Thứ Sáu, 04/04/2014 13:03

Bà Quách Thùy Linh (VCBS): Quý 2, kịch bản giằng co đi ngang chiếm ưu thế

Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng VCB (VCBS), cho rằng vùng giá 550-560 là vùng hỗ trợ rất tốt cho thị trường. Khi VN-Index rơi vào vùng này động lực bắt đáy trở lại và đợt tăng mới trong giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ bắt đầu.


Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng VCB (VCBS)

Theo bà, yếu tố nào sẽ chi phối đến thị trường nhiều nhất trong quý 2/2014? Và xét riêng trong tháng 4 này thì sao?

Tôi nhìn nhận diễn biến của nền kinh tế vẫn là yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán, không chỉ trong quý 2 sắp tới mà còn cả năm 2014. Các số liệu về tình hình kinh tế xã hội quý 1 vừa được công bố cho thấy nền kinh tế duy trì đà phục hồi từ từ, tuy nhiên cũng chỉ như kỳ vọng trước đó của thị trường và chưa thực sự bứt phá. Theo đó, tôi cho rằng mức tăng điểm ấn tượng của thị trường trong quý 1 (khoảng 18% với VN-Index và hơn 30% với HNX-Index) có thể coi như đã phản ánh rõ, thậm chí còn có phần rời xa diễn biến thực tế của nền kinh tế.

Vào quý 2, tôi cho rằng nền kinh tế sẽ khó có những chuyển biến mang tính đột phá. Vì vậy, khả năng thị trường tăng điểm mạnh từ mặt bằng giá cao như hiện tại là khá thấp, Thay vào đó, kịch bản giằng co đi ngang hoặc tăng nhẹ để củng cố mặt bằng giá nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế.

Riêng trong tháng 4 tới đây, diễn biến của thị trường nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu do đây là thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 1 và Đại hội đồng cổ đông thường niên của các doanh nghiệp niêm yết. Sự phân hóa này không hẳn là theo nhóm ngành mà phụ thuộc vào quy mô, thị phần, nền tảng cơ bản của từng doanh nghiệp. Các mã đầu ngành, có cơ bản tốt và thị phần lớn sẽ tỏ ra nổi trội.

Dòng tiền hiện đang khá mạnh, liệu điều này có duy trì được trong quý 2 hay không, thưa bà? Và xu hướng thị trường đến cuối năm sẽ ra sao?

Với việc thanh khoản thị trường tăng mạnh trong quý 1 thì có thể thấy thị trường chứng khoán hiện đang tạo được sức hút lớn đối với dòng tiền. Mặc dù vậy, khi phân tích kỹ hơn, dòng tiền này có đóng góp không nhỏ của dòng tiền nóng với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao từ phía các nhà đầu tư trong nước. Trong khi đó, khối ngoại đã liên tục bán ròng mạnh trong tháng 3 với tổng giá trị bán ròng lên đến hơn 2,200 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Như vậy, khi thị trường chứng khoán có những diễn biến không thuận lợi, rủi ro ở mức cao hoặc triển vọng tăng điểm của thị trường không nhiều trong ngắn hạn thì nhiều khả năng dòng vốn nóng như kể trên sẽ rút ra và tạo áp lực giảm lên thị trường. Tuy nhiên, đó là diễn biến ngắn hạn. Về trung và dài hạn, tôi vẫn đánh giá thị trường chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2014. Theo đó, việc rút ra, nếu có, cũng là tạm thời đứng ngoài để chờ đợi những cơ hội tốt hơn.

Vùng giá 550-560 có thể coi như là vùng hỗ trợ rất tốt cho thị trường. Thị trường đã tăng mạnh trong quý 1 nhưng với mức giảm khoảng 50 điểm thì cũng là quá đủ để động lực bắt đáy trở lại. Kinh tế đang đi đúng hướng, là nền tảng tốt cho thị trường ổn định trở lại, không bị lao dốc. Việc giảm chỉ là điều chỉnh sau một thời gian tăng nóng và tạo nền tảng để thị trường hình thành một đợt tăng mới trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Bà đánh giá thế nào về làn sóng cổ phần hóa DNNN và thoái vốn của SCIC? Điều này có tác động thế nào đến thị trường?

Tôi đánh giá việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là thông tin tích cực. Sau cổ phần hóa, các DNNN được kỳ vọng sẽ có hoạt động hiệu quả hơn và từ đó tác động tốt đến nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Quá trình này kết hợp với việc thoái vốn của SCIC cũng sẽ tạo một áp lực cung nhất định lên thị trường. Tuy nhiên, khi nhìn nhận từ góc độ tích cực thì trong đó cũng bao gồm khá nhiều Tổng công ty lớn, đầu ngành, góp phần tạo thêm nguồn cổ phiếu chất lượng hơn cho thị trường.

Ngược lại, với việc thị trường chứng khoán đã và đang có sự khởi sắc trong hai năm trở lại đây kết hợp với dự thảo nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài kỳ vọng sắp được thông qua thì cầu có thể sẽ cân bằng tương đối với lượng cung này. Vì vậy tôi cho rằng áp lực cung tăng lên cũng không phải đáng ngại.

Còn về Thông tư 09 vừa được NHNN ban hành, bà cho rằng sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng như thế nào? Qua đó, có ảnh hưởng gì đến các cổ phiếu ngân hàng trên sàn hiện nay không?

Thông tư 09/2014/TT-NHNN (TT09) sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 02/2013/TT-NHNN (TT 02) với 3 nội dung cơ bản bao gồm:

(1) Lùi thời hạn áp dụng quy định sử dụng kết quả phân loại của trung tâm thông tin tín dụng (CIC): Theo quy định ban đầu, các TCTD phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ do CIC cung cấp để điều chỉnh kết quả phân loại nợ; trong trường hợp các món nợ đang được phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro thấp hơn kết quả do CIC cung cấp, TCTD phải điều chỉnh kết quả phân loại theo CIC. Quy định này được hoãn áp dụng đến 1/1/2015.

(2) Bổ sung quy định về các khoản nợ vi phạm pháp luật: Trường hợp các khoản nợ vi phạm pháp luật hoặc các khoản nợ phải thu hồi theo quyết định của thanh tra được phân loại vào các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau thì TCTD phải áp dụng mức độ rủi ro cao nhất. Các khoản nợ thuộc đối tượng này tối thiểu được phân loại vào nhóm 3.

(3) Bổ sung quy định cho phép các TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 20/03/2014 đến 01/04/2015.

Trong các sửa đổi trên, nội dung số (1) và số (3) giúp làm giảm áp lực trích lập dự phòng lên các ngân hàng trong năm 2014. Quy định về phân loại các khoản nợ vi phạm pháp luật và bị buộc thu hồi theo hướng siết chặt hơn nhưng do đối tượng điều áp dụng đặc thù nên mức ảnh hưởng sẽ không đáng kể.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng những thay đổi này là sự lựa chọn “cực chẳng đã” nhằm tránh những cú sốc lớn đối với toàn hệ thống ngân hàng nếu như TT 02 được áp dụng triệt để theo đúng các quy định ban đầu.

Về ảnh hưởng của TT 09 đến cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, trong ngắn hạn, như phân tích ở trên, áp lực trích lập dự phòng được giảm xuống sẽ phần nào ảnh hưởng tích lực lên triển vọng kết quả kinh doanh do đó ngay khi thông tư được ban hành cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã có phản ứng tăng điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là phản ứng tạm thời trong ngắn hạn. Triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào các diễn biến về lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng trong thời gian tới đây. Điều này được quyết định bởi năng lực kinh doanh và khả năng quản trị rủi ro của từng ngân hàng còn việc sửa đổi thông tư 02 chỉ là một yếu tố bổ trợ về mặt chính sách chung.

Mỹ Hà thực hiện

công lý

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 03/04: Thị trường sẽ cân bằng trở lại! (02/04/2014)

>   Thị trường sẽ điều chỉnh đến khi nào? (02/04/2014)

>   Ông Trương Thanh Hải (SHS): Không nên quá kỳ vọng vào đầu tư “ăn theo” ETF (02/04/2014)

>   SSI: Thị trường có xu hướng giảm về vùng 565 điểm (01/04/2014)

>   Góc nhìn 02/04: Giằng co trong xu hướng giảm (01/04/2014)

>   Mốc 600 điểm và lời khuyên phân bổ danh mục đầu tư (01/04/2014)

>   Thị trường tháng 4: Rủi ro xuất hiện! (01/04/2014)

>   Thị trường tháng 4: Rủi ro xuất hiện! (01/04/2014)

>   Góc nhìn 01/04: Kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ! (31/03/2014)

>   Ngày 01/04: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (01/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật