Thứ Bảy, 19/04/2014 11:41

Ai đang gây náo loạn thị trường cà phê?

Giá cà phê co giật rất thất thường: cả tuần giảm rồi bật lên vào ngày cuối, lấy lại những gì đã mất. Kinh doanh cà phê đầy rủi ro như vậy, vì đâu?

Trèo đèo lội suối với giá cà phê

Mấy phiên giao dịch gần đây, giá cà phê dao động dữ dội, đặc biệt trên sàn kỳ hạn arabica tại New York. Dựa trên tin thời tiết, các quỹ đầu cơ tài chính dẫn giá cà phê khi lên đèo lúc xuống ruộng, hết sức bất ngờ và rủi ro.

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe hai tuần qua

Giá cà phê nội địa chạy theo muốn đứt hơi, như ngày thứ Tư 16-4 giảm một ngàn đồng mỗi ki lô, thì ngay ngày hôm sau 17-4 giá tăng lại hơn cả thế. Sáng hôm nay thứ Bảy 19-4-2014, cà phê giao dịch tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mức 40.500 đồng/kg, mất mốc 41.000 đồng/kg của cuối tuần trước và 42.000 đồng, đỉnh cao của niên vụ xác lập cách nay hơn một tháng.

Tại sàn kỳ hạn arabica, giá co giật dữ dội đã tạo nên một thị trường rủi ro khôn lường. Trước khi đi nghỉ lễ Phục Sinh bắt đầu từ ngày thứ Sáu 18-4, mùa lễ trọng hàng năm của Ki tô giáo, các nhà kinh doanh tại các sàn kỳ hạn đã đẩy giá arabica lên cao vút, chỉ trong một phiên giao dịch ngày thứ Năm 17-4, giá ở sàn New York tăng 336 đô la/tấn hay 15,25 xu/cân Anh (cts/lb) khi hai ngày trước đó giảm tổng cộng 409 đô la hay 18,55 cts.

Sàn robusta Ice Liffe cũng thế, hôm trước giảm 46 đô la thì hôm sau ngày thứ Năm 17-4 tăng lại 54 đô la/tấn.

Từ đầu tuần, giá kỳ hạn đi xuống, cú giật cuối tuần giúp giá lên và bù lại những gì đã mất một cách chóng vánh. Đóng cửa phiên cuối tuần 17-4, giá kỳ hạn robusta London chốt mức 2.136 đô la Mỹ/tấn, mất 6 đô la so với cuối phiên thứ Sáu 11-4 (xin xem biểu đồ trên). Cũng thời gian này, giá arabica tăng 0,55 cts/lb hay 12 đô la/tấn.

“Mấy ngày trước thấy giá xuống đến phát lo… May mà cuối tuần bất ngờ giá quay đầu tăng nên cũng đỡ”, anh Lê Thanh Xuân, nông dân tại Gia Lai vừa mừng vừa ngạc nhiên không biết vì sao giá tăng.

Xuất khẩu tăng mạnh

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cứ giá trên mức 40.000 đồng thì thị trường cà phê nội địa vẫn nhộn nhịp.

Thị trường hàng hóa là thế: giá cao, nhiều người tranh thủ bán; mua vào nhiều, bên mua tìm cách hạ giá, một phần do cung mạnh, phần khác do vốn không kham nổi lực bán ra. Hệ quả là bên bán sợ giá rớt, bán ra mạnh; bên mua thấy hàng nhiều, chỉ mua tiếp nếu chịu bán giá rẻ hơn. Ép giá xuống quá mức, bên bán ngưng bán, bên mua không có hàng mua, buộc phải đẩy giá tăng để mua vào…

Với nhịp điệu mua bán khá đều đặn như thế, khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong tháng 3-2014 theo thống kê của Tổng cục Hải quan đạt mức 278.252 tấn, tương đương với 4,64 triệu bao (60 kg x bao), tăng 76% so với 158.055 tấn cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức xuất khẩu cà phê của một nước trong một tháng cao kỷ lục từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Vì ngay cả Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, thị trường chỉ ghi nhận tháng có lượng xuất khẩu kỷ lục của mọi thời đại ở mức 3,49 triệu bao vào tháng 10-2010.

Tồn kho robusta cạn

Biểu đồ: Tồn kho robusta của sàn kỳ hạn London tiếp tục giảm (nguồn: NewEdge)

Tuy hàng xuống tàu nhiều, lượng cà phê chỉ được nhập kho kỳ hạn lại rất có hạn. Như vậy, phải hiểu rằng tuyệt đại bộ phận hàng xuất khẩu đều đến thẳng các hãng rang xay.

Báo cáo ra hàng tháng của Hiệp hội Cà phê nhân của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) cho biết tính đến hết tháng 3-2014, tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ đạt 4.958.411 bao, tăng 132.307 bao so với tháng trước đó. Trong số này không tính lượng cà phê đang trên đường trung chuyển hay đang nằm tại các nhà máy chờ đưa vào sản xuất, ước lượng này chừng 1 triệu bao. Bình quân vùng Bắc Mỹ cần 500.000 bao/tuần để chế biến tiêu thụ, số lượng trên có thể tiêu thụ đủ cho 11 tuần.

Ngược lại, tồn kho robusta thuộc sàn London tiếp tục giảm thêm 4.470 tấn chỉ còn 13.860 tấn trong vòng hai tuần tính đến hết ngày 14-4, giảm mất 89% so với cách đấy một năm, bấy giờ là 181.730 tấn (xin xem biểu đồ trên).

Tồn kho arabica thuộc sàn New York đến hết ngày 17-4 ở mức 155.041 tấn, cao gấp 11 lần lượng robusta của sàn London.

Đầu cơ náo loạn thị trường ở chỗ nào?

Giá thị trường lên xuống là thường tình. Nhưng, những đảo lộn bất ngờ và cùng cực trên sàn arabica tại New York vừa qua không khỏi gây nhiều thắc mắc. Qua những đợt biến động giá như thế, thị trường nội địa tại các nước sản xuất cà phê càng hỗn loạn. Các tay đầu cơ vô tình hay cố ý loại khỏi cuộc chơi nhiều nhà xuất khẩu tại chỗ để tiện bề khống chế thị trường do kham không nổi với dao động giá.

“Thị trường biết hạn hán và hệ quả của nó từ lâu, giá lên thì đã lên rồi. Biến động giá quá thể thời gian gần đây chắc chắn có bàn tay ai đó”, một nhà phân tích tại TPHCM nhận định.

Đến nay, theo các con số thị trường, giới đầu cơ trên sàn arabica Ice New York đang giữ một lượng hàng thực (physical) khá lớn là 155.041 tấn. Đồng lúc đó, họ đang ghim vào một lượng hợp đồng mua khống (long position) tính đến hết ngày 8-4, con số báo cáo mới nhất đang có, là chừng 654.500 tấn hàng giấy (paper) gồm cả hợp đồng kỳ hạn lẫn quyền chọn. Như vậy, đầu cơ hiện đang giữ chừng 809.541 tấn arabica. Con số ấy có sổ sách “trình làng”, còn bao nhiêu tấn không báo cáo nữa, có thể lên trên triệu tấn.

Với khối lượng lớn ấy trong tay, đầu cơ sẽ còn tạo ra đủ các loại thông tin, tình huống để bán xả với mức giá cao, vì chẳng ai mua vào để bán giá thấp cả. Giá cà phê lại còn lên xuống thất thường nữa!

Co giật giá vừa qua xuất phát từ đấy. Tin hạn hán, sương giá, mất mùa, đâu đó giữ lại hàng không bán…chỉ là cái cớ cho giới đầu cơ làm giá. Một quyết sách để ngành xuất khẩu cà phê nước ta sống lâu hơn trong một thị trường nguy hiểm như thế này đang được chờ đợi.

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   [Video] Hoàng Anh Gia Lai làm nông nghiệp như thế nào? (19/04/2014)

>   Xuất khẩu cà phê vượt gạo tới 284 triệu USD (19/04/2014)

>   Thương vụ bán 800.000 tấn gạo cho Philippines: Hớ đậm! (17/04/2014)

>   Tạm trữ lúa gạo: Chưa hoàn thành chỉ tiêu (17/04/2014)

>   Nông sản vẫn phải mò mẫm tìm đường (17/04/2014)

>   Tái canh cà phê gặp khó vì chi phí cao (16/04/2014)

>   Trúng thầu bán gạo cho Philippines nhờ chào giá thấp (16/04/2014)

>   VPA: Hồ tiêu được mùa, được giá (16/04/2014)

>   Việt Nam trúng thầu bán 800.000 tấn gạo cho Philippines (15/04/2014)

>   VN trúng thầu bán 800.000 tấn gạo cho Philippines (15/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật