Hạt điều mơ tăng giá trị
Sau một thời gian dài mua nguyên liệu thô và sơ chế, nay các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều rất muốn đi vào chế biến sâu để gia tăng giá trị các sản phẩm hạt điều. Tuy nhiên, dù chỉ thêm chút muối hay chút mật ong cho hạt điều, việc này cũng không dễ đối với nhiều doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều từ lâu đã ấp ủ xây dựng quy trình chế biến sâu “made in Việt Nam” để “mang chuông đi đánh xứ người”, mà trước tiên là chinh phục thị trường nội địa
|
Kể từ năm 2006, Việt Nam vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân.
Tuy nhiên, phần lớn lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đều ở dạng đóng thành gói từ 10 ki lô gam trở lên, bán cho các nhà nhập khẩu trung gian để họ tiếp tục bán cho các doanh nghiệp chế biến sâu ra những sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nói cách khác, trong chuỗi giá trị gia tăng của hạt điều, doanh nghiệp Việt Nam chỉ hưởng một phần rất nhỏ nhờ gia công cắt, tách vỏ, đóng gói.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều từ lâu đã ấp ủ xây dựng quy trình chế biến sâu “made in Việt Nam” để “mang chuông đi đánh xứ người”, mà trước tiên là chinh phục thị trường nội địa.
Giám đốc một doanh nghiệp chế biến điều kể chuyện cách đây mấy năm, trong một lần qua Mỹ, ông phát hiện sản phẩm hạt điều chế biến sâu có giá cao gấp mấy lần giá nhập điều nhân từ Việt Nam sau khi thêm chút muối, chút mật ong... rồi đóng gói bán. Sau đó, ông cũng cố làm và chào bán sản phẩm tương tự bằng thương hiệu của doanh nghiệp mình nhưng bị từ chối với lý do doanh nghiệp của ông chưa có thương hiệu ở thị trường nội địa.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong năm nay, Hiệp hội tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Mục tiêu ban đầu là mang về khoảng 2 triệu đô la Mỹ từ các sản phẩm chế biến sâu. Đây chỉ là con số rất nhỏ nếu so với tổng giá trị xuất khẩu điều nhân năm 2013 đạt gần 1,7 tỉ đô la Mỹ.
Bản thân ông Thanh trong vai trò Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Tân An (Tanimex-LA), thời gian qua đã cố gắng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hạt điều chế biến sâu, như rang muối, tẩm mật ong, bánh kẹo hạt điều... “Chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng qua số lượng tiêu thụ khá tốt”, ông Thanh nói.
Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) cũng đã sản xuất nhiều mặt hàng điều chế biến như rang muối, tẩm mật ong, vị tỏi, vị tiêu, vị cà phê... và đang nỗ lực tạo dựng thương hiệu ở thị trường nội địa trước khi chào bán sản phẩm đi Mỹ và các nước châu Âu.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dám đầu tư chế biến sâu như hai công ty trên. Theo Vinacas, hiện cả nước có khoảng 1.000 cơ sở, doanh nghiệp chế biến hạt điều với tổng công suất đạt 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có mặt hàng chế biến sâu (các sản phẩm snack, bánh kẹo điều, bơ điều, bột điều ăn liền, điều tẩm mật ong hay tẩm các vị muối, tỏi, tiêu...).
Đối với nhiều doanh nghiệp, việc đóng gói điều nhân xuất khẩu dù không thu nhiều lợi nhuận nhưng dòng tiền được quay vòng nhanh để còn tiếp tục mua điều nguyên liệu và trả tiền nhân công. Còn việc đầu tư chế biến sâu, dù sản phẩm có giá trị cao nhưng hiện chỉ bán ở thị trường nội địa và cũng khá kén chọn khách hàng.
Bên cạnh đó, “các sản phẩm bán được trên thị trường thường phải được đầu tư cả khâu bao bì với thiết kế sang trọng, bắt mắt, do đó, giá vẫn còn cao”, theo lời ông Thanh.
Dù ngành điều mang về gần 1,7 tỉ đô la Mỹ/ năm nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn đang sống bằng tiền đi vay. Hầu như năm nào Vinacas cũng có kiến nghị về nguồn tín dụng và những chính sách hỗ trợ. Năm 2014, theo tính toán của Vinacas, ngành điều cần đến 8.750 tỉ đồng để mua điều thô nguyên liệu trong nước và 520 triệu đô la Mỹ (khoảng 11.000 tỉ đồng) để nhập khẩu điều thô. Phần lớn doanh nghiệp vay tiền trong thời hạn 3-6 tháng nên chỉ kịp mua nguyên liệu, sơ chế và xuất khẩu ngay để nhanh chóng gom tiền trả nợ ngân hàng trước khi tiếp tục một đợt vay mới.
Tham gia chế biến sâu các sản phẩm hạt điều, theo tính toán của các doanh nghiệp, thời gian từ khi đưa sản phẩm ra thị trường đến lúc thu tiền về có khi mất cả năm. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng chịu đựng khi mà nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng. Vì thế, việc gia tăng giá trị hạt điều đối với nhiều doanh nghiệp vẫn là việc “biết rồi, để đó” vì chưa dám mạo hiểm.
Ngọc Hùng
tbktsg
|