Tồn kho trên 700.000 tấn đường
Đến 7/4/2014, tồn kho tại các nhà máy đường là 682.926 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 30.260 tấn.
Năm ngoái, mức tồn kho của ngành mía đường đã đạt kỷ lục chưa từng thấy cho tới thời điểm ấy. Năm nay, ngành mía đường tiếp tục tồn kho khổng lồ và phá sâu kỷ lục tồn kho của năm 2013.
Đầu tháng 5 năm ngoái, ngành mía đường có mức tồn kho cao kỷ lục: 579.818 tấn (kể cả đường thô) tại các nhà máy đường và 28.565 tấn tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường VN. Đến giữa tháng 3 vừa rồi, kỷ lục tồn kho nói trên đã bị phá vỡ, khi mức tồn kho mới của ngành mía đường được xác nhận như sau: 594.303 tấn tại các nhà máy đường và 25.782 tấn tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội.
Không dừng lại ở đó, tồn kho đường đã tăng rất nhanh trong nửa cuối tháng 3 và tuần đầu tháng 4. Đến 7/4/2014, tồn kho tại các nhà máy đường là 682.926 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 30.260 tấn. Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường, xác nhận, đây là mức tồn kho cao kỷ lục từ trước tới nay và cao hơn cùng thời điểm này của năm ngoái tới trên trăm ngàn tấn.
Tồn kho khổng lồ của ngành mía đường, chủ yếu là do tiêu thụ quá chậm. Ông Nguyễn Hải cho biết, tính trung bình mỗi tháng, các nhà máy hiện chỉ tiêu thụ được 100.000-120.000 tấn đường. Mức tiêu thụ này là tương đương với những năm trước đây, nhưng nếu theo quy luật về nhu cầu của thị trường là mức tiêu thụ đường mỗi năm phải tăng lên so với năm trước, thì rõ ràng khi mức tiêu thụ bình quân hàng tháng vẫn như cũ, cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ đường đang chậm hẳn lại.
Trong khi đó, sản lượng đường niên vụ 2013/2014 lại sẽ tăng nhiều so với những niên vụ trước. Đến thời điểm này, ngành mía đường vẫn giữ dự báo sản lượng đường năm nay vào khoảng 1,6 triệu tấn. Từ đầu niên vụ đến 7/4/2014, các nhà máy đường đã ép được 14.323.814 tấn mía, sản xuất được 1.385.852 tấn đường. Riêng đường sản xuất từ đường thô của Nhà máy đường luyện Biên Hòa là 63.735 tấn, của Cty NIVL là 16.527 tấn. Như vậy, tổng lượng đường các nhà máy đường đã sản xuất được là 1.466.114 tấn.
Trong nước tiêu thụ chậm, ngành mía đường đành phải trông chờ vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhằm giảm áp lực tồn kho. Nhưng lượng đường đưa qua biên giới cũng không khả quan cho lắm. Bộ Công thương cho phép xuất khẩu 200 ngàn tấn đường qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, nhưng đến đầu tháng 4, mới có khoảng 80 ngàn tấn đường được đưa sang bên kia biên giới. Giá đường RS xuất khẩu hiện cũng chỉ ở mức thấp: 12.900 đ/kg (giá ngày 7/4) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá đường mà các nhà máy phía Bắc đang bán ra.
Do tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, giá đường do các nhà máy bán ra vào ngày 7/4 chỉ còn ở mức từ 12.160–12.694 đ/kg (miền Bắc), 12.300–13.100 đ/kg (miền Trung – Tây Nguyên) và 12.584–13.000 đ/kg (ĐBSCL). Như vậy giá đường do các nhà máy bán ra đã xuống bằng hoặc thậm chí là thấp hơn so với giá đường Thái Lan nhập lậu.
Bởi cũng vào ngày 7/4, giá đường lậu tại biên giới Tây Nam là 12.500–2.600 đ/kg, tại TP.HCM 13.000–13.100 đ/kg, tại Lao Bảo 12.500 đ/kg, tại Đông Hà 12.800 đ/kg. Một chuyên gia trong ngành mía đường cho biết giá bán tại nhà máy như trên, nhiều nhà máy đã gặp khó khăn, thua lỗ.
May cho ngành đường là trong thời gian qua, nhờ công tác chống buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam, nhất là trên địa bàn tỉnh An Giang được đẩy mạnh, nên đã làm giảm đáng kể lượng đường nhập lậu. Nếu không, với đà nhập lậu ồ ạt như trước đây, ngành đường sẽ còn nguy khốn hơn nữa. Bởi thế, trong khi sức tiêu thụ đường trong nước chưa thấy có dấu hiệu cải thiện trong những tháng tới, thì việc đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và hạn chế đường nhập lậu, vẫn là những giải pháp khả dĩ nhất để cải thiện việc tiêu thụ lượng đường tồn kho đang ở mức khổng lồ như hiện nay.
Sơn Trang
Nông nghiệp
|