Sản phẩm cơ khí, cao su cần hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng
Sáng nay 16-4, đại diện Hội Cao su nhựa TPHCM và Hội Cơ khí điện TPHCM đã đề xuất UBND thành phố nên có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Hiện nay TPHCM có khoảng 100 doanh nghiệp ngành cơ khí - Ảnh: Văn Nam
|
Trong cuộc họp tại UBND thành phố sáng nay, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TPHCM, cho biết hiệp hội cao su nhựa thành phố có khoảng 110 doanh nghiệp, sản xuất cung cấp 80% săm lốp xe máy, xe đạp cho nhu cầu cả nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa thể đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật vốn mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Theo ông Quốc Anh, ngoài sản xuất săm lốp xe, nhiều doanh nghiệp của hội còn có năng lực sản xuất các sản phẩm phục vụ cho công trình giao thông như khe co giãn cầu đường, gối cầu đường, đệm cao su cầu cảng …
“Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là không có cơ quan nào kiểm định và chứng nhận chất lượng các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn quốc tế để họ có thể tham gia đấu thầu cung cấp sản phẩm cho các gói thầu cầu đường lớn”, ông Quốc Anh nêu.
Ông Quốc Anh kiến nghị UBND thành phố cần sớm có cơ chế hỗ trợ về thiết bị kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cao su-nhựa có cơ hội phát triển.
Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện thành phố đã có Trung tâm kỹ thuật Nhựa – Cao su, tuy nhiên, trung tâm này chưa có đủ điều kiện để kiểm định, chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Để giải quyết khó khăn này, Sở Công Thương cho biết đang đề xuất nâng cấp, hỗ trợ phát triển phòng kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho ngành cao su-nhựa.
Trong khi đó, đại diện Hội Cơ khí Điện TPHCM lại đề nghị thành phố hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo lao động, tìm kiếm thị trường.
Bà Lã Thị Lan, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TPHCM, cho biết Hội Cơ khí Điện hiện có khoảng 100 doanh nghiệp thành viên, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, không có khả năng tự thiết kế mà chủ yếu là sản xuất gia công, lắp ráp, cung cấp linh kiện phụ trợ đơn giản, không đòi hỏi công nghệ cao.
Theo bà Lan, thời gian qua đã có một số tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới vào thành phố đầu tư các nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao, nhưng phần linh kiện họ giao lại cho doanh nghiệp cơ khí trong nước gia công là rất ít. Hầu như các doanh nghiệp cơ khí trong nước không được tham gia sản xuất linh kiện phụ trợ nào cho các dự án công nghệ cao.
Để ngành cơ khí thành phố phát triển theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ tạo giá trị lớn, bà Lan đề nghị UBND TPHCM cần hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí chi phí nghiên cứu thị trường, chi phí sản xuất thử các sản phẩm cơ khí và hỗ trợ đào tạo công nhân công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí miễn phí.
Một khó khăn khác được bà Lan nêu ra là danh mục ngành nghề kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp chưa phù hợp, có thể khiến cho doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Bà Lan nêu một ví dụ là cách đây gần một tháng có một công ty của Úc đề nghị được hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Tiến Lộc tại Khu công nghiệp Cát Lái, quận 2 để sản xuất thuyền buồm xuất khẩu. Công ty Tiến Lộc đã báo cáo lên Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) để được cấp phép sản xuất thuyền buồm.
Tuy nhiên, Ban quản lý Khu công nghiệp Cát Lái cho rằng sản phẩm thuyền buồm không có trong danh mục ngành nghề cấp phép đầu tư nên đến nay Tiến Lộc chưa thể trả lời với đối tác được mặc dù công ty của Úc cam kết sử dụng 100% nguyên liệu gỗ, nhựa, thiết bị tại chỗ và đây chính là cơ hội để doanh nghiệp cơ khí hợp tác phát triển.
“Đối tác Úc cho biết nếu một tuần nữa công ty Tiến Lộc không trả lời họ sẽ sang Thái Lan tìm đối tác khác đầu tư, do đó cơ hội hợp tác phát triển của doanh nghiệp cơ khí Tiến Lộc đang trôi dần,” bà Lan nói.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, hiện sở đang đánh giá lại hiện trạng và đề ra chương trình hỗ trợ phát triển ba ngành sản xuất gồm chương trình phát triển công nghiệp chế biến tinh lương thực – thực phẩm; chương trình phát triển ngành công nghiệp cơ khí và chương trình phát triển công nghiệp cao su – nhựa.
Văn Nam
thời báo kinh tế sài gòn
|