Kho trữ cà phê: Hạn chế rủi ro cho nông dân!
Thời gian qua, lợi dụng kẽ hở trong quản lý tín dụng, hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã bị một số doanh nghiệp (DN) và đại lý kinh doanh lũng đoạn với việc mua bán, thế chấp lòng vòng dẫn đến tình trạng vỡ nợ, “chết” dây chuyền.
Thực trạng trên bắt đầu từ việc đa số người nông dân trồng cà phê thiếu kinh phí đầu tư (42-50 triệu đồng/ha) nên hầu hết các hộ dân phải nhờ cậy vào nguồn vốn tạm ứng từ các đại lý thu mua cà phê đóng trên địa bàn xã, huyện. Các đại lý cà phê này cung ứng cho bà con vốn hoặc vật tư đầu vào, khi đến vụ thu hoạch thì người dân trừ nợ bằng cách vận chuyển cà phê đến kho trả nợ. Cách thức hợp tác đó mặc dù hết sức đơn giản và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đa số các hộ trồng cà phê tại Tây Nguyên không còn cách nào khác, vì thiếu vốn chăm bón và thu hái.
Trong khi đó, hiện tượng vỡ nợ dây chuyền do các đại lý làm ăn thua lỗ xảy ra phổ biến. Mỗi năm ở các tỉnh Tây Nguyên có hàng trăm vụ đại lý vỡ nợ, bỏ trốn, kéo theo đó là cảnh nhiều gia đình nông dân đang êm ấm có thể trở thành kẻ không nhà. Gần đây nhất là vụ việc vỡ nợ của Công ty TNHH thương mại Thái Bình Krông Búk (Đắk Lắk) với việc chiếm đoạt nhiều tấn cà phê của hàng trăm hộ dân tại địa phương này.
Để hạn chế rủi ro cho người dân, Ngân hàng HDBank đã đầu tư một hệ thống kho trữ lớn tại các huyện thuộc TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Lê Thành Trung, Phó TGĐ HDBank, tham gia dịch vụ ký gửi cà phê tại hệ thống kho của HDBank tất cả các khách hàng bao gồm DN, cá nhân, hộ kinh doanh cà phê chỉ cần chuyển cà phê nhân tới địa điểm kho sẽ được ngân hàng cho vay vốn bằng VND hoặc USD với giá trị tối đa bằng 80% giá trị lô hàng trong thời hạn 6 tháng. Kho hàng do HDBank quản lý đảm bảo an toàn tuyệt đối, khách hàng hoàn toàn chủ động việc bán hàng hoặc được HDBank hỗ trợ giới thiệu người mua để có giá bán cao nhất.
Hiện đã có khoảng 100 khách hàng là DN kinh doanh vừa và nhỏ, một số cá nhân ở các huyện trồng cà phê trọng điểm của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã tham gia dịch vụ cho vay cầm cố cà phê thành phẩm của HDBank.
Đánh giá về hoạt động trên, ông Phan Ngọc Dương- Giám đốc Công ty TNHH Khơi Nguồn (Đắk Mil-Đắk Nông)- cho rằng, đây là cách làm mới, giúp ngân hàng có thể “nắm đằng chuôi”. Nguyên nhân là do đa số các DN cà phê để có hàng hóa đáp ứng các đơn hàng lớn đều phải mua gom từ nhiều đại lý và các DN khác. Việc mua bán cà phê ở nhiều địa phương diễn ra đơn giản, thậm chí khi không có nguồn hàng các DN tranh mua cà phê chỉ cần hợp đồng bằng miệng với nhau. Khi có một số đại lý hoặc DN gian dối trong việc bán hàng, đem cùng một lượng cà phê trong kho bán khống cho nhiều DN khác thì sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ dây chuyền. Người dân ký gửi cà phê cho đại lý bị xù nợ, trong khi bản thân DN mua cà phê và ngân hàng cho vay cũng chịu vạ lây vì lượng hàng hóa thế chấp chỉ là hàng hóa ảo.
Còn theo ông Phạm Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và Thương mại Thành Phát (Đắk Lắk), với cách làm này nếu các ngân hàng chủ động đơn giản hóa thủ tục thế chấp và mở rộng được quy mô kho trữ về các địa phương vùng sâu vùng xa thì có thể sẽ có được lượng hàng thế chấp lớn từ nông dân. Bởi từ trước đến nay, đa số các hộ trồng cà phê đều phải tạm ứng tiền từ các DN và đại lý để mua phân bón, xăng dầu từ đầu vụ. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ ĐL xù nợ, bỏ trốn khiến lòng tin vào DN, đại lý không cao. Vì thế nếu ngân hàng chấp nhận cho ký gửi để vay tiền sản xuất thì người dân có thêm đầu mối để xoay trở.
Mai Ca
Công Thương
|