Thứ Năm, 27/02/2014 11:21

WhatsApp sẽ làm giảm lãi suất - vì sao?

Thương vụ Facebook mua lại WhatsApp với chi phí kỷ lục lên đến 19 tỉ đô-la vẫn tiếp tục là đề tài bàn tán, không chỉ trong người dùng bình thường mà còn ở giới kinh tế gia.

Hôm qua, 26-2-2014, một cựu quan chức tài chính cấp cao của Mỹ cho rằng vụ mua bán WhatsApp sẽ có tác dụng ngoại ý là làm giảm lãi suất.

Ý của ông Larry Summers, người từng được nhắm vào chức vụ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay cho Ben Bernanke, được báo chí Mỹ giải thích như thế này: Nếu người ta không còn cần đến một lượng vốn lớn để khởi nghiệp hay một lượng vốn lớn để gầy dựng doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thì tiền sẽ nằm yên trong tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, không biết chạy đi đâu. Và nếu tiền không biết chạy đi đâu do cầu thấp, rõ ràng lãi suất sẽ giảm nữa.

Ông Larry Summers từng làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, một vai trò được xem là người vạch ra đường lối chính sách kinh tế cho chính quyền Obama. Trước đó ông làm chủ tịch Đại học Harvard và là Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ năm 1999 đến năm 2001.

Hôm qua tại một hội nghị chuyên về kinh doanh tại Virginia, Summers nhận xét rằng các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay như Apple hay Google đều dư thừa tiền mặt, không biết làm gì. Trong khi đó các doanh nghiệp như WhatsApp được định giá cao hơn cả Sony trong khi hầu như không cần vốn đầu tư gì bao nhiêu cả. “Cứ suy ngẫm một thực tế là trước đây cần hàng chục triệu đô-la để khởi sự một doanh nghiệp mới. Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, doanh nghiệp mới khởi nghiệp chỉ cần vốn mồi chừng vài trăm ngàn đô-la mà thôi”, Summers nói.

Ông kết luận: “Tất cả những điều này có nghĩa nhu cầu đầu tư giảm, tạo ra những hệ quả cho dòng chảy của [đồng vốn] – những hệ quả cho mức độ cân bằng lãi suất”.

Larry Summers nhận xét, còn các yếu tố khác gây áp lực giảm lãi suất thực: hậu quả của việc giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, tỷ lệ gia tăng dân số nước Mỹ giảm, phân phối thu nhập không bình đẳng, làm cho một số người rất giàu có càng có thêm tiền để đầu tư và cuối cùng là xu hướng toàn cầu khi người dân bỏ tiền vào các tài sản an toàn, thường được định giá bằng đô-la Mỹ.

Nhà đầu tư mà càng ít có cơ hội đầu tư để đồng tiền sinh sôi nảy nở sẽ cho đồng tiền của mình chạy quanh, chợp lấy cơ hội khi nảy sinh bất kể giá cả - và theo quy luật lúc đó lãi suất, tức là chi phí sử dụng đồng tiền sẽ giảm mạnh.

Trước đó, giáo sư Robert Reich của trường Chính sách Công Goldman thuộc đại học Berkley cho rằng thương vụ WhatsApp là biểu hiện cho sự “nhầm đường, lạc lối” của nền kinh tế Mỹ. Ông từng là Bộ trưởng Lao động thời Bill Clinton.

Facebook mua WhatsApp với giá còn cao hơn những gì Facebook huy động được khi lần đầu lên sàn chứng khoán và gấp đôi giá Microsoft trả để mua Skype. Tính ra trị giá WhatsApp còn cao hơn giá trị thị trường của Sony, một tập đoàn điện tử lâu năm với bề dày lịch sử khó lòng so sánh.

Ý của GS Robert Reich là thương vụ này nói lên sự bất bình đẳng ngày càng lớn của nền kinh tế Mỹ khi các giá trị được tính bằng số người dùng dịch vụ chứ không phải bằng tài sản thật sự. Ngay cả mô hình Facebook cũng vậy, giá trị của nó càng cao khi càng có nhiều người sử dụng nó, cung cấp thông tin cho nó để Facebook tận dụng thông tin để kết nối mọi người và... quảng cáo.

Vấn đề ở chỗ, theo GS Reich, nền kinh tế như thế thì không sản sinh thêm công ăn việc làm. WhatsApp chỉ cần 55 nhân viên để phục vụ cho 450 triệu người dùng. Các công việc bình thường ngày càng dần biến mất, chẳng hạn công việc bán lẻ khi người tiêu dùng sử dụng Amazon để mua sắm.

Như thế năng suất nhìn chung sẽ tăng, lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng sẽ tăng trong khi công việc và lương bổng không tăng chút nào cả. “Trừ phi chúng ta nghĩ ra cách bình quân mọi điều trở lại – hay chia sớt lợi nhuận bình đẳng hơn – nền kinh tế của chúng ta không thể tạo ra đủ cầu để tự tồn tại và xã hội chúng ta sẽ không duy trì được sự cố kết để mọi người liên kết được với nhau,” GS Reich kết luận.

Nguyễn Vũ

tbktsg

Các tin tức khác

>   Hãng hàng không Qantas sắp cắt giảm 5.000 việc làm (27/02/2014)

>   Repsol đồng ý đề xuất bồi thường 5 tỷ USD của Argentina (26/02/2014)

>   Thái Lan trích quỹ 22 triệu USD thanh toán tiền trợ giá gạo (25/02/2014)

>   Liên minh quán càphê ở Hàn Quốc kiện Microsoft (25/02/2014)

>   LG quyết tìm lại vị thế hãng điện thoại thứ 3 thế giới (24/02/2014)

>   Tinh giản quy trình xuất/nhập khẩu đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ (23/02/2014)

>   "Ông lớn" VW chi hơn 9 tỷ USD thâu tóm hãng xe tải Scania (23/02/2014)

>   Giá nhà Singapore giảm (23/02/2014)

>   Anh điều tra cáo buộc ngân hàng "làm khó" doanh nghiệp (22/02/2014)

>   Hãng Tesla khẳng định đã có đàm phán với Apple (21/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật