Chủ Nhật, 02/03/2014 11:04

Nhiều chính sách hỗ trợ DN kinh doanh cà phê

Mới đây, trong kiến nghị gửi đến Ban Dân nguyện- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các DN kinh doanh cà phê trong nước để giảm bớt khó khăn cũng như giúp các DN có điều kiện tồn tại trước sự cạnh tranh không cân sức với các DN nước ngoài có nguồn lực về vốn và kinh nghiệm.

Nhiều ưu đãi về thuế, cho thuê đất

Vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình, Bộ Tài chính cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các DN kinh doanh cà phê, thời gian qua Bộ Tài chính đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các DN kinh doanh cà phê.

Về chính sách thuế GTGT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT. Cụ thể: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ trong khâu kinh doanh thương mại không phải chịu thuế GTGT.

Với quy định trên, nếu cơ sở kinh doanh thương mại nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bán nông sản, lâm sản, thủy sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho cơ sở kinh doanh khác nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì không phải xuất hóa đơn có thuế GTGT; còn bán cho hộ, cá nhân hoặc tổ chức khác là người nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT hoặc không phải là đối tượng nộp thuế thì vẫn phải tính thuế GTGT.

Về chính sách tiền thuê đất, Bộ Tài chính cho biết, đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (trong đó có đất trồng cây cà phê) được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất. Quy định về nộp tiền thuê đất, chính sách ưu đãi về miễn tiền thuê đất với mức ưu đãi (miễn 3 năm, 7 năm, 11 năm, 15 năm, hoặc cả thời gian thuê đất tùy thuộc dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư (khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư) được đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư (địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định tại chính sách thu tiền thuê đất (Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ).

Về quy định về nộp tiền sử dụng đất, chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất với mức ưu đãi (giảm 20%, giảm 30%, giảm 50%), miễn tiền sử dụng đất tùy thuộc dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư (khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư) được đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư (địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thực hiện theo quy định tại chính sách thu tiền sử dụng đất (Nghị định số 198/2004/NĐ-CP, Nghị định số 44/2008/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngoài ra, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ quy định chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất tùy theo Dự án thuộc loại dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư; đồng thời dự án nông nghiệp nếu đáp ứng 1 trong 3 loại dự án nêu trên thì được hưởng chính sách ưu đãi về mức giá thuê đất thấp nhất theo khung giá thuê đất do UBND cấp tỉnh quy định.

Khoanh nợ cho các DN

Về tạm trữ cà phê, Bộ Tài chính đã có công văn số 12545/BTC -TCDN ngày 19-9-2013 đề nghị Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ cho tạm trữ khi giá cà phê thị trường xuống dưới giá thành và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Cà phê quyết định lượng mua, phương thức mua tạm trữ theo nguyên tắc: DN thu mua cà phê để tạm trữ và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Vốn mua cà phê tạm trữ được các ngân hàng thương mại đảm bảo cho vay với lãi suất phù hợp được Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí tạm trữ.

Để khoanh nợ cho các DN kinh doanh cà phê, Chính phủ cũng đã có nhiều quy định cụ thể. Theo đó, gia hạn thời gian vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê theo Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 133/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trước đó về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Trong đó quy định cụ thể như sau: “Gia hạn thời gian vay vốn lên tối đa là 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu cà phê, hạt điều đã qua chế biến, rau quả, thủy sản với điều kiện DN lỗ trong năm 2011 và năm 2012; không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam”.

Như vậy, trong thời gian qua, đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các DN kinh doanh mặt hàng cà phê, tạo điều kiện cho các DN đứng vững trên thị trường với sản phẩm được coi là thế mạnh của Việt Nam hiện nay.

Minh Anh

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Gỡ “nút thắt” đầu tư vào nông nghiệp (27/02/2014)

>   Ngành điều muốn đạt 2,2 tỷ USD (27/02/2014)

>   Philippines “soán ngôi” Trung Quốc về nhập gạo Việt Nam (27/02/2014)

>   Vẫn lạc quan nhờ thị trường và đơn hàng (27/02/2014)

>   Giá cà phê tăng 53% từ đầu năm (26/02/2014)

>   Xuất khẩu gạo giảm cả lượng và giá trị (26/02/2014)

>   Xuất khẩu gạo giảm cả lượng và giá trị (25/02/2014)

>   Giá cà phê tăng, người dân vẫn chưa muốn bán (25/02/2014)

>   VRA đề nghị giảm sản lượng khai thác mủ cao su (25/02/2014)

>   Trợ giá lúa gạo: Bài học từ Thái Lan (24/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật