Thứ Hai, 24/03/2014 08:41

Vụ trưởng Vụ Chính sách: Không che giấu nợ xấu

Đó là khẳng định của ông Phạm Huyền Anh - vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tư 09 (sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 02 về phân loại nợ) vừa được ban hành.

* Thông tư 09: Ngân hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến 01/04/2015

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh kết quả phân loại nợ sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn, ổn định sản xuất

Ông Huyền Anh nói: “Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn, mục đích của thông tư 09 là hỗ trợ và tạo điều kiện để cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn tín dụng, ổn định và phát triển sản xuất, không phải chịu lãi suất cao do có nợ xấu”.

* Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu tiếp tục được che giấu sau khi NHNN ban hành thông tư 09 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa phải điều chỉnh nhóm nợ có rủi ro cao nhất?

- Hoàn toàn không có chuyện che giấu nợ xấu ở đây. Vì TCTD vẫn phải tự phân loại nợ và gửi cho Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để tổng hợp theo nguyên tắc một khoản nợ của cùng một khách hàng phải được phân loại vào nhóm nợ có độ rủi ro cao nhất. CIC sẽ cung cấp cho các TCTD kết quả tổng hợp phân loại nợ để TCTD quản lý chất lượng tín dụng, quản trị rủi ro. Tuy nhiên, TCTD chưa phải điều chỉnh việc phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của CIC đến hết năm nay.

Để giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng và nợ xấu, Cơ quan Thanh tra giám sát NH sẽ sử dụng kết quả tổng hợp phân loại nợ của CIC. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ yêu cầu TCTD phải phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của CIC. Tôi xin khẳng định là không có chuyện che giấu, giấu giếm nợ xấu ở đây.

* Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì qua việc tiếp tục được cơ cấu lại nợ?

- Như tôi nói ở trên, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Do đó, NHNN đã cho phép các TCTD được phép cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết quý 1-2015.

Điều đó đồng nghĩa với việc các khoản nợ đáng ra phải trả đúng hạn thì nay tiếp tục được kéo dài thời gian trả và không bị xếp vào nhóm có độ rủi ro hơn. Đơn cử, một doanh nghiệp A có khoản vay tại NH B. Theo hợp đồng vay vốn, doanh nghiệp sẽ phải trả vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, với hướng dẫn mới thì doanh nghiệp được lui dài thời hạn trả nợ muộn hơn so với hợp đồng đã ký. Đồng thời, khoản vay của doanh nghiệp này được giữ nguyên nhóm nợ. Như vậy, doanh nghiệp có lợi quá chứ. Bởi trong lúc thị trường còn nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm thì việc được kéo dài thời gian trả nợ vốn vay NH góp phần hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không phải khoản nợ nào cũng được áp dụng chính sách trên. Để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, NHNN bổ sung quy định các điều kiện chặt chẽ hơn khi thực hiện việc gia hạn nợ.

* Khoản nợ như thế nào sẽ được tiếp tục gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ?

- Các TCTD được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Cụ thể, vốn phải được sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng...

* Để ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ mà giấu nợ xấu, các TCTD phải đảm bảo yêu cầu chặt chẽ hơn là gì?

- NHNN đặt ra một loạt yêu cầu buộc các TCTD phải đảm bảo khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể, TCTD phải có cơ chế kiểm soát nội bộ đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đảm bảo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Đối với từng khoản nợ, TCTD phải kiểm soát lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần duy nhất...

Mặt khác, TCTD phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại. Trường hợp khoản nợ đã được gia hạn rồi mà đến hạn vẫn không trả được thì TCTD phải phân loại khoản nợ đó vào nhóm nợ có độ rủi ro cao hơn.

Thêm cơ hội kinh doanh

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc NH OCB, với việc cho phép các NH chưa điều chỉnh kết quả phân loại nợ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để tiếp tục kinh doanh. “Việc điều chỉnh kết quả phân loại nợ là nên làm nhưng trong thực tế doanh nghiệp vừa trải qua thời kỳ rất khó khăn, nhiều khoản vay phát sinh trước đây bị lỗ, đã chuyển thành nợ xấu. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có các phương án kinh doanh tốt, đảm bảo trả nợ và trang trải một phần cho những khoản nợ xấu khác. Nếu chuyển đồng loạt các khoản vay sang nợ xấu, những phương án đang kinh doanh hiệu quả cũng sẽ bị dừng ngay vì về nguyên tắc NH sẽ không cho vay nữa mà tập trung thu nợ, chặn hết khả năng hồi phục của doanh nghiệp” - ông Tùng nói. Cũng theo ông Tùng, dù tồn kho vẫn cao, sức mua giảm, dòng tiền về không như ban đầu không có nghĩa là doanh nghiệp không có khả năng trả nợ cho NH mà sẽ trả nợ theo chu kỳ dài hơn. Do vậy quy định này giúp doanh nghiệp không bị áp lực quá lớn về dòng tiền trong điều kiện kinh doanh còn đang khó khăn.

Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho rằng nền kinh tế chưa có những chuyển biến mạnh mẽ thì việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp bớt đi những khó khăn là điều nên làm. NH trên cơ sở đó cũng có nhiều điều kiện để tạo ra cơ chế mềm hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

ÁNH HỒNG

Lê Thanh

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Giảm lãi suất, ai vay? (24/03/2014)

>   Cần nhưng chưa đủ? (23/03/2014)

>   Đã xuất hiện gói tín dụng 50,000 tỷ đồng cho bất động sản (22/03/2014)

>   Bỏ trần lãi suất huy động là hợp lý (22/03/2014)

>   Những cục tiền ngàn tỷ "đầy ám ảnh" của ACB nay ra sao? (21/03/2014)

>   VietinBank: Chi nhánh Vân Đồn chính thức đi vào hoạt động (21/03/2014)

>   Kỳ vọng từ đột phá chính sách (21/03/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước đã làm gì với gói 30 nghìn tỷ? (21/03/2014)

>   Vạn Thịnh Phát rút khỏi Ngân hàng SCB? (21/03/2014)

>   Vietcombank đầu tư dài hạn gần 2,100 tỷ đồng vào 4 nhà băng (21/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật