Thứ Hai, 21/04/2014 06:54

Muốn bán gạo phải qua tay 2 Tổng công ty lương thực!

Có chính sách hỗ trợ nhưng thiếu cơ chế cụ thể, còn người nông dân tiềm lực yếu nên họ luôn đứng vị trí yếu nhất của chuỗi giá trị.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã phân tích về vai trò của chính sách cũng như các Tổng công ty tác động tới đời sống người nông dân trong thời gian qua.

Không hỗ trợ được gì cho nông dân

PV: - Thưa ông, các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu đã lên tiếng cho rằng các Tổng công ty lương thực I và II đã lộ mặt con buôn: mua lúa của dân giá rẻ thời điểm thấp giá nhất và đem đi xuất khẩu gạo cũng với giá rẻ, chất lượng thô….mọi thiệt hại đều đổ lên vai người nông dân gánh chịu, nông dân càng làm thì…càng lỗ và rất nhiều nơi họ đã bỏ mặc ruộng hoang. Nhiều đại biểu QH cũng đã nói phải đặt vấn đề này lên bàn nghị sự QH kỳ này. Ông nghĩ sao về cách làm của các công ty lương thực thực hiện nay, nó có dẫn đến tình trạng bần cùng hóa nông dân?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: - Thực ra hai tổng công ty họ có những vai trò khá lớn với những di sản cũ là chức năng nhà nước giao cho cũng như nguồn vốn họ có. Ngay cả trong Hiệp hội lương thực, hai Tổng công ty này đóng vai trò lớn nhất trong quá trình điều hành xuất khẩu lúa gạo.

Nếu nói họ hoàn thành đúng chức năng hay chưa thì rất khó nói. Bởi vì để bán được hàng nhiều nhất thì vẫn phải qua hai tổng công ty này. Chỉ có điều nếu nói hai Tổng công ty này đã hỗ trợ được nông dân hay chưa thì đúng là chưa nhiều.

Thứ nhất hai công ty này mới chỉ tập trung vào mảng cơ bản là kinh doanh. Còn việc tạo liên kết, chỉ đạo sản xuất cùng với nông dân thì từ trước đến nay chưa bị ép buộc phải làm.

Gần đây Chính phủ mới có các quyết định về liên kết, giảm tổn thất sau thu hoạch, các công ty phải chuyển hướng hoạt động nên bắt đầu có những động thái này.

Vì họ mới bắt tay vào làm được khoảng một năm nên sẽ là quá sớm để nói họ đã làm tốt vai trò hay chưa.

PV: - Nói như vậy việc hai Tổng công ty này không làm tốt vai trò kết nối, liên kết, tổ chức nông dân sản xuất mà chỉ tập trung đi buôn là vì Chính phủ không giao đầu bài cụ thể phải không, thưa ông?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: - Đúng vậy, nhưng hiện nay đầu bài đã được giao rất cụ thể. Tuy nhiên như tôi đã nói trên, với thời gian một năm thì rất khó đánh giá.

Tuy nhiên rõ ràng hiện nay cơ chế chung nếu chỉ qua các Tổng công ty quá lớn chi phối thì rất khó đảm bảo thị trường có cạnh tranh.

Khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thì thị trường sẽ có cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải lo đầu tư công nghệ, đảm bảo nguồn hàng nhiều hơn. Cũng chính khi đó các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách kết hợp tăng liên kết với người nông dân khi đó người dân sẽ có lợi hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng nếu người nông dân liên kết để đẩy mạnh tiềm lực thì họ sẽ khá hơn rất nhiều

Bài học từ Thái Lan và Camphuchia

PV: - Hiện tại, người nông dân đang phụ thuộc vào giống má, thuốc trừ sâu, phân bón…giống lúa hầu như là của Trung Quốc. Các Viện giống lúa của ta than phiền có sự bao sân từ các Sở NN&PTNT nên dân không tiếp cận được các giống lúa nội cũng có năng suất cao như thế. Phụ thuộc về giống lúa nghĩa là phụ thuộc luôn cả quy trình trồng cấy, chăm sóc, phân bón…và đến khi thu hoạch thì lại bị chính các thương lái, các tổng công ty lương thực ép giá. Mỗi sào lúa, lãi quy ra tiền khoảng 50 ngàn đồng/tháng, tương đương 2 bát phở giá rẻ! Theo ông, chính xác thì người nông dân đang đứng ở đâu giữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước? Bộ NN&PTNT đã làm gì để giúp người nông dân bớt điêu đứng?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: - Nông dân thực ra đứng ở vị trí yếu nhất của chuỗi giá trị. Hơn nữa do tiềm lực yếu nên trong quá trình đàm phán họ rất khó mặc cả và họ cũng không đủ thông tin để có thể tự nâng chất lượng hạt gạo của mình.

