Xuất khẩu chè gặp khó với quy định hải quan
Từ hơn một tháng qua, rất nhiều DN ngành chè vướng mắc trong thủ tục hải quan xuất khẩu chè. Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức có văn bản kiến nghị với Tổng cục Hải quan sớm có biện pháp tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Vitas cho biết, căn cứ theo quy định của hải quan hiện nay, trong quá trình kiểm hóa đối với sản phẩm chè thì doanh nghiệp (DN) có thể sẽ bị phạt do không có nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, theo Nghị định số 89/2006/NĐ – CP ngày 30/8/2006 về nhãn hàng hóa, tại Khoản b, Mục 2, Điều 5: Hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản…). Trong khi đó các sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu (XK) bằng container theo hình thức bao gói PP, PE, bao giấy… có khối lượng 25 – 60kg/bao, thực tế là chè nguyên liệu và nhà nhập khẩu mua về để đấu trộn, đóng gói nhỏ dưới 3 kg hoặc chế biến sâu. Do đó chè XK không thuộc đối tượng phải ghi nhãn hàng hóa.
Ngoài quy định trên, Công văn số 1776/BTC – TCHQ do Tổng cục Hải quan ban hành ngày 11/2/2014 cũng quy định các DN buộc phải tập kết hàng hóa tại các điểm theo quy định và thời gian dự kiến đóng container, xếp hàng lên phương tiện vận tải cho cơ quan hải quan…
Sau khi có quy định này, các DN XK chè đã phải kéo hàng từ nhà máy về địa điểm tập kết và đóng hàng dưới sự giám sát của hải quan. Điều này đã phát sinh thêm nhiều chi phí cho DN ngành chè như chi phí vận chuyển, nhân công...
“Thay vì chỉ thuê xe container lên nhà máy và đóng hàng tại kho, giờ đây DN vừa phải thuê xe chở container, vừa phải thuê xe chở hàng về địa điểm tập kết. Có những ngày, do có quá nhiều DN cùng tập kết hàng trăm container tại cùng địa điểm gây ra tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục thông quan…”- văn bản kiến nghị do ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam kiêm Chủ tịch Vitas ký gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nêu rõ.
Về việc hải quan các cửa khẩu yêu cầu các DN chè phải xuất trình giấy xác nhận kiểm tra chất lượng của cơ quan nhà nước cho từng lô hàng, Vitas cho rằng, chè là nông phẩm mà chất lượng do DN tự công bố và XK theo thỏa thuận với khách hàng. Do đó, hải quan yêu cầu DN phải cung cấp các giấy chứng nhận chất lượng trên từng lô hàng XK là chưa thỏa đáng.
Tại Công văn số 1007/BNN – QLCL ngày 25/3/2014 của Bộ NN&PTNT gửi Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ: Luật An toàn thực phẩm Khoản 1, Điều 42 quy định về chứng nhận đối với thực phẩm XK ghi: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm XK trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu”. Thực tế, Bộ NN&PTNT chưa nhận được bất cứ văn bản yêu cầu nào của nước nhập khẩu về cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm theo từng lô hàng chè nhập khẩu. Hiện nay, Bộ cũng chưa có quy định kiểm tra bắt buộc về chất lượng đối với từng lô hàng chè XK.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN XK mặt hàng chè trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ NN&PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính và không áp dụng quy định “kiểm soát chặt chẽ lượng chè XK và chỉ cho phép thông quan khi có xác nhận kết quả kiểm tra chất lượng chè đạt yêu cầu” nếu quốc gia nhập khẩu không có yêu cầu.
Nguyễn Tiến Dũng
công thương
|