Sẽ giám sát chặt hoạt động đầu tư của DNNN
Dự kiến, ngày 17-4, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đây là văn bản Luật đầu tiên về quản lý nhà nước nói chung và quản lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN nói riêng.
Các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của DNNN sẽ được quản lý chặt. Ảnh Internet.
|
Thủ tướng quyết định đầu tư dự án trọng điểm
Theo ông Lê Hải, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), kế thừa các quy định hiện hành, dự án Luật bổ sung nguyên tắc mới về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đó là Nhà nước sẽ thực hiện đầu tư vào dự án thuộc ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên. Đồng thời, để tăng tính hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch của hoạt động đầu tư vốn nhà nước, dự án Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước còn thực hiện thông qua doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty.
|
Căn cứ các nguyên tắc, phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, dự án Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thuộc các dự án, công trình quan trọng của quốc gia hình thành tài sản hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp căn cứ phân công, phân cấp quyết định thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự án Luật quy định nguyên tắc xác định vốn điều lệ đảm bảo không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành; việc xác định vốn điều lệ căn cứ vào quy mô, công suất thiết kế đối với ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với kế hoạch và chiến lược đầu tư, phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nguồn để đầu tư vốn điều lệ cho doanh nghiệp từ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bảo toàn vốn theo nguyên tắc
Để tránh đầu tư dàn trải, phù hợp với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án Luật quy định nguyên tắc đầu tư vốn, tài sản, quyền sử dụng đất ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào doanh nghiệp. Kế thừa các nguyên tắc nêu trên, dự án Luật xác định rõ nguyên tắc bảo toàn vốn của doanh nghiệp, đồng thời nhằm nâng cao trách nhiệm của người quản lý của doanh nghiệp, dự án Luật bổ sung quy định trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trong việc bảo toàn, phát triển vốn có hiệu quả.
Đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác, dự án Luật quy định việc quản lý theo nguyên tắc thông qua người đại diện; phương thức quản lý phù hợp với loại hình doanh nghiệp; việc tăng hoặc giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác phải thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư. Dự án Luật quy định việc cử người đại diện, tiêu chuẩn người đại diện, tiền lương, thưởng và quyền lợi của người đại diện và quy định lợi nhuận, cổ tức được chia từ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN
Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được coi là một điểm mới của dự án Luật nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành và bổ sung các chế định mới. Quy định cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu thu hồi vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cũng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu nêu trên, dự án Luật quy định 3 hình thức cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, gồm: Chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn nhà nước; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là nội dung mới so với các quy định hiện hành, dự án Luật đã cụ thể hóa nội dung nguyên tắc chuyển giao không làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng và nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đối với chủ nợ của doanh nghiệp; và các trường hợp chuyển giao được thực hiện giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp hoặc về doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và ngược lại.
Thời gian qua, các TĐ,TCT đã đóng góp bình quân (giai đoạn 2006-2010) khoảng 35% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu). Khu vực DNNN đã bảo đảm việc làm cho khoảng 1,2 triệu người lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động hiện nay khoảng 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty. Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%.
Minh Anh
hải quan
|