Thêm nữa người nông dân cũng chưa có điều kiện để tiếp xúc với thông tin mới của thị trường nếu họ vẫn tiếp tục sản xuất lẻ tẻ như hiện nay. Nếu họ tổ chức được thành kinh tế hợp tác xã thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Còn chuyện bỏ ruộng thì chỉ là những người nông dân ngoài vùng xuất khẩu lúa gạo thôi.

PV: - Chúng ta có quá nhiều GS, TS, rất nhiều các Viện khoa học và đã từng có khẩu hiệu Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông cùng đẩy nền nông nghiệp, nông dân đã làm ra sản lượng lúa gạo rất cao, đến mức dư thừa… ông lý giải sao về hiện tượng càng giúp nông dân thì nông dân…càng nghèo? Khúc mắc nằm ở đâu và tại sao, thưa ông?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: - Tôi thấy rằng hiện nay ruộng vẫn còn khá manh mún. Người nông dân chưa trở thành những người nông dân chuyên nghiệp. Nếu chưa nói đến tác động chính sách, hay bị ai đó bắt nạt thì vốn người nông dân đã là thu nhập thấp rồi.

Nếu là nông dân chuyên nghiệp, chuyên tâm vào việc cấy lúa, áp dụng công nghệ mới, nghĩ cách đa dạng sản phẩm để thu được lợi cao nhất thì đời sống sẽ khá lên.

Còn về khía cạnh chính sách nếu nói có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nhưng tại sao họ vẫn khó khăn quá thì có thể thấy chủ trương thì tốt nhưng khi triển khai chưa triệt để.

Ví dụ chưa có vốn, chưa có cơ chế, hỗ trợ tiếp cận xúc tiến thương mại, công nghệ mới, hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch… Các thể chế này đều chưa sẵn sàng.

Gần đây Chính phủ đã cố đưa ra sự đột phá hơn. Ví dụ như trong Quyết định 62 về hỗ trợ liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ; Quyết định 68 về giảm tổn thất sau thu hoạch; quyết định 201 về thu hút đầu tư tư nhân vào trong nông nghiệp… thì hy vọng sẽ thay đổi được tình hình.

Thế nhưng, rút kinh nghiệm các chính sách trước thì nay các hỗ trợ phải đi kèm theo ngân sách và thể chế cụ thể. Nếu không thì mọi việc sẽ vẫn như trước đây mà thôi.

PV: - Ông có nhận xét gì về công nghệ sau thu hoạch hiện nay? Có phải do chạy theo sản lượng mà không chú trọng về chất lượng nên nông dân càng làm ra nhiều sản phẩm thì…càng nghèo hơn? Theo ông, bài học từ Thái Lan và giờ đây là cả Camphuchia có giúp gì cho chính sách nông nghiệp của ta? Ông có cho rằng nông nghiệp Camphuchia đã qua mặt chúng ta, ít nhất là trên thị trường gạo quốc tế?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: - Với Thái Lan có một thời gian họ dùng chính sách ngân quỹ rất mạnh để trợ cấp cho nông dân. Cho nên đến một lúc ngân sách không chịu nổi, không thể trợ cấp qua giá thu mua được.

Cho nên rút kinh nghiệm từ Thái Lan, Việt Nam chỉ cần tạo ra thị trường tốt, cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư công nghệ, giống… thì sẽ hay hơn hỗ trợ giá đầu ra.

Nếu hỗ trợ giá đầu ra thì sẽ khiến người nông dân sẽ sản xuất những mặt hàng không có khả năng cạnh tranh rồi đến một lúc ngân sách cũng không chịu nổi.

Còn Campuchia thì Việt Nam hơn họ. Ở Campuchia người nông dân không được ổn định ruộng đất, do vậy chắc chắn Việt Nam hơn họ nhiều.

Cả về năng lực cạnh tranh, lúa gạo của Campuchia cũng mới tham gia thị trường nên không thể hơn Việt Nam. Năng lực cung Việt Nam vẫn đang đứng thứ nhì thứ ba trên thế giới về mặt xuất khẩu nên không thể có chuyện Campuchia qua mặt Việt Nam được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Ngọc

Đất Việt

Các tin tức khác

>   Cơ hội xuất khẩu hạt điều vào thị trường Úc (21/04/2014)

>   Hạt điều mơ tăng giá trị (20/04/2014)

>   Kho trữ cà phê: Hạn chế rủi ro cho nông dân! (19/04/2014)

>   Ai đang gây náo loạn thị trường cà phê? (19/04/2014)

>   [Video] Hoàng Anh Gia Lai làm nông nghiệp như thế nào? (19/04/2014)

>   Xuất khẩu cà phê vượt gạo tới 284 triệu USD (19/04/2014)

>   Thương vụ bán 800.000 tấn gạo cho Philippines: Hớ đậm! (17/04/2014)

>   Tạm trữ lúa gạo: Chưa hoàn thành chỉ tiêu (17/04/2014)

>   Nông sản vẫn phải mò mẫm tìm đường (17/04/2014)

>   Tái canh cà phê gặp khó vì chi phí cao (16/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật