Quỹ mở khó bật cao
Nếu có tiền nhàn rỗi và muốn phó thác số tiền ấy cho những người đầu tư sành sỏi trong một quỹ đầu tư, bạn sẽ chọn quỹ mở hay quỹ đóng? Hơn 90% tài sản của tất cả các quỹ đầu tư trên thế giới đều nằm trong quỹ mở, đó là câu trả lời. Nhưng ở Việt Nam, liệu loại quỹ này có làm nên chuyện khi đa số nhà đầu tư tham gia thị trường là nhà đầu tư cá nhân với niềm tin họ hoàn toàn có thể kiếm tiền giỏi hơn các quỹ đầu tư?
Sau khi được chính thức cho phép thành lập vào đầu tháng 3.2012, các quỹ mở liên tiếp ra đời. Tính đến nay đã có gần 10 quỹ mở được khai sinh. Bộ Tài chính cho biết sẽ cấp phép cho khoảng 5 quỹ mở nữa vào đầu năm 2014. Công ty quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam là VietFund cũng đã hoàn tất chuyển hết 4 quỹ đóng sang quỹ mở vào cuối năm 2013.
Quỹ mở: Mở hơn quỹ đóng
Nhờ có lợi thế về mô hình hoạt động nên quỹ mở đã sớm được ưa chuộng trên thế giới và nhanh chóng ra đời tại Việt Nam.
Điều mà nhà đầu tư và các nhà quản lý quỹ mong đợi nhất ở quỹ mở là tính thanh khoản. Nhà đầu tư có thể rút vốn bất cứ lúc nào và người điều hành quỹ mở phải bán một lượng hàng hóa tương ứng để hoàn tiền mặt cho họ. Trong khi đó, trong vòng đời hoạt động 5-7 năm, quỹ đóng không có nghĩa vụ này. Không chỉ vậy, khi rút vốn ở quỹ mở, nhà đầu tư còn được hoàn tiền theo giá trị NAV (giá trị tài sản ròng của quỹ), bất kể thị giá chứng chỉ quỹ có cao hay thấp hơn giá NAV. Chính đặc tính “dễ vào dễ ra” này mà quỹ mở đã nhanh chóng xuất hiện và dễ dàng huy động vốn tại Việt Nam, nhất là vào cuối năm 2013.
Cũng vì cần phải có tính thanh khoản cao nên danh mục đầu tư của quỹ mở luôn ưu tiên các tài sản dễ mua dễ bán hơn quỹ đóng như cổ phiếu niêm yết và trái phiếu. Chẳng hạn, VFMVF1, VFMVF4 của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) là những quỹ tập trung vào các cổ phiếu blue-chip và ngày càng tăng tỉ trọng vốn đầu tư vào các cổ phiếu hết room (giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài). Còn các quỹ VinaWealth (thuộc VinaCapital) hay MBCapital thì tập trung vào trái phiếu.
Chiến lược đầu tư này nhằm chuẩn bị cho trường hợp nhà đầu tư muốn rút tiền và cũng phần nào giúp họ yên tâm hơn khi giao tiền cho quỹ. Quỹ đóng luôn muốn đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết (OTC) hoặc doanh nghiệp tư nhân. Danh mục này có thể mang lại khoản lợi nhuận bất ngờ nhưng cũng có thể khiến quỹ đóng thua lỗ vì tính minh bạch chưa cao của doanh nghiệp.
Sự mạo hiểm cộng với sự chia sẻ thiếu cởi mở với nhà đầu tư đang khiến quỹ đóng mờ nhạt hơn khi quỹ mở xuất hiện. Có đến 13 quỹ đóng với vốn điều lệ khoảng 7.500 tỉ đồng đã đóng cửa trong năm 2013. Trong số này có cả những tên tuổi lớn như Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bảo Việt, Đầu tư Chứng khoán Bản Việt hay Quỹ Tầm nhìn SSI.
Một thuận lợi khác giúp quỹ mở ra đời nhanh chóng là yêu cầu vốn khởi điểm khá thấp so với quỹ đóng. Với vốn góp ban đầu từ 50 tỉ đồng, quỹ mở đã có thể bắt đầu triển khai rót vốn trước khi thu hút thêm nguồn vốn mới. Với quy mô này, chỉ cần vài tổ chức hay cá nhân góp vốn thì đã có thể cho ra đời một quỹ mở.
