Ông Andy Ho: Cân nhắc đầu tư vào trái phiếu trong thời gian tới
Theo ông Andy Ho – Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ VinaWealth (VinaWealth), việc phân bổ một phần danh mục đầu tư vào trái phiếu giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và tối đa hóa tỷ suất sinh lời của danh mục sẽ là xu hướng chung đối với việc cân nhắc đầu tư vào trái phiếu trong thời gian tới.
* Ông Andy Ho chia sẻ chiến lược phát triển các loại quỹ mở và quỹ ETF trong năm 2014
Trước hết xin hỏi ông về kênh đầu tư trái phiếu. Theo ông thì mức độ hấp dẫn của thị trường trái phiếu trong năm qua như thế nào?
Năm 2013 có thể được xem là năm khá thành công đối với thị trường trái phiếu Việt Nam khi thu hút dòng vốn lớn từ nhà đầu tư cả trong và ngoài nước trong bối cảnh lãi suất trái phiếu giảm, các yếu tố vĩ mô ổn định với lạm phát thấp.
Ông Andy Ho – Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ VinaWealth
|
Trên thị trường sơ cấp, tổng khối lượng phát hành của trái phiếu Chính phủ đạt 190 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2012 và đạt 100% kế hoạch năm 2013. Lãi suất trái phiếu cả năm giảm từ 0.35% đến 1.34% đối với các kỳ hạn từ 1 đến 10 năm. Trong đó, lãi suất giảm trong nửa đầu năm và có xu hướng tăng trong nửa sau năm 2013 do lo ngại lạm phát quay lại, tăng trưởng tín dụng, tăng cung trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách, cũng như lo ngại từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm gói QE3.
Thị trường trái phiếu thứ cấp cũng trải qua một năm giao dịch khá sôi động với tổng khối lượng giao dịch của trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 321 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp tính đến cuối năm 2013 giảm từ 1.2% đến 2.0% đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 năm trong khi các kỳ hạn dài hơn có mức giảm ít hơn so với thời điểm đầu năm.
Theo đó thì hoạt động trong năm qua của Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) có khả quan không, thưa ông?
VFF là quỹ mở đầu tiên trên thị trường, góp phần mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành quản lý quỹ của Việt Nam nói chung.
Tính đến ngày 23/12/2013, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của VFF tăng 4.5% so với thời điểm quỹ bắt đầu giải ngân đầu tư (09/04/2013). Tuy mức tăng chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư và mục tiêu mà VFF đã đặt ra, nhưng vì VFF là Quỹ đầu tư trái phiếu nên mục tiêu hàng đầu của Quỹ là an toàn vốn, thu nhập ổn định và cần thời gian đầu tư tương đối dài hạn để mang lại hiệu quả.
Chúng tôi tin tưởng rằng, VFF sẽ đạt được kết quả hoạt động tích cực hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Giữa đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thì đâu là lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư, thưa ông?
Xét về phương diện đầu tư, đầu tư vào trái phiếu có thể không mang lại tỷ suất sinh lợi cao hơn đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu có những lợi thế riêng, ví dụ như rủi ro thấp, tỷ lệ an toàn vốn cao, và khả năng thặng dư vốn trong trường hợp lãi suất thay đổi theo chiều hướng giảm xuống như những gì đã diễn ra trong năm 2013.
Phân bổ một phần danh mục đầu tư vào trái phiếu luôn là công cụ hữu hiệu giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư và tối đa hóa tỷ suất sinh lời của danh mục tùy theo diễn biến của thị trường tại từng thời điểm khác nhau. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là xu hướng chung đối với việc cân nhắc đầu tư vào trái phiếu trong thời gian tới.
Theo kế hoạch thì trong năm 2014 này thị trường phái sinh sẽ ra đời, ông kỳ vọng gì vào sản phẩm mới này không?
Thị trường phái sinh là một bước phát triển tất yếu và đã tồn tại ở các thị trường tài chính phát triển. Nhu cầu về thị trường phái sinh bắt nguồn từ việc bảo hiểm cho kinh doanh hàng hóa (commodities hedge), sau đó mở rộng qua các sản phẩm tài chính (tiền tệ, lãi suất) và cuối cùng là cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm vừa qua với 700 công ty niêm yết và tổng giá trị vốn hóa lên 46 tỷ USD (chiếm 31% GDP năm 2013). Hiện nay, Chính phủ bước đầu đang xây dựng nghị định về khung pháp lý cho giao dịch chứng khoán phái sinh. Dự kiến sau khi sáp nhập hai Sở GDCK vào năm 2014, sàn giao dịch chứng khoán phái sinh sẽ ra đời.
Các sản phẩm phái sinh (futures, options) sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những công cụ đầu tư mới hứa hẹn đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, bên cạnh việc mua bán cổ phiếu thông thường.
Nhìn chung về nền kinh tế, ông đánh giá như thế nào đối với những chính sách được ban hành về cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, gói 30,000 tỷ đồng… trong năm 2013?
Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Các chính sách này bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định và thể hiện hướng đi đúng đắn của Chính phủ.
Trước hết, về lĩnh vực ngân hàng, mặt tích cực là thanh khoản hệ thống được đảm bảo, 9 ngân hàng yếu kém đã hoàn tất tái cơ cấu, công ty xử lý nợ xấu VAMC đã được thành lập và bước đầu đã mua được 39 ngàn tỷ nợ xấu (vượt chỉ tiêu 35 ngàn tỷ cho năm 2013). Tồn kho bất động sản giảm đáng kể so với đầu năm (theo Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 12/2013, tổng giá trị tồn kho bất động sản đạt khoảng 94,500 tỷ đồng, giảm 26.5% so với quý 1/2013). Giá bất động sản đã giảm 30% so với trước đây. Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng 55% lên 21.6 tỷ USD trong năm 2013 nhờ vào môi trường đầu tư được cải thiện và chính sách khuyến khích các ngành công nghệ cao. Các doanh nghiệp được giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên hoạt động của các doanh nghiệp còn khó khăn, ước tính đã có 60 ngàn doanh nghiệp giải thể trong năm 2013 (tăng 12% so với 2012). Gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đã được triển khai, tuy nhiên bước đầu giải ngân còn hạn chế (ước tính đạt 2%).
Theo ông, trong năm tới, các chính sách này sẽ vận hành như thế nào?
Trong năm 2014, VAMC sẽ tiếp tục chương trình mua nợ xấu từ các ngân hàng (dự kiến 100-150 ngàn tỷ). Ngân hàng nhà nước đang xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ thực hiện khá triệt để như trong năm 2013, tôi tin rằng năm 2014 sẽ chứng kiến sự vực dậy của ngành ngân hàng, giúp đẩy nhanh tín dụng và giảm tỉ lệ nợ xấu.
Việc giải ngân gói 30 ngàn tỷ sẽ được đẩy nhanh nhờ vào sự tham gia của các ngân hàng tư nhân (bên cạnh ngân hàng có vốn nhà nước), và các quy định phù hợp hơn về chứng minh diện tích nhà ở, thu nhập và khả năng trả nợ cho người có thu nhập thấp.
Để có thể phát huy được hết hiệu quả trong năm 2014 tới đây, các chính sách nói trên của Nhà nước cần phải linh động, minh bạch hơn nữa; các doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng hợp tác tích cực để vực dậy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cám ơn ông!
Minh Hằng thực hiện
công lý
|