Thấy gì qua dự báo CPI tháng 2?
Diễn biến giá hàng hoá và dịch vụ những ngày Tết vừa qua đã khẳng định một điều, khi thị trường được điều hành tốt, không chỉ người dân được lợi mà nhà quản lý, điều hành cũng bớt lo.
Sự êm ả của giá hàng hoá những ngày Tết vừa qua đã hỗ trợ niềm tin lạm phát không cao. Tuy nhiên với sự tăng giá của một số loại dịch vụ, giá tàu xe và theo chu kỳ tăng giá trong tuần Rằm tháng Giêng này, theo thông thường thì việc quản lý điều hành giá và thị trường vẫn cần tiếp tục duy trì.
Giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần được điều hành đồng bộ
|
Nhìn lại diễn biến giá cả trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, có thể nhận rõ, giá cả thị trường dịp Tết có những diễn biến khác rất nhiều so với những năm trước. Đó là sức mua thấp, nhịp độ mua – bán ở chợ truyền thống giảm mạnh, nhưng ở siêu thị lại tăng vì ở các siêu thị có Chương trình bán hàng Bình ổn giá và giá cả ở đó được niêm yết rõ ràng, không thay đổi đột ngột như ở chợ truyền thống nên cũng góp phần làm cho giá cả thị trường Tết được ổn định hơn.
Do kinh tế qua một năm khó khăn, lương thưởng nói chung thấp nên tâm lý “thắt lưng, buộc bụng” và tinh thần ”Tết tiết kiệm” đã xuất hiện trong phần đông dân cư, khiến thị trường hàng hoá Tết trầm lắng hơn rất nhiều so với những Tết trước đây. Sự trầm lắng này của thị trường cũng gây nhiều hệ lụy cho những người cung cấp hàng hóa ra thị trường, đặc biệt là những người nông dân gặp phải hoàn cảnh trớ trêu “được mùa – mất giá”.
Mười ngày Tết qua đi, thị trường đã trở lại hoạt động thường nhật, nhưng dư âm giá rẻ từ Tết vẫn còn. Nhìn lại nửa tháng qua, từ những ngày sát Tết, những ngày Tết và sau Tết, nhận thấy, thị trường không sôi động, sức mua không tăng đột biến như tính quy luật của các Tết trước đó và dự báo của nhiều nhà cung cấp hàng hóa. Giá cả thị trường Tết chỉ có dấu hiệu tăng vào mấy ngày (23 – 25 và 28, 29 Tết), còn lại giá cả có xu hướng giảm hoặc ổn định như những ngày cách Tết cả tháng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, sức mua Tết Giáp Ngọ thấp hơn so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ và chỉ tăng 15-20% so ngày thường tại các đô thị lớn, 10-15% tại nông thôn. Một phần do người tiêu dùng tiết kiệm hơn, phần do công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa, dịch vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhân dân đón Tết được các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ v.v...
Giá các sản phẩm năng lượng (xăng dầu, điện, gas, than...) được các cơ quan quản lý chủ trương giữ bình ổn, không cho tăng giá hoặc sẽ giảm giá ngay khi có điều kiện (giá gas, dầu diezen đã giảm). Giá các mặt hàng công nghệ phẩm như hàng điện máy, may mặc... được các siêu thị, nhà phân phối triển khai nhiều chương trình giảm giá hoặc khuyến mãi lớn để tăng lượng bán ra v.v... cũng góp phần giữ ổn định mặt bằng giá trong thời gian Tết Giáp Ngọ.
Theo khảo sát thị trường của Viện Kinh tế Tài chính, nhìn chung, giá các mặt hàng khá ổn định, chỉ có giá dịch vụ tăng nhiều trong Tết như: Cước vận tải hành khách ở chiều đông khách tăng từ 30-50% so với ngày thường. Giá dịch vụ ăn uống ở các nơi có lễ hội tăng từ 50% thậm chí có nơi tăng tới 200% so với ngày thường. Phí trông giữ xe ô tô, xe máy mọi nơi đều tăng.
Và theo quy luật tiêu dùng, vào mùa du xuân trảy hội hàng năm vẫn sẽ tiếp tục nhộn nhịp, theo đó là giá hàng hoá và dịch vụ cũng sẽ tăng theo nhu cầu. Vì vậy, công tác quản lý điều hành giá và công tác cung ứng hàng, bình ổn giá, đặc biệt là quản lý thị trường, quản lý phí dịch vụ không để tái xuất hiện tượng ép khách tăng phí vẫn chưa thể lơi tay. Nhất là khi rau và hoa quả tăng trưởng mạnh theo thời tiết trong những ngày qua, buộc người nông dân phải thu hoạch, bán với giá thấp hoặc nhổ bỏ để gieo trồng vụ mới, nhưng theo dự báo, khoảng 20-30 ngày nữa, giá rau quả sẽ tăng vì nguồn cung đã hết, rau trồng mới chưa được thu hoạch.
Với diễn biến giá cả những ngày qua, và các thời điểm thống kê giá cố định là ngày 25/1, 5/2 và 15/2/2014, kết quả tính CPI tháng 2/2014 còn phụ thuộc mạnh vào những ngày Rằm tháng Giêng tới đây. Song theo các chuyên gia dự báo, chỉ số CPI ở Việt Nam tháng 2/2014 so với tháng 1/2014, dựa trên việc chạy thử một số mô hình kinh tế lượng và cho kết quả: CPI sẽ tăng khoảng 0,7-1,0%.
Để bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp sau Tết.
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; tích cực và chủ động đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.
Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính)
thời báo ngân hàng
|