Khó thu hút nhà đầu tư cá nhân
Dù quỹ mở nhanh chóng ra đời với nhiều lợi thế hơn quỹ đóng, nhưng xem ra nhà đầu tư vẫn chưa thực sự hào hứng với loại hình này.
Trong số 13 quỹ đóng giải thể năm 2013, có không ít quỹ đã chuyển thành quỹ mở. Các quỹ VFMVF1, VFMVFA, VFMVF4 của VFM đều nằm trong số đó. Hình thức chuyển đổi này đã khiến cho nhiều người lo ngại. Điều đáng ngại nhất là việc các khoản đầu tư kém hiệu quả từ quỹ đóng được chuyển sang quỹ mở. Thậm chí, các khoản đầu tư vào cổ phiếu OTC và doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết có tính thanh khoản kém và nhiều rủi ro cũng có thể được chuyển sang.
Nhưng quan trọng hơn hết là niềm tin của nhà đầu tư vào năng lực và sự minh bạch của các nhà điều hành quỹ. Ông Trần Tài, nhà quản lý danh mục đầu tư của Quỹ Đầu tư Asiavantage Global Ltd. (Nhật), cho biết nhà đầu tư thường nhìn vào thành tích của nhà điều hành trong quá khứ để ra quyết định góp vốn. Nhưng trong vài năm gần đây, hiệu quả của các quỹ lại không mấy cao. Bằng chứng là tỉ lệ chiết khấu của các quỹ đa số đều khá lớn. Còn về danh mục đầu tư, hiếm có nhà đầu tư nào được biết đầy đủ rằng, những người giữ tiền mình đang mua bán cổ phiếu nào.
Có lẽ niềm tin của nhà đầu tư vào quỹ mở chưa cải thiện là bao so với quỹ đóng, trước hết là ở mục tiêu lợi nhuận. Một nhà đầu tư cá nhân tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (không muốn nêu tên) cho biết: “Với kinh nghiệm đầu tư hơn 5 năm qua, tôi chắc mình sẽ kiếm được 30-50% lợi nhuận khi thị trường khởi sắc hơn trong năm nay. Tôi sẽ không bỏ tiền vào quỹ mở vì mục tiêu lợi nhuận quá thấp”. Người này lập luận rằng, VN-Index năm 2013 đã tăng trên 20% và có nhiều cổ phiếu tăng giá đến vài lần nhưng chưa thấy quỹ đầu tư nào công bố lợi nhuận cỡ VN-Index.
Tất nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng làm lơ với quỹ mở. Một nhà đầu tư cá nhân khác có tài khoản ở Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (không muốn nêu tên) cho biết sẽ cân nhắc mua chứng chỉ quỹ mở. “Do công việc bận rộn nên tôi sẽ nhờ quỹ mở đầu tư thay”, người này nói.
Dẫu vậy, các quỹ mở tại Việt Nam hẳn sẽ khó đạt mục tiêu thu hút vốn nhà đầu tư cá nhân. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có đến 98% nhà đầu tư chứng khoán hiện nay là nhà đầu tư cá nhân. Nhưng các đợt huy động vốn vừa qua của quỹ mở lại không có đối tượng này tham gia. Phần lớn nguồn vốn được huy động từ chính các tổ chức mở quỹ. Trong số 71 tỉ đồng huy động được của Quỹ BVFED thuộc Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt, có đến hơn 50 tỉ đồng là vốn góp từ Tập đoàn Bảo Việt. Tại Quỹ Đầu tư trái phiếu MBCapital, vốn góp phần lớn đến từ Ngân hàng Quân đội. Còn VinaWealth lại phụ thuộc vào nguồn vốn do VinaCapital chuyển sang.
Về vấn đề này, ông Tài, Asiavantage Global, cho rằng dù có nhiều lợi thế so với quỹ đóng nhưng quỹ mở cũng khó bật lên cao. Trước mắt, đây chỉ là lối thoát về thanh khoản cho quỹ đóng. Ông dự báo, ít nhất đến năm 2015, hình thức này mới phổ biến rộng rãi. “Chừng nào nhà đầu tư cá nhân còn tự tin vào khả năng đầu tư của mình và niềm tin vào sự hiệu quả của các nhà điều hành quỹ chưa được cải thiện thì quỹ mở chưa thể bùng nổ được”, ông nói.
Giản Phúc
ncđt
|