Chừng nào mới có khung pháp lý cho các dự án PPP?
Kể từ khi Quyết định 71/2010 được ban hành năm 2010 về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cho đến nay vẫn chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình đầu tư này. Do đó, cho dù có đến 38 dự án đầu tư được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, chưa có dự án nào triển khai được.
Việc chưa hoàn thiện khung pháp lý về hình thức đầu tư PPP đã khiến các dự án được đề xuất vẫn nằm bất động - Ảnh minh họa: Anh Quân
|
Tại buổi tập huấn lập dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông - do Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước (HFIC), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị TPHCM (PADDI) tổ chức tại TPHCM từ ngày 31-3 đến 3-4-2014 đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ông Phạm Đức Tùng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến khung pháp lý của hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam.
Từ khi Quyết định 71/2010 về thí điểm PPP ra đời năm 2010 đến nay đã có 38 dự án được đề xuất, song không có dự án nào được triển khai. Dự thảo lần 4 nghị định về PPP phải đến ngày 25-4 mới trình Bộ Tư pháp, và dự kiến đến tháng 5-2014 dự thảo nghị định cuối cùng mới được trình Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Tùng, sau dự thảo lần 3, nhiều điều khoản đã rõ ràng hơn; tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thấy minh bạch nên chưa thu hút được tư nhân tham gia.
Ông khuyến nghị, nghị định phải có đủ sức thu hút đối với nhà đầu tư tư nhân và cho họ thấy quyền lợi được bảo đảm khi đầu tư. Khi sửa đổi các điều kiện đầu tư PPP cũng cần đổi mới trong lĩnh vực đầu tư công.
Góp ý cho dự thảo lần 4, ông Trần Hồng Hải, Phó trưởng Phòng đầu tư Sửa chữa Sở Tài chính TPHCM, cho rằng lẽ ra nhà đầu tư phải là người đề xuất các điều khoản pháp lý, vì họ là người cần gì và muốn gì ở dự án. Còn các cơ quan nhà nước khi đề xuất có thể không hiểu rõ nhà đầu tư muốn gì và cần gì.
Về tiến độ của nghị định đầu tư PPP mới, ông Hải đặt câu hỏi, chừng nào mới có khung pháp lý về hình thức đầu tư PPP? Vì khi nghị định được ban hành còn phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể. Như vậy, phải mất một thời gian khá dài nữa mới có khung pháp lý cụ thể về hình thức đầu tư PPP.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng, kỹ thuật TPHCM (CII), chia sẻ, hiện nay khung pháp lý đối với hình thức hợp tác công tư chưa hoàn chỉnh nên nhà đầu tư rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia vào các dự án hạ tầng.
Ông dẫn ví dụ về dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (con đường dẫn vào trung tâm TPHCM) được đầu tư từ năm 2009 nhưng đến 2019 mới được thu phí và đến năm 2045 mới kết thúc. Như vậy, với thời gian dài chờ đợi lâu, sẽ rất khó để nhà đầu tư thu hồi vốn nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng, ông Bình đề xuất, đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, Nhà nước phải có cam kết mốc thời gian bàn giao cụ thể với nhà đầu tư, nếu hết mốc thời gian quy định mà mặt bằng chưa giải tỏa xong thì Nhà nước phải bồi hoàn cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư, tránh trường hợp nhà đầu tư chỉ có vốn 50 tỉ đồng mà giao cho dự án 2.500 tỉ đồng thì không có cách nào dự án hoàn thành đúng tiến độ.
TPHCM cần hơn 23.000 tỉ đồng mỗi năm để đầu tư cho hạ tầng
Theo dự báo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ nay đến năm 2015 TPHCM cần 71.220 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng. Từ năm 2015 đến 2020 cần 326.277 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng.
Như vậy từ nay đến năm 2015, mỗi năm TPHCM cần khoảng 23.740 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng.
Trong khi đó, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu vốn mỗi năm (khoảng 3.400 tỉ đồng), và nếu tính cả vốn ODA và vốn ngoài ngân sách thì cũng chỉ đáp ứng được 8.000 tỉ đồng, tức khoảng 30% nhu cầu mỗi năm.
Vì vậy, việc sớm hoàn thiện khung pháp lý đầu tư PPP sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án hạ tầng của thành phố, giúp giải quyết phần nào bài toán về thiếu vốn cho hạ tầng.
|
Lê Anh
thời báo kinh tế sài gòn
|