Thứ Năm, 27/02/2014 22:35

Gỡ “nút thắt” đầu tư vào nông nghiệp

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, song, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp lại chưa nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà đầu tư. Thậm chí, đầu tư vào nông nghiệp còn giảm dần theo thời gian.

Giảm lực hấp dẫn

Theo Bộ KH&ĐT, nếu năm 2001, FDI đầu tư vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI vào VN, thì đến năm 2006 con số này chỉ còn 7,4%, năm 2007 còn 5,37%, năm 2008 là 3% và các năm 2009, 2010, 2011 chỉ còn 1%. Tính lũy kế trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đến tháng 12/2011, có hơn 490 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 3,2 tỷ USD, trong đó các đối tác châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Thái Lan…) chiếm 55% tổng vốn đăng ký đầu tư. Các đối tác từ Liên minh châu Âu (EU) đầu tư vào lĩnh vực này cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, như các dự án của các doanh nghiệp British Virgin Islands có vốn đầu tư đăng ký chiếm khoảng 10%, từ doanh nghiệp Pháp chiếm khoảng 7%.

Không những ít, phân bổ vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không đồng đều. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI chỉ tập trung vào một số ngành như chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào nông nghiệp. Trong khi đó, các ngành chế biến nông sản, thủy sản thì rất ít.

Để "trụ đỡ” không bị lung lay

Nguyên nhân chính của thực trạng này, chủ yếu vẫn do các nhà đầu tư e ngại vì tính rủi ro cao của lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đối với kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư bày tỏ, mức độ rủi ro vì thiên tai, địch họa (mất mùa, hạn hán, lũ lụt…), thu hồi vốn chậm đang là trở ngại chính khiến họ e ngại khi tham gia vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, ngoài các yếu tố như rủi ro cao do thường xuyên bị thiên tai và dịch bệnh tàn phá, đầu tư FDI vào nông nghiệp có lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm; sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn ở quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún, nhất là công tác xúc tiến FDI vào nông nghiệp thiếu bài bản, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng, thiếu nguồn lực và kinh phí khi triển khai xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm.

Nói về những bất cập trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, bởi tính chất nhiều rủi ro của kinh tế nông nghiệp, nên không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí nhiều DN trong nước cũng e ngại khi đứng trước sự lựa chọn: Có nên đầu tư vào lĩnh vực kinh tế nông nghiệp hay không?

Trong khi đó, cũng đồng vốn đó, nhà đầu tư có thể đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến… và lợi nhuận thu về nhanh hơn, ít rủi ro hơn. Bởi thế, đương nhiên, nhà đầu tư sẽ không lựa chọn nông nghiệp để "nhảy” vào để rồi vừa làm vừa trong tâm trạng "ngồi trên lửa”.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tương lai của ngành nông nghiệp trong việc thu hút FDI cũng không đến mức quá "mờ mịt” nếu như chúng ta xóa được những rào cản đã và đang gây trở ngại cho các nhà đầu tư.

Theo TS Thắng, một trong số những việc cần làm ngay đó là phải có những điều tiết thích hợp trong chính sách nhằm khuyến khích DN FDI đầu tư vào nông nghiệp theo những mục tiêu đã định. Cùng với đó, là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để giảm thiểu những khó khăn cho các DN. Ngoài ra, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao không chỉ là mong mỏi của riêng nhà đầu tư mà còn là của chính người nông dân hiện nay. "Chúng ta đang sản xuất một cách tự phát, nhỏ lẻ và manh mún… Đó là nguyên nhân khiến cho người nông dân thường xuyên chịu cảnh được mùa mất giá, mất mùa được giá thời gian qua. Đây chính là nút thắt lớn nhất của vấn đề e ngại trong việc đầu tư vào nông nghiệp của các nhà đầu tư, DN” - ông Thắng nhận định.

Bởi vậy, nếu như gỡ được "nút thắt” này bằng cách cải thiện các cơ chế về tín dụng, lãi suất, đất đai… thì những mối lo về vùng nguyên liệu có lẽ sẽ không phải là vấn đề nặng nề đối với cả nhà đầu tư cũng như nhà sản xuất.

Có lẽ, đã đến lúc, các nhà làm quản lý cần có cái nhìn dài hơi hơn trong vấn đề thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Bởi khi có một nguồn lực mạnh dành cho lĩnh vực này, bệ đỡ của nền kinh tế chắc chắn khó có thể lung lay.

Minh Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   PVN, EVN sẽ “đoạn tuyệt” với bất động sản? (27/02/2014)

>   70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (27/02/2014)

>   Khó khăn, doanh nghiệp đua nhau ở ghép (27/02/2014)

>   Cựu Phó tổng giám đốc Vinalines hầu tòa (27/02/2014)

>   Luật Nông trại Mỹ - Rào cản mới với cá tra Việt Nam (27/02/2014)

>   Hyundai bỏ đi, Trường Hải bị cắt ưu đãi ngàn tỷ tiền thuế (27/02/2014)

>   Bộ NN&PTNT vào cuộc vụ "Rừng Toàn Cầu" (26/02/2014)

>   Kim ngạch xuất khẩu điều năm 2014 sẽ đạt 1,8 tỷ USD (26/02/2014)

>   Hơn 100 doanh nghiệp đóng tàu ngoại đến VN (26/02/2014)

>   3 ngộ nhận về kinh tế Nhà nước và Doanh nghiệp Nhà nước (26/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật