Sang mặt bằng giá ve chai
Sức mua xuống thấp khiến nhiều chủ cửa hàng, quầy sạp, quán ăn... chịu không nổi phải “tháo chạy” bằng cách sang quán với giá “rẻ như ve chai”.
Thậm chí nhiều gian hàng tại các trung tâm thương mại, tiểu thương gần như bị “giam lỏng” bởi hàng không bán được mà trả mặt bằng cũng không xong.
Ngồi gom những vật dụng cá nhân và hàng hóa không thanh lý được, anh Lê Hưng, chủ shop Hưng Fashion trên đường Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), tần ngần cho biết sau khoảng ba tháng mở shop quần áo, kinh doanh lay lắt, anh đã buộc sang quán, bán rẻ toàn bộ nguồn hàng để gỡ gạc lại vốn. “Cố lắm nhưng trụ không nổi vì lượng hàng bán chỉ đủ trả chi phí nhân viên, còn mỗi tháng bù lỗ chục triệu đồng tiền mặt bằng” - giọng anh Hưng buồn bã.
Một cửa hàng thời trang trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM nghỉ bán, trả lại mặt bằng
|
Chấp nhận bán lỗ
Theo tính toán ban đầu, với nguồn hàng quần áo thời trang khá rẻ, anh Hưng dự kiến chi phí mặt bằng 10 triệu đồng/tháng hoàn toàn có thể có lời. Tuy nhiên, sau thời gian “tưng bừng khai trương” thì ông chủ phải nhăn mặt với doanh thu trung bình khoảng 1 triệu đồng/ngày, lợi nhuận ngốn hết vào tiền nhân viên và các khoản chi điện nước hằng ngày. “Xui nhất vẫn là khoản tiền đặt cọc ba tháng tiền nhà đành phải bỏ vì chủ nhà không chịu hoàn trả như theo thỏa thuận hợp đồng do chấm dứt giữa chừng. Các chi phí sang sửa, thiết kế shop cũng đành bán rẻ như “ve chai”. Lượng hàng gần trăm triệu đồng buộc phải đem ra chợ đêm Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) bán thanh lý” - anh Hưng ngậm ngùi.
Tại nhiều tòa nhà cho thuê để kinh doanh, tình hình ế ẩm cũng không kém. Hơn 13g, anh Lê Ngọc Thắng mới cùng vợ thong thả mở gian hàng kinh doanh các loại giày dép, quần áo tại trung tâm thương mại Lucky (đường Nguyễn Huệ, Q.1) để bán hàng. “Mở là mở vậy, chứ bán được cái gì tui chết liền” - anh Thắng chán nản cho hay. Theo anh Thắng, buổi trưa được coi là đông nhất khi nhân viên văn phòng từ các tòa nhà nghỉ trưa, có thời gian đi dạo quanh, mua sắm, thế nhưng thời gian qua nhiều gian hàng mỗi ngày cũng chỉ đón vài chục lượt người đi xem là chính. “Thấy mát thì họ lên coi, 4-5 người đi may ra bán được một món đồ, chẳng ăn thua gì” - chủ một gian hàng cho hay.
Dạo quanh một lượt trung tâm thương mại này có thể thấy nhiều gian hàng thời trang, quần áo trong tình trạng niêm phong vì nợ phí quá hạn. Chủ một gian hàng cho hay mở cửa suốt bốn tháng nhưng gần như tháng nào cũng chỉ thấy lỗ và lỗ, giày dép cứ nằm cả đống trong sạp khiến chị vô cùng sốt ruột, không đủ tiền đóng phí nên bị niêm phong luôn gian hàng. Không chấp nhận buông, chủ gian hàng này tìm cách xoay xở sang lại cho mối khác để gỡ gạc hơn 600 triệu đồng tiền vốn. “Chưa có mối nào cả, bây giờ cứ nghe đến kinh doanh thời trang ở trung tâm thương mại là họ đã chạy ngay rồi, sang bán gì nổi” - chủ gian hàng này lắc đầu ngao ngán.
Gặp phải hoàn cảnh éo le không kém, chị Mai Anh - chủ một gian hàng tại trung tâm thương mại Kỳ Đồng (Q.3) - cho biết lúc trước chị mua gian hàng với giá 100 triệu đồng cho bốn năm, hằng tháng vẫn phải đóng thêm 2-3 triệu đồng phí các loại. Nhưng đến nay trung tâm thương mại gần như đóng cửa luôn vì các gian hàng ở đây quá ế. Mấy chục gian hàng của tiểu thương bây giờ chỉ mong gặp được chủ tòa nhà để thương lượng lại hoặc tìm cách sang cho chủ khác. “Buôn bán sao nổi, giờ gỡ được chút vốn là mừng rồi” - chủ gian hàng Mai Anh nói.
Đổi chủ liên tục
Trên nhiều tuyến đường, tình trạng cửa hàng sang nhượng, đổi chủ diễn ra thường xuyên “như thay áo”. Liên lạc với anh Trần Quang Hưng, chủ một căn nhà cho thuê (đường Lý Chính Thắng, P.7, Q.3), anh Hưng cho biết gần một năm nay căn nhà đã đổi chủ ba lần. Tất cả đều kinh doanh quần áo thời trang hoặc mỹ phẩm nhưng có chung lý do “chết” là không có người mua hàng.
Theo chủ nhà này, mở cửa hàng kinh doanh phải mất 3-4 tháng vắng khách và chấp nhận chịu lỗ, từ từ mới có khách được. Nhưng hầu hết chủ thuê đều không trụ nổi vì đủ thứ chi phí phát sinh. Theo giải thích của anh Hưng, giá thuê mặt bằng một cửa hàng mặt tiền đường để có thể kinh doanh được hiện dao động 12-25 triệu đồng, tùy tuyến đường. Chi phí lắp đặt, thiết kế, trang trí, quầy hàng, nhân viên cũng tốn một khoản tiền lớn nữa. “Phải có vốn lớn và có chiến lược kinh doanh tốt, độc đáo mới đủ khả năng trụ được vào thời điểm này” - anh Hưng khẳng định.
Dọc tuyến đường Hai Bà Trưng ở khu vực quận 1 và quận 3 vào thời điểm này hiện có 4-5 vị trí mặt bằng cho thuê “nằm đắp chiếu” chờ chủ mới. Liên lạc với một trong những chủ nhà cho thuê tại khu vực này thì được biết hiện nay chủ cửa hàng cũ vẫn còn nợ tiền thuê nhà hai tháng, sau khi trừ đặt cọc. “Họ đầu tư nhập toàn sơmi, đồ văn phòng hàng hiệu nhưng bán không nổi, đành xả hàng đóng cửa” - ông chủ nhà cho hay. Hiện căn nhà đang được sửa lại để tiếp tục cho chủ mới thuê kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang.
“Chết” vì giá mặt bằng
Cầm bản hợp đồng gần chục trang trên tay, chị Tina - kinh doanh giày dép tại một gian hàng ở trung tâm thương mại Lucky - cho biết phải bỏ ra 25 triệu đồng mỗi tháng để thuê gian hàng tại đây kinh doanh. Tuy nhiên, việc kinh doanh gần như chẳng có gì. “Họa may ngồi cả tuần mới bán được vài đôi giày” - chi Tina nói. Theo tính toán, giá thuê gian hàng đã ngốn hết số tiền đặt cọc trước đó của chị với trung tâm thương mại này. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết trong khi buôn bán ế ẩm thì giá thuê mặt bằng vẫn nhích lên. Nếu như vài năm trước chỉ cần 8-15 triệu đồng là có thể thuê được vị trí đẹp, mặt tiền tầng trệt hoặc ngay cầu thang các tầng lầu. Nhưng năm nay, hơn 20 triệu đồng cũng chỉ thuê được một gian hàng bình thường, thậm chí chọn vị trí còn gặp khó khăn.
Đại diện một đơn vị chuyên phân phối độc quyền mỹ phẩm và thời trang khẳng định vừa quyết định ngừng kinh doanh tám nhãn hiệu thời trang lớn tại một trung tâm thương mại. Lý do được đưa ra là kinh doanh không hiệu quả, bên cạnh đó giá thuê mặt bằng giữa chủ tòa nhà và đơn vị này không đạt được thỏa thuận nên đành rút lui. “Chi phí đầu tư và mặt bằng gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Lợi nhuận thấp mà chi phí mặt bằng liên tục tăng chỉ trong vài năm là điều khó chấp nhận được” - vị đại diện này nói.
Đại diện một số website chuyên giao dịch về sang quán cho biết việc sang quán có rất nhiều lý do, nhưng tựu trung đa số do làm ăn kém hiệu quả trong khi chi phí lại đội lên quá lớn, khiến người kinh doanh không kịp trở tay. Thực tế giá trị của quán khi sang lại chỉ còn 50-70% so với giá đầu tư. Thậm chí có nhiều quán khi sang lại giá trị chỉ tương đương bán hàng thanh lý “ve chai”.
Dũng Tuấn - Lê Sơn
Hàng ngàn lượt sang quán mỗi tháng
Ông Lê Viết Thắng - giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Cần Là Có (Q.11, TP.HCM), đơn vị chủ quản website www.sangquan.vn - cho biết chỉ tính riêng khu vực TP.HCM trong ba tháng đầu năm 2014 số lượng khách đăng tin sang quán trên website của công ty bằng số lượng cả năm 2013. Trung bình mỗi ngày có 80-100 quán, shop có nhu cầu sang nhượng lại. Trong đó nhu cầu sang quán ăn, shop kinh doanh thời trang, tạp hóa, quán cà phê với vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng chiếm tỉ lệ gần 90%.
Theo ông Thắng, sức mua thấp cộng với hàng loạt mô hình kinh doanh mở ra nhưng do các nguyên nhân như thiếu kỹ năng quản lý, môi trường kinh doanh thay đổi, nhận định sai thị trường... đã dẫn đến tình trạng phá sản, sang quán tăng cao.
|
Doanh nghiệp dừng hoạt động tiếp tục tăng
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - đầu tư), số doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động trong những tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng. Tính đến hết tháng 2, cả nước có 13.124 doanh nghiệp dừng hoạt động (trong đó số doanh nghiệp giải thể là 1.891 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 11.233 doanh nghiệp), tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Còn tính cả năm 2013 có 60.737 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2012.
Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động trong hai tháng là 3.640 doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm: vùng Đông Nam bộ 1.515 doanh nghiệp (TP.HCM 1.167 doanh nghiệp), vùng đồng bằng sông Hồng 1.078 doanh nghiệp (Hà Nội 758 doanh nghiệp).
ĐÌNH DÂN
|
tuổi trẻ
|