WB kêu gọi Philippines dỡ bỏ hạn ngạch nhập gạo
Trang tin InterAksyon dẫn lời ông Rogier van den Brink, chuyên gia kinh tế về Philippines của Ngân hàng Thế giới (WB), kêu gọi chính phủ Philippines dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo nhằm kiểm soát giá lương thực và hạn chế nghèo đói lan rộng trên cả nước.
Ông van den Brink cho biết mặc dù có sự nghiên cứu và phát triển tốt, công tác khuyến nông và thủy lợi, hoạt động tiếp thị gạo tương đối tốt hơn so với các nước láng giềng, song Philippines vẫn không có khả năng tự cung tự cấp gạo đủ cho nhu cầu của người dân nước này, do giá gạo trong nước cao nhất thế giới.
Chuyên gia kinh tế của WB đổ lỗi cho hệ thống hạn ngạch nhập khẩu (QR) hiện tại đang thúc đẩy tham nhũng trong chính sách lúa gạo của Philippines. Ông nói rằng việc hạn chế nhập khẩu gạo đang tạo ra sự bất ổn trong khu vực tư nhân và chính điều này đã đẩy giá gạo tăng cao.
Ông gợi ý chính phủ Philippines nên loại bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo và chỉ áp thuế để bảo vệ nông dân trong nước. Ông cảnh báo rằng nếu chính sách QR tiếp tục, nó có thể dẫn đến giá gạo tăng cao do gạo chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ lương thực của người dân Philippines.
Ông kêu gọi một chính sách mới có khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đồng thời làm giảm giá lương thực - được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo đang ngày càng tăng ở nước này .
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ kế hoạch kinh tế xã hội Philippines Arsenio Balisacan M. cho biết việc loại bỏ QR và áp thuế quan không dễ dàng do cam kết về khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, ông cho rằng chính phủ Philippines đang nỗ lực vừa bảo vệ nông dân vừa tránh gây phương hại đến những người sống dưới mức đói nghèo.
Hiện chính phủ Philippines vẫn đang bàn bạc có nên tiếp tục giữ hạn ngạch nhập khẩu gạo sau khi ưu đãi nhập khẩu theo Hiệp định chung về thuế quan và Thương mại (GATT) tiền thân của WTO đã hết hạn vào tháng 6/2012.
Bộ Tư pháp Philippines đã đề nghị dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo do chính sách này vi phạm luật pháp quốc tế./.
Mai Ly
vietnam+
|