Thứ Ba, 15/04/2014 09:15

Làm ăn với DN Trung Quốc: Phải tạo được thế cân bằng

Trong kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận là chính đáng. Tuy nhiên, trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, lợi nhuận các doanh nghiệp Trung Quốc thu được luôn tốt hơn phía Việt Nam.

Chuyên gia Trung Quốc làm việc tại Nhà máy xi măng Công Thanh, Thanh Hóa.

CôngThương - Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí: hiện nay, việc đấu thầu các dự án vẫn nghiêng về giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ thiết bị, không ưu tiên đúng mức đến tỉ lệ nội địa hóa. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. "Hai nhà máy bauxite đầu tiên của Việt Nam là Tân Rai và Nhân Cơ, đều do nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa hiện chưa tới 2%"- ông Nguyễn Chỉ Sáng dẫn chứng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển- cho biết, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chưa nhiều, tập trung vào lĩnh vực xây dựng chiếm tới 70%. “Nhiều dự án Trung Quốc thắng thầu được là vì giá rẻ”- TS Lưu Bích Hồ nói và cho biết: Quá trình triển khai cho thấy giá không rẻ. Chi phí dự án thường bị đội lên do chậm tiến độ, chất lượng thấp...

Những điều này làm giảm lòng tin của Việt Nam đối với các nhà thầu Trung Quốc nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, Việt Nam trong quá trình hội nhập còn ít kinh nghiệm dù đã cố gắng xây dựng những thể chế mới.

TS Lưu Bich Hồ cho rằng, trong lĩnh vực xây dựng, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong giám sát, đấu thầu, đánh giá kết quả dự án, tiền kiểm là quan trọng nhưng quan trọng hơn là hậu kiểm.

Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam luôn cố gắng để hai bên cùng có lợi và đó là một mục tiêu phấn đấu. Nhưng những gì hai bên đã làm được đều mang ý nghĩa tích cực nhưng chưa đủ để tạo ra thế cân bằng.

Phát triển kinh tế, Trung Quốc có thực lực rất lớn, có nhiều kinh nghiệm và đi trước Việt Nam. Chỉ riêng tỉnh Quảng Tây đã có 50 triệu dân, lớn hơn ½ dân số Việt Nam, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh. Với lợi thế của một nước lớn, các điều kiện về tài chính, nguồn lực của doanh nghiệp Trung Quốc có khoảng cách rất xa so với doanh nghiệp Việt Nam, chưa kể đến những thuận lợi về địa lý, nguồn nguyên vật liệu...

Trung Quốc có tăng trưởng rất cao nhưng Việt Nam cũng cần tăng trưởng cao. Quan hệ đầu tư, giao thương theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp Trung Quốc hay Việt Nam đều phải tính đến lợi nhuận.

Trung Quốc quá mạnh và khai thác thế mạnh của mình tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. TS Lưu Bích Hồ nói: "Trong kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc thu được luôn tốt hơn Việt Nam. Trung Quốc cần hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam tạo thế cân bằng".

Cuối tuần trước, tại hội nghị Tổng kết mười năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ ngành phải rà soát chính sách đấu thầu, chỉ định thầu, quy định tỉ lệ nội địa hóa trong đấu thầu để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không đóng cửa cạnh tranh và phù hợp điều kiện hội nhập.

TS Nguyễn Chỉ Sáng- viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí- cũng đưa ra đề xuất: Luật Đấu thầu sửa đổi tới đây cần đưa nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa vào tiêu chí đánh giá có mức độ ưu tiên thoả đáng cho phần dịch vụ, chế tạo thiết bị trong nước.

Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước cần tuân thủ chỉ thị 494/CT-CP của Chính phủ, chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước, nếu doanh nghiệp nước ngoài tham gia thầu phải liên doanh hoặc làm thầu phụ với nhà thầu trong nước, nhà thầu trong nước là đơn vị đứng đầu liên danh.

Song với kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu chiến lược kinh tế, TS Lưu bích Hồ cho rằng: "Vấn đề là làm sao để hợp tác kinh tế Việt Nam- Trung Quốc dần theo hướng cùng thắng. Điều đó rất khó nhưng là việc phải làm”.

TS Lưu Bích Hồ cũng gợi ý, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam cần thay đổi cơ chế, chính sách hợp tác, đồng thời tạo ra sự khác biệt bằng đường hướng đi, bằng cách làm cụ thể cho từng lĩnh vực để dần thu hẹp khoảng cách.

Hải Vân

Công Thương

Các tin tức khác

>   Hai dự án bô–xít Tây Nguyên: Chắc chắn có lãi? (15/04/2014)

>   Giá phân bón có thể giảm nhẹ (15/04/2014)

>   Thông quan tốn 30-90 ngày sẽ “giết” DN (15/04/2014)

>   Vinacomin sẽ không bán than cho khách nợ quá hạn? (14/04/2014)

>   TP.HCM công bố quy hoạch tổng thể phát triển đến 2020 (14/04/2014)

>   Hai nhãn hiệu Việt Nam được Mỹ cấp chứng nhận bảo hộ (14/04/2014)

>   Lãng phí 2 tỉ USD vì phân bón (14/04/2014)

>   Định hướng nghề nghiệp với các chuyên gia đầu tư tài chính (14/04/2014)

>   Thành tích FDI và bài toán được - mất (14/04/2014)

>   Sang mặt bằng giá ve chai (14/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật