Thứ Hai, 30/12/2013 06:54

Công ty quản lý quỹ: Đã hết thời?

Sau một thời gian “làm mưa, làm gió”, đến nay, do chịu ảnh hưởng xấu từ nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, không ít công ty quản lý quỹ đã “hụt hơi” trên thương trường.

Chỉ 24/47 công ty quản lý quỹ có lãi trong 3 quý đầu năm 2013

Lãi ít lỗ nhiều

Theo số liệu kinh doanh 3 quý đầu năm 2013 vừa được các công ty quản lý quỹ (QLQ) công bố, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) này hết sức khó khăn. Chỉ 22/47 công ty hoạt động có lãi, tiêu biểu như: Vietinbank Capital, MB Capital và ACB Capital… Số DN còn lại, đều lỗ nặng.

Công ty TNHH QLQ Manulife Việt Nam báo lỗ quý III tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,2 tỷ đồng, đẩy lỗ lũy kế từ đầu năm tới cuối kỳ lên 5,7 tỷ đồng. Công ty QLQ Việt Cát báo lỗ quý III/2013 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 510 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 9, công ty có vốn điều lệ 25 tỷ đồng có lỗ lũy kế 1,1 tỷ đồng, tổng tài sản giảm xuống còn hơn 24 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 6 công ty QLQ đã bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử lý bằng nhiều biện pháp. Trong đó, giải thể 1 công ty, tạm ngừng hoạt động 2 công ty để tự tái cơ cấu; đình chỉ hoạt động 1 công ty do không duy trì điều kiện cấp phép và đặt 2 công ty vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do không duy trì được tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.

Đối với các công ty QLQ không đại chúng (không phải công bố báo cáo tài chính), gần 40 công ty dạng này đang vật lộn với khó khăn. Đáng chú ý, hơn 10 công ty QLQ không đại chúng đã ngừng hoạt động; gần 10 công ty có website từ lâu không truy cập được hoặc không có website như: QLQ Minh Việt, QLQ An Pha, QLQ Quốc tế (tiền thân là QLQ An Phú), hay website của QLQ Sài Gòn- Hà Nội thì chỉ cập nhật báo cáo gần nhất từ quý III/2012.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do các công ty QLQ, đặc biệt là những công ty mới thành lập đều phải đối mặt với điều kiện thị trường khắc nghiệt và tâm lý đầu tư suy giảm. Việc khan hiếm vốn tại các DN làm tăng áp lực rút vốn và làm suy giảm đáng kể cơ hội huy động vốn; quá trình triển khai các sản phẩm mới không khả quan. Các quỹ mới hình thành đều có quy mô vốn ban đầu nhỏ và mức độ quan tâm của nhà đầu tư cá nhân tới các sản phẩm quỹ là rất thấp.

Loay hoay tìm hướng đi

 Hiện có 47 công ty QLQ trong nước đang hoạt động với các mô hình quỹ đầu tư khác nhau. Đây là một trong những nguồn cung vốn trên thị trường tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng khối lượng tài sản mà các công ty này quản lý tại thời điểm cuối năm 2013 khoảng gần 100.000 tỷ đồng.

Thời điểm khó khăn hiện nay, các công ty QLQ đang tìm mọi cách “trụ” vững trên thị trường như: Tìm kiếm các sản phẩm “ngách” để nâng cao kết quả kinh doanh, trong đó có việc thành lập quỹ mở và mở sang nhóm quỹ ETF, REIT, quỹ hưu trí bổ sung.

Ngoài ra, thay đổi nhân sự đang diễn ra tại nhiều công ty QLQ. Công ty TNHH MTV QLQ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam thay chủ tịch hội đồng quản trị. Theo đó, ông Trần Minh Bình, hiện đang là lãnh đạo thuộc công ty mẹ Vietinbank, về thay cho nguyên chủ tịch là ông Nguyễn Anh Tuấn từ ngày 5/12. Tại Công ty QLQ Đầu tư Sài Gòn- Hà Nội (SHF), 2 phó tổng giám đốc đương nhiệm cùng được bổ nhiệm thêm chức vụ ở cấp thấp hơn. Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân và ông Nguyễn Ngọc Nghị cùng được bổ nhiệm thêm chức vụ giám đốc đầu tư kể từ ngày 3/12, thay thế cho hai nhân sự trước đó. Ngoài ra, tính riêng từ đầu năm tới nay, ít nhất 6 công ty thông báo thay đổi nhân sự cấp tổng giám đốc hoặc cấp hội đồng quản trị. Cho dù việc thay đổi nhân sự có thể không liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, nhưng thực tế, tại những công ty có hoạt động kinh doanh bất ổn thì biến động nhân sự diễn ra thường xuyên hơn.

Về phía DN, họ cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện các chính sách hướng dẫn với các sản phẩm quỹ mới, áp dụng các ưu đãi về thuế đối với quỹ; nới lỏng sở hữu của các quỹ nước ngoài trên thị trường, gỡ bỏ các tỷ lệ sở hữu đối với các quỹ thành lập tại Việt Nam…

Nhật Quang

công thương

Các tin tức khác

>   Quý I/2014 sẽ hoàn thành hạ tầng giao dịch Quỹ ETF (28/12/2013)

>   13 quỹ đóng đã… đóng trong năm 2013 (27/12/2013)

>   Chứng chỉ quỹ mở VCBF giao dịch từ 02/01/2014 (25/12/2013)

>   Rút ròng lần đầu trong 5 tuần tại Market Vectors Vietnam ETF (24/12/2013)

>   “Đánh đu” theo ETF: Sai lầm và bài học trong năm 2013 (24/12/2013)

>   “Đánh đu” theo ETF: Sai lầm và bài học trong năm 2013 (24/12/2013)

>   Lịch đảo danh mục của FTSE Vietnam Index Series năm 2014 (26/12/2013)

>   FTSE Vietnam Index 2013: Sự trở lại của GMD, PPC, PET (23/12/2013)

>   VFMVF4 chính thức giao dịch chứng chỉ quỹ mở vào 15/01/2014 (18/12/2013)

>   24/12 chào bán chứng chỉ quỹ mở Quỹ Đầu tư Năng động Eastspring Investments (18/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật