Thứ Tư, 05/03/2014 22:55

Chủ tịch VFA: Chính phủ chưa chắc mua tạm trữ lúa gạo

Trước tình hình chính trị Thái Lan còn nhiều bất ổn, liên quan nhiều đến chính sách mua hỗ trợ lúa gạo cho nông dân, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng nguồn cung thế giới có khả năng tăng mạnh, giá giảm. Vì vậy, Việt Nam có thể không mua tạm trữ lúa gạo.

Ông Trương Thanh Phong

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Làn sóng biểu tình của nông dân Thái Lan về chương trình mua hỗ trợ lúa gạo kết thúc dường như đang tạo sự hồi hộp lên các nước xuất khẩu gạo, thưa ông?

Ông Trương Thanh Phong: Hiện Thái Lan đang ở trong tình trạng “khủng hoảng” về chính trị lẫn kinh tế. Mà kinh tế ở đây là chương trình hỗ trợ giá lúa gạo đầy tranh cãi của Thái Lan trong thời gian qua.

Mục đích của chương trình hỗ trợ giá lúa, gạo mà Thái Lan đưa ra, theo những người đưa ra chính sách này là hy vọng việc mua lúa, gạo với giá cao cho nông dân và giảm lượng xuất khẩu sẽ đẩy giá gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, thực tế, giá gạo trong nước tăng nhưng giá gạo trên thị trường thế giới giảm. Và từ đây, Thái Lan đã tạo ra một hình ảnh giá gạo tăng quá cao nhờ chính sách, tức là giá gạo không đúng giá thật của nó.

Ngày 28-2 vừa qua, Thái Lan đã kết thúc chương trình hỗ trợ giá lúa gạo này và để có tiền trả cho nông dân họ sẽ phải bán ra thị trường thế giới với một số lượng lớn. Dự kiến mỗi tháng Thái Lan sẽ bán ra thị trường 1 triệu tấn gạo để giải quyết tồn kho. Nếu nông dân Thái cũng bán ra thị trường khoảng 5 triệu tấn gạo trong vụ dự kiến thu hoạch từ tháng 3, giá gạo Thái sẽ giảm thêm và tác động đến giá gạo trên thị trường thế giới.

Nói thêm một chút, không chỉ Việt Nam mà cả các nước xuất lẫn nhập khẩu gạo lớn đều chờ những động thái của Thái Lan trước khi đưa ra một quyết định mua bán.

Hiện châu Phi, Trung Quốc, hai thị trường nhập khẩu gạo lớn đang án binh bất động vì đang chờ những diễn biến của Thái Lan trước khi mua vào, còn các nước ở châu Á khác, hiện họ chưa có nhu cầu mua gạo.

Từ chuyện của nước bạn, nhìn lại việc mua tạm trữ của Việt Nam cũng có nét tương đồng. Vậy từ bài học đó, Việt Nam có tiếp tục duy trì chương trình tạm trữ lúa gạo nữa không?

- Chương trình mua tạm trữ lúa gạo những năm về trước đã phát huy tác dụng, giúp nông dân có lãi ít nhất 30% nhưng từ năm 2012 chương trình này đã không còn hiệu quả.

Vì thế, năm nay Việt Nam có mua tạm trữ lúa gạo hay không đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Hiện Thái Lan còn tồn kho khoảng 15 triệu tấn gạo và trong năm nay, con số đó có thể lên đến 20 triệu tấn. Và trước sau gì họ cũng bán ra, vấn đề là thời điểm nào trong năm mà thôi. Vì thế, nếu Việt Nam cũng tạm trữ một số lượng lớn gạo hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến giá xuất khẩu.

Do đó, chúng tôi cho rằng, chính sách tạm trữ lúa gạo đã không còn phù hợp.

Nhưng nếu vậy, nông dân sẽ thiệt thòi khi gạo rớt giá?

- Theo tôi, cách được cho là tối ưu nhất hiện nay là Chính phủ thông qua một số doanh nghiệp để mua lúa, gạo từ nông dân, sau đó, đến thời điểm được giá thì bán ra và nếu có lãi, Chính phủ dùng để tiếp tục hỗ trợ nông dân, còn không may bị lỗ thì Chính phủ phải gánh.

Về phía hiệp hội, chúng tôi đã kiến nghị cho lập một quỹ ngành hàng để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân và đã được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, sớm nhất, phải đến 2015 quỹ này mới đi vào hoạt động được.

Vậy nông dân sẽ phải xoay xở thế nào trước những dự báo không mấy sáng sủa đó, thưa ông?

- Hiện giá lúa khô mua tại ruộng đối với lúa hạt dài từ 5.450 -6.150 đồng/kg, lúa thường từ 5.050 – 5.850 đồng/kg. Tuy nhiên, với những gì tôi đã nói ở trên và thời gian tới tình hình diễn ra đúng như vậy thì chắc chắn giá lúa, gạo nội địa sẽ không cao. Chúng tôi chỉ cố gắng để nông dân không phải bán lúa thấp hơn giá thành.

Tuy nhiên, mọi việc không chỉ toàn màu đen. Nếu nông dân nào nghe khuyến cáo của VFA là trồng nhiều lúa thơm, cấp cao, hạt dài thì vẫn bán được giá cao. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu gần 50% lượng gạo từ Việt Nam trong năm 2013 đang có nhu cầu lớn. Hiện chúng ta chưa xuất gạo chính ngạch sang thị trường này nhưng xuất tiểu ngạch vẫn tốt với số lượng ổn định mỗi ngày.

Còn những hộ dân nào trồng các loại lúa cấp thấp như IR 50404 … sẽ khó bán được giá cao vì phân khúc thị trường gạo cấp thấp của Việt Nam không thể cạnh tranh được với Ấn Độ, Pakistan, đặc biệt là Myanmar. Hiện Myanmar bán gạo 25% tấm với giá 310-320 đô la Mỹ/tấn.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Tùng thực hiện

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo tháng Hai tăng cả về số lượng và giá (05/03/2014)

>   ĐBSCL phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 1,75 tỷ USD (05/03/2014)

>   Dự án nông nghiệp vay nghìn tỷ: Nhà băng nào dám mở hầu bao? (05/03/2014)

>   Thái Lan: EC chấp thuận đề nghị thanh toán nợ trợ giá gạo (05/03/2014)

>   Doanh nghiệp kiến nghị gỡ khó cho xuất khẩu gạo (04/03/2014)

>   Đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột” tại Trung Quốc (03/03/2014)

>   WB kêu gọi Philippines dỡ bỏ hạn ngạch nhập gạo (03/03/2014)

>   Kỳ vọng vào gạo thơm (03/03/2014)

>   Nhiều chính sách hỗ trợ DN kinh doanh cà phê (02/03/2014)

>   Gỡ “nút thắt” đầu tư vào nông nghiệp (27/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật