có thể đem lại gần 300 tỷ USD, nhưng do năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ lạc hậu nên thị phần ngành cơ khí vẫn rơi vào các tập đoàn đầu tư nước ngoài.
* Cơ khí Việt Nam: Cần một chiến lược phát triển mới
Bên lề Hội nghị "Tổng kết 10 năm Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 11/4, ông Nguyễn Văn Thụ đã trao đổi với Vietnam+ về vấn đề này.
- Thưa ông, nhìn lại quãng đường phát triển trong 10 năm qua, ngành cơ khí đã đạt được những kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thụ: Sau 10 năm ngành công nghiệp cơ khí đã hình thành thêm 3 ngành hàng mới là đóng tàu biển, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, lắp ráp ôtô chở khách và tải nhẹ.
Một số doanh nghiệp cơ khí ra đời từ 8 năm về trước đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ hợp tác quốc tế tạo nguồn nhân lực về chế tạo được nhiều sản phẩm có giá trị như máy động lực nhỏ, máy biến áp, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này cũng trưởng thành hơn, đã tự thiết kế và đóng mới được một số thiết bị như cẩu trục, làm kết cấu phụ tùng...
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng mạnh dạn và khẳng định mình trong việc sản xuất chế tạo cũng như tham gia các tổng thầu EPC và một số công trình công nghiệp... Việt Nam đã xuất khẩu được hàng cơ khí, đơn cử năm 2010 xuất khẩu được 5,5 tỷ USD, năm 2011 là 6,2 tỷ nhưng vẫn chủ yếu là khối FDI mà thôi.
- Vậy những tồn tại và điểm yếu của ngành cơ khí hiện nay như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thụ: Ngoài hai ngành chính là: cơ khí lắp ráp thiết bị nâng hạ, lắp ráp ôtô và đóng tàu thủy được đầu tư mạnh nên phát triển rất nhanh chóng, thì ngược lại lĩnh vực chế tạo máy do ít đước đầu tư vẫn chậm phát triển. Số liệu của Hiệp hội cho thấy, sau hơn 10 năm toàn ngành vẫn chưa đầu tư thêm được một nhà máy mới nào về chế tạo máy dẫn đến cơ khí nước ta phát triển lệch.
Thêm vào đó, những lĩnh vực quan trọng vẫn chưa được Chính phủ chú trọng đầu tư phát triển. Đơn cử, trong số 24 dự án cơ khí trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt thì mới chỉ có 5 dự án thực hiện.
Ngoài ra, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do chúng ta sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và sự ổn định, giá cả và mẫu mã theo yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh nên chưa tham gia được chuỗi cung ứng của họ.
Nhìn vào các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí năm 2012 mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của Chiến lược là đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước vào năm 2010).
Hiện nhập siêu ngành cơ khí tương đối lớn, trong đó giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD; năm 2012 là 16,04 tỷ USD).
Điều đó cho thấy mục tiêu phát triển ngành cơ khí còn nhiều bất cập. Phần lớn các lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.
- Trong hội nghị sơ kết này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp thường đổ lỗi cho cơ chế chính sách, trong khi bản thân các doanh nghiệp lại không chịu vươn lên. Vậy với các doanh nghiệp trong hiệp hội đã và đang làm được những gì?
Ông Nguyễn Văn Thụ: Theo tôi, nguyên nhân chủ quan là do các cấp ngành chưa nhìn nhận đầy dủ về chiến lược phát triển của ngành cơ khí, trong khi Đảng ta đã xác định đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp nhưng hiện những gì đang làm thì khó đạt mục tiêu trên.
Cụ thể là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn, không đủ điều kiện để quán xuyến thường xuyên hoặc tư vấn cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, dù đã là năm 2014, nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán đầu tư cơ khí trọng điểm cho nước nhà sẽ như thế nào để cơ khí Việt Nam đủ nội lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ước tính, doanh thu từ thị trường cơ khí của Việt Nam đến 2055 cỡ gần 300 tỷ USD, nhưng nếu không được đầu tư và có chiến lược phát triển cụ thể thì với năng lực cạnh tranh thấp, máy móc kỹ thuật lạc hậu, thị phần của ngành cơ khí sẽ rơi vào các tập đoàn đầu tư nước ngoài.
Tôi khẳng định, khi có chính sách giao các dự án thầu làm nhà máy nhiệt điện, giàn khoan dầu khí, cơ khí thủy công và nhà máy khai khoáng, hóa chất khác… thì sản phẩm mà ngành cơ khí làm ra có chất lượng tốt hơn và đảm bảo tiến độ so với các nhà thầu Trung Quốc.
Đơn cử như công trình Thủy điện Sơn La, ngành đã làm hạng mục cơ khí thủy công, đóng góp vào việc vượt tiến độ 3 năm của dự án; cũng như làm thủy công tại 12 dự án nhà máy thủy điện khác. Hay dự án giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước, các doanh nghiệp đã làm đúng tiến độ trong 24 tháng, đảm bảo chất lượng và đưa vào vận hành an toàn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận bản thân nhiều doanh nghiệp nhà nước còn chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân thì quy mô nhỏ bé, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí - một lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác. Năng lực quản lý, điều hành một số doanh nghiệp nhà nước lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế dẫn đến chưa hoàn thành nhiệm vụ.
- Ông có đề cập đến việc đã hình thành công nghiệp đóng tàu, vậy việc đầu tư và định hướng cho ngành này có tạo ra động lực cho ngành cơ khí trong nước phát triển hay không?
Ông Nguyễn Văn Thụ: Công nghiệp đóng tàu đã hình thành nhưng chủ yếu vẫn chỉ khép kín trong tập đoàn và tổng công ty đó, không có sự phối hợp để liên kết với nhau. Hơn nữa, vân không có công nghiệp phụ trợ để đáp ứng được cho ngành này như sắt thép không đủ... nên dù có nhu cầu nhưng chủ yếu vẫn chỉ làm được phần gia công thôi còn những phần cốt yếu vẫn chưa làm được mà phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
- Trước đây các doanh nghiệp cơ khí thường kêu khó vì Luật đấu thầu, đến giờ luật đã được sửa đổi, vậy sao các doanh nghiệp vẫn còn kiến nghị?
Ông Nguyễn Văn Thụ: Luật đấu thầu sửa đổi về mặt chính sách đã tạo được hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cơ khí có điều kiện phát triển, tuy nhiên hiện các văn bản dưới luật như Nghị định và thông tư vẫn chưa được cụ thể hóa, nhất là phần về các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa có quy định phải sử dụng bao nhiêu phần trăm tỷ lệ nội địa hóa. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước hết sức khó khăn.
Với ngành cơ khí hiện nay, quan trọng nhất là đầu ra, nên nếu được nhà nước hỗ trợ nhiều cơ chế chính sách thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mở rộng khả năng đầu tư vốn, thiết bị công nghệ để làm những dự án có yêu cầu cao. Còn nếu buông lỏng, để cho Việt Nam thành thị trường tiêu thụ những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ thì ngành sẽ không có chỗ đứng.
Từ thực tế trên, để ngành cơ khí của Việt Nam có động lực phát triển trong thời gian tới, theo tôi nhà nước cần hoàn thiện cơ chế đấu thầu quy định tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất; không nhập khẩu các sản phẩm, chi tiết, phụ tùng đã sản xuất được trong nước khi sửa chữa, trung đại tu các công trình.
Đặc biệt, Chính phủ cần đưa chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân thành một chương trình dài hạn với hồ sơ thủ tục đơn giản để dễ tiếp cận khi mua các máy móc sản xuất nông nghiệp có xuất xứ trong nước.
Bên cạnh đó, mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ hết sức cần thiết cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, và hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 12/2011/QĐ-TTg nhưng trong điều kiện hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp. Do vậy, quyết định này cần được bổ sung chỉnh sửa theo yêu cầu của thực tế; trong đó cần tập trung nhiều vốn và các chính sách thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông.
Đức Duy
vietnam+
|