Dự án nông nghiệp vay nghìn tỷ: Nhà băng nào dám mở hầu bao?
Trong lúc đang loay hoay với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, vốn được coi là “miếng xương khó gặm”, Ngân hàng Nhà nước sắp đưa ra “chương trình tín dụng cánh đồng mẫu lớn” với mong muốn có sự đột phá trong chính sách tín dụng tam nông năm 2014.
Nhưng, từ chủ trương đến hiện thực vẫn còn một khoảng cách vời vợi, nếu ngân hàng chưa sẵn sàng.
Một trang trại nuôi bò sữa của tập đoàn TH tại Nghệ An. Mãi sau gần 5 năm “lên bờ xuống ruộng” vì thiếu tiền, đến nay dự án này mới được các bộ ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước để mắt tới
|
“Đoạn trường” của TH
Mời chuyên gia từ Israel sang, tự trồng cỏ, nuôi bò trên đồng đất của năm huyện Phủ Quỳ miền Tây xứ Nghệ để vắt lấy sữa sạch, nói không với sữa bột nhập khẩu, hẳn là tập đoàn TH (với nhãn sữa TH True Milk khá quen thuộc trên thị trường) đã quá thấm thía gian truân của cách làm ăn một mình một lối đi.
Mãi sau gần 5 năm “lên bờ xuống ruộng” vì thiếu tiền, đến nay dự án này mới được các bộ ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước để mắt tới.
Đánh giá về tính hiệu quả của dự án nói trên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) nói: “Với quy mô các gói tín dụng tam nông như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng lo đủ vốn để thực hiện một dự án tầm cỡ như TH. Đây là dự án áp dụng nhiều thành tựu công nghệ cao, tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi từ nước ngoài, quy trình sản xuất khắt khe nên sản phẩm đủ sức cạnh tranh để tạo nên bước ngoặt lớn trên thị trường sữa nước nội địa”.
Nhưng trên thực tế, với quy mô đầu tư giai đoạn 1 lên tới 7 nghìn tỷ đồng, TH hầu như tự xoay xở vốn bởi khá nhiều ngân hàng ghẻ lạnh với dự án này này, trong đó có cả những ngân hàng chuyên về cho vay “tam nông” như Agribank.
Thậm chí, khi Chính phủ Israel cho TH vay 100 triệu USD với điều kiện Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, một ngân hàng thương mại lớn của nhà nước đã đứng ra làm đầu mối giải ngân, nhưng khi làm thủ tục nhận tài sản thế chấp, thì lại đánh giá đàn bò sữa của dự án theo... giá bò thịt, nên khoản tài trợ nói trên bị giam hàng năm trời, mặc cho dự án khát vốn từng ngày.
Cực chẳng đã, Chính phủ đã quyết định cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trực tiếp giải ngân thì dự án mới được vay.
Không dám cho vay cả món lớn đối với dự án sản xuất quy mô tập trung vì lo ngại rủi ro, ngân hàng đành chọn kiểu cho vay “chặt khúc” một cách rời rạc, theo kiểu: ngân hàng A cho vay hộ nuôi trồng nguyên liệu, ngân hàng B cho vay khâu chế biến. Tưởng là an toàn nhưng hóa ra, không những đồng vốn không tập trung để doanh nghiệp mở mang đầu tư lớn, mà rủi ro không vì thế mà ít đi.
Trao đổi với lãnh đạo một công ty thủy sản trước khi được ngân hàng “tái cơ cấu”, ông này cho biết, cơ chế tín dụng tại doanh nghiệp này và các đối tác cấp nguyên liệu được thực hiện như sau: ngân hàng A, B cấp tín dụng cho nhà máy chế biến xuất khẩu nhưng ngân hàng C, D lại cấp tín dụng cho nông dân nuôi trồng. Khi nhà máy chây ỳ trả nợ cho bên cấp nguyên liệu, nông dân đến căng băng rôn biểu tình đòi nợ thì ngân hàng C, D mới biết được thực trạng tài chính công ty thì mọi chuyện đã muộn.
“Nếu cho vay một doanh nghiệp đứng đầu chuỗi và ngân hàng trực tiếp giải ngân cho các khâu trong chuỗi thì doanh nghiệp rất khó lừa, bởi lẽ, cùng với đó là quá trình chia sẻ dữ liệu thường xuyên, kể cả khi có nhiều ngân hàng cùng giải ngân vào một dự án lớn cũng không lo rủi ro”, ông này nói.
Triển khai ngay trong quý 1?
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 28/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu một số mô hình sản xuất quy mô lớn, có tính khả thi cao và có thể nhân rộng như trang trại sữa của TH trong ngành sữa cùng các nhà máy thủy sản phía nam có sự tham gia tái cấu trúc của ngân hàng và mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo Thống đốc, đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết theo chuỗi sản xuất, phân phối, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có kết hợp yếu tố khoa học. Do đó, trên cơ sở thanh khoản được cải thiện, mặt bằng lãi suất ổn định và có chiều hướng giảm, để hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã dành ra một khoản tiền nhất định hướng vào các mục tiêu: cho vay ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất mới quy mô lớn và phục vụ hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Theo hướng này, một quy trình cho vay khép kín đối với doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sẽ ra đời nhằm từng bước thay thế kiểu cho vay rải rác như trước. Nhờ đó, sẽ khắc phục tình trạng ngân hàng này cho vay sản xuất, ngân hàng kia cho vay chế biến, xuất khẩu, chỉ cần một khoản vay ở khâu này rủi ro là kéo theo rủi ro ở các khoản vay khác.
“Chúng tôi coi đây là chương trình thí điểm và sẽ triển khai ngay trong quý 1 này, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực tam nông. Tất nhiên là lãi suất phải phù hợp và thấp hơn mặt bằng chung”, Thống đốc nói.
Như vậy, về mặt chủ trương, chính sách đã có, nhưng để hiện thực hóa thì lại là điều không dễ dàng. Bởi, Ngân hàng Nhà nước có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng có được các gói vốn giá rẻ để cấp cho cánh đồng mẫu lớn, nhưng chịu trách nhiệm bảo toàn vốn thì lại do chính các ngân hàng.
Và, với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, ngân hàng nào dám mở hầu bao, khi mà rủi ro trong sản xuất nông nghiệp được coi là đứng đầu trong các lĩnh vực cho vay?
Mặt khác, dù có vốn nhưng bài học nghiệt ngã của thị trường cũng chỉ ra rằng, nếu chưa có quy hoạch tổng thể, dự báo quy mô thị trường tiêu thụ tương ứng với khả năng sản xuất thì điệp khúc “trồng chặt” và “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, hay xa hơn là sự đổ bể của chương trình “đánh bắt xa bờ” không biết bao giờ mới chấm dứt.
Nguyễn Hoài
vneconomy
|