TOÀN CẢNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ EXCHANGE TRADED FUND (ETF)
Giới thiệu thông tin chi tiết về cơ chế hoạt động của ETF, phân tích lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào ETF; đồng thời đưa ra những chiến lược đầu tư thường được áp dụng khi đầu tư vào quỹ ETF qua chuỗi bài viết gồm 5 phần.
Những lợi ích của Quỹ ETF (P2)
1. Đối với nhà đầu tư
Ða dạng hóa danh mục (với chi phí thấp). Do ETF được cơ cấu bởi một rổ cổ phiếu, khi NĐT nắm giữ chứng chỉ ETF cũng có nghĩa là họ nắm một rổ cổ phiếu có tỷ trọng giống như chỉ số mà ETF mô phỏng.
Ðạt được lợi suất bình quân của thị trường. Với đặc điểm quan trọng của ETF là bám sát biến động của chỉ số mô phỏng, NĐT có thể yên tâm là tỷ suất sinh lợi mà họ có được khi đầu tư vào ETF sẽ không sai biệt nhiều so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của chỉ số mô phỏng/thị trường.
Thông tin minh bạch. Giống như cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch tập trung, mọi thông tin liên quan đến ETF (khối lượng giao dịch, giá thị trường, NAV, cơ cấu tài sản của quỹ…) đều được công khai minh bạch và bất cứ ai cũng đều dễ dàng có được thông tin. NĐT có thể dễ dàng tham gia và rút lui ra khỏi thị trường do ETF được áp dụng cùng một nguyên tắc giao dịch như các cổ phiếu niêm yết.
Chi phí thấp. Do quản lý bị động, chi phí quản lý của ETF thấp hơn nhiều so với các quỹ đầu tư khác. Đặc biệt, trong cơ chế tạo và hoàn trả của ETF, chỉ có NĐT là các tổ chức được cấp phép (thường là các công ty chứng khoán) mới được thực hiện việc tạo và hoàn trả ETF với công ty quản lý quỹ.
Ngoài ra, khối lượng ccq tính theo lô dùng để tạo và mua lại trên thị trường sơ cấp cũng tương đối lớn (trung bình 1 lô gồm 50,000 ccq hoặc thậm chí 500,000 ccq) nên đối tượng tham gia vào việc tạo và mua lại ccq bị hạn chế. Do đó, quỹ ETF không phải duy trì một lượng tiền mặt lớn và cũng không gặp áp lực mua lại ccq như các quỹ mở thông thường.
Chênh lệch NAV và giá thị trường thấp. Điều này có được nhờ vào cơ chế kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) rất riêng của ETF. ETF có hai loại giá đặc trưng là giá ETF do cung cầu trên thị trường quyết định và giá của rổ chứng khoán mà quỹ ETF nắm giữ. Bất cứ lúc nào có sự khác biệt giữa hai loại giá này, NĐT sẽ kinh doanh chênh lệch giá, từ đó làm cho giá của ETF không khác biệt nhiều so với giá trị tài sản mà nó nắm giữ.
2. Đối với nền kinh tế
Công cụ hiệu quả để xử lý nợ xấu và sở hữu chéo. Quỹ ETF và quỹ bất động sản đã từng được Chính phủ Nhật Bản sử dụng trong giai đoạn 2001-2006 nhằm mục đích xử lý nợ xấu và sở hữu chéo tại các tập đoàn công nghiệp lớn của nước này.
Trong giai đoạn phát triển nóng thập kỷ 70-80, nhiều tập đoàn công nghiệp của Nhật Bản thành lập ngân hàng. Các ngân hàng này nắm giữ cổ phiếu của các công ty con trực thuộc tập đoàn (sở hữu chéo). Nhiều ngân hàng cũng cấp tín dụng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu niêm yết, hoặc bất động sản.
Thập kỷ 90, nền kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, TTCK sụt giảm, dẫn tới giá trị các cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của các ngân hàng hoặc các cổ phiếu, bất động sản là tài sản bảo đảm cũng giảm mạnh. Điều này làm ảnh hưởng tới bảng cân đối của hệ thống ngân hàng, làm giảm tỷ lệ an toàn vốn, giảm năng lực cung tín dụng của cả hệ thống ngân hàng nói chung.
Để tháo gỡ tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản cho phép hình thành các quỹ ETF và các quỹ đầu tư bất động sản, thực chất là việc chứng khoán hóa các tài sản (nợ xấu, sở hữu chéo) trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đưa cổ phiếu trong danh mục đầu tư vào các quỹ ETF, đưa các hạng mục bất động sản vào các quỹ đầu tư bất động sản (REITS). Đổi lại, các ngân hàng nhận các chứng chỉ quỹ ETF và chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản (REITS), đều là các sản phẩm niêm yết, thanh khoản cao và không nằm trong danh mục các tài sản bị loại trừ khi tính chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel.
Điều này cải thiện đáng kể chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, làm sạch bảng cân đối kế toán của các tổ chức này; tăng tỷ lệ an toàn tài chính, làm giảm nợ xấu, giảm dự phòng trích lập, từ đó làm tăng khả năng cung tín dụng của cả hệ thống ngân hàng.
Những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị tài sản của các quỹ ETF tăng mạnh qua các năm, góp phần xử lý một khối lượng lớn tài sản đọng trong hệ thống ngân hàng.
Công cụ phòng chống khủng hoảng. Điển hình là sự ra đời và can thiệp của Chính quyền Hồng Kông nhằm chống đầu cơ tiền tệ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính ở châu Á.
Nhà đầu cơ nước ngoài giữ vị thế bán hợp đồng tương lai chỉ số trong giai đoạn 1997-1998, gây áp lực khiến TTCK Hồng Kông sụt giảm mạnh. Chính quyền Hồng Kông phải mua danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số HSI nhằm chặn đà giảm của chỉ số, hạn chế đầu cơ phái sinh và đầu cơ tỷ giá của giới đầu cơ nước ngoài.
Tháng 12/1998, trên cơ sở danh mục chứng khoán nắm giữ, Chính quyền Hồng Kông thành lập quỹ ETF TraHK (Tracker fund) quản lý bởi State Street Global Advisors Asia.
Mặc dù việc can thiệp của Chính quyền Hồng Kông vào TTCK vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, nhưng hiệu quả của quỹ ETF TraHK trong việc ngăn ngừa khủng hoảng ở Hồng Kông là một sự thành công không thể phủ nhận.
Tăng tính hấp dẫn cho TTCK, đặc biệt là thị trường thứ cấp. ETF là sản phẩm đầu tư minh bạch, cơ chế giao dịch linh hoạt, đa dạng hóa rủi ro và được quản lý chuyên nghiệp; giúp TTCK thu hút thêm nhà đầu tư mới, dòng vốn mới trên thị trường thứ cấp, tạo sự lan tỏa dễ thu hút thêm nguồn vốn cho nền kinh tế qua thị trường sơ cấp.
Thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư. Việc đầu tư vào từng mã chứng khoán riêng biệt đòi hỏi nhiều thời gian để phân tích thị trường và thời điểm giao dịch. Điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cổ phiếu niêm yết ngày một nhiều hơn, thậm chí lên tới hàng ngàn mã cổ phiếu.
Với sản phẩm quỹ ETF, nhà đầu tư sẽ đầu tư vào một rổ chỉ số, dễ theo dõi và phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư tổ chức (quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm). Ngoài ra, việc đầu tư vào rổ chứng khoán (đầu tư theo chỉ số) cũng hạn chế hiện tượng thị trường bị lạm dụng, thao túng.
Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Do cơ chế quỹ mở, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế sở hữu số lượng chứng chỉ quỹ ETF nắm giữ. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư nước ngoài nhận lại danh mục cơ cấu thì sẽ phải bán ra nếu vượt tỷ lệ sở hữu, và sẽ vẫn giúp duy trì việc quản lý tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức phát hành.
* Đọc thêm: Quỹ ETF hoạt động như thế nào? (P1)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
Công lý
|