Một cách nhìn về xuất siêu với Trung Quốc
Nếu chỉ nhìn vào những con số tổng hợp về tình hình xuất nhập khẩu với Trung Quốc, chúng ta khó thấy được bức tranh thật và toàn cảnh. Bài viết này là một gợi ý sơ bộ theo hướng để có cái nhìn thật hơn một ít.
Những con số tổng hợp
Theo tổng cục Hải quan, năm 2012 Việt Nam nhập khẩu 113,8 tỉ USD và xuất khẩu 114,5 tỉ USD (xuất siêu 700 triệu USD); trong đó nhập từ Trung Quốc 28,79 tỉ USD và xuất sang Trung Quốc 12,38 tỉ USD (nhập siêu với Trung Quốc 16,4 tỉ USD).
Theo tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 131,3 tỉ USD và xuất khẩu 132,2 tỉ USD (xuất siêu gần 900 triệu USD); trong đó nhập từ Trung Quốc ước đạt 36,8 tỉ USD và xuất sang Trung Quốc 13,1 tỉ USD. Như thế, nhập siêu với Trung Quốc là 23,7 tỉ USD trong năm 2013.
Có thể thấy cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam được cải thiện đáng kể (so với mức nhập siêu lớn hơn rất nhiều của các năm 2007 – 2011; các mức tương ứng là 14,1 tỉ, 18 tỉ, 12,9 tỉ, 12,6 tỉ và 9,8 tỉ USD).
Tuy nhiên, tình hình nhập siêu từ Trung Quốc ngày một gia tăng: 4,4 tỉ năm 2006; 11,5 tỉ năm 2009; 12,7 tỉ USD năm 2011; 16,4 tỉ USD năm 2012; và 23,7 tỉ USD trong năm 2013. Cứ theo đà này nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chắc sẽ trên 25 tỉ USD trong năm tới.
Thực ra việc nhập khẩu điện thoại các loại từ Trung Quốc nhưng “giá trị Trung Quốc” hay hàm lượng Trung Quốc không quá cao
|
Nhìn sâu vào số liệu
Thử nhìn vào số liệu chi tiết hơn một chút, sâu hơn mức tổng hợp một chút.
Đầu tiên, hãy nhìn tới xuất nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện. Trong mười tháng đầu năm 2013 lượng nhập khẩu loại mặt hàng này từ Trung Quốc là 4,87 tỉ USD (chiếm 16,95% nhập khẩu từ Trung Quốc); còn tổng nhập khẩu điện thoại và linh kiện trong thời gian đó là 6,88 tỉ USD.
Nói cách khác nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 70,77% kim ngạch nhập khẩu của loại mặt hàng này (và 27,96% là từ Hàn Quốc). Điện thoại các loại chủ yếu là của các hãng Mỹ, châu Âu sản xuất ở Trung Quốc, như iPhone của Apple, Lumia của Nokia, hoặc các loại khác của Ericsson, Phillips, v.v; có một số của Trung Quốc nhưng không đáng kể.
Thực ra việc nhập khẩu điện thoại các loại từ Trung Quốc nhưng “giá trị Trung Quốc” hay hàm lượng Trung Quốc không quá 15% (thí dụ năm 2011 tổng giá thành linh kiện của chiếc iPhone4 là 178 USD, trong đó có 7 USD sản xuất tại Thâm Quyến Trung Quốc tức chiếm 3,9% giá thành linh kiện; giá bán trung bình của iPhone là 560 USD thì phần sản xuất ở Trung Quốc chỉ là 1,25% giá bán; phần của Apple 368 USD chiếm 65,7% giá bán). Tỷ lệ “hàm lượng Trung Quốc” của các loại điện thoại khác có thể cao hơn một chút. Như thế thực chất Việt Nam nhập điện thoại từ Trung Quốc là nhập từ Mỹ, Thuỵ Điển, Nhật, Hàn Quốc… và chỉ có phần rất nhỏ từ Trung Quốc. Đối với loại mặt hàng này (gọi là mặt hàng thứ i) ta gọi tỷ lệ giá trị gia tăng của nước xuất xứ (Trung Quốc trong trường hợp này) là g(i), và tổng kim ngạch nhập khẩu là NK(i), thì giá trị nhập khẩu thật từ nước đó của mặt hàng này là NK(i) x g(i). Với điện thoại các loại và linh kiện g(i) hẳn là nhỏ hơn 15%.
Đối với máy tính cũng có thể nói và ước lượng một cách tương tự. Và có thể ước lượng cho các nhóm mặt hàng khác.
Còn phải xét đến thương mại nội bộ của các công ty đa quốc gia. Hãy xét trường hợp Samsung. Theo tổng cục Thống kê, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong mười tháng đầu năm là 17,94 tỉ USD! Việt Nam “xuất siêu” trên 11 tỉ USD về mặt hàng này! Có thể thấy để sản xuất ra điện thoại các loại và linh kiện, Việt Nam (thực ra là Samsung) đã phải nhập gần như tất cả các bộ phận để sản xuất ra mặt hàng này. Không rõ tỷ lệ của các mặt hàng khác này từ Trung Quốc là bao nhiêu. Giả như tỷ lệ ấy là 70%, thì hàm lượng “Trung Quốc” của mặt hàng này là rất đáng kể. Nhưng thực ra có phải là hàm lượng “Trung Quốc” hay không? Nếu chủ yếu lượng bán thành phẩm linh kiện mà Samsung nhập về để sản xuất là từ các cơ sở của bản thân nó hay mạng lưới của nó tại Trung Quốc, thì có lẽ phải gọi là Samsung Việt Nam nhập từ Samsung Trung Quốc. Và “hàm lượng Trung Quốc” có thể chỉ là rất nhỏ.
Nói cách khác một phần đáng kể của kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm tương tự là thương mại nội bộ của các tập đoàn đa quốc gia.
Nếu chúng ta tách bỏ kim ngạch xuất nhập khẩu nội bộ của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi số liệu thống kê, thì trong số liệu còn lại đó “phần nhập siêu” từ Trung Quốc sẽ giảm đáng kể và “phần xuất siêu” sang EU, Mỹ sẽ giảm đi đáng kể.
Giả thiết nhập khẩu thực
Quay trở lại vấn đề nhập siêu với Trung Quốc tất cả những dữ liệu sau đây là của tổng cục Thống kê cho xuất nhập khẩu mười tháng đầu năm của năm 2013. Theo đó, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 44 loại (nhóm) mặt hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu là 28,72 tỉ USD. Chiếm 73,5% kim ngạch nhập khẩu là bảy nhóm mặt hàng chính sau đây tính bằng tỉ USD (và % của tổng kim ngạch nhập khẩu): 1.) máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 5,29 tỉ (18,4%); 2.) điện thoại các loại và linh kiện 4,87 tỉ (16,95%); 3.) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,72 tỉ (12,94%); 4.) vải các loại 3,157 tỉ (10,99%); 5.) sắt thép các loại 2,07 tỉ (7,19%); 6.) xăng dầu các loại 1,01 tỉ (3,51%) và 7.) nguyên phụ liệu đệt may da giày 0,994 tỉ (3,46%).
Từ những số liệu trên có thể thấy các nhóm mặt hàng 1.), 5.) và 6.) với tổng cộng 8,37 tỉ USD (29,1%) có lẽ chủ yếu được tiêu thụ trong nước và các nhóm khác chủ yếu là để sản xuất hàng xuất khẩu (20,35 tỉ USD và 70,9%) hoặc tiêu thụ trong nước nhưng “hàm lượng Trung Quốc” thấp tức là thực ra là nhập từ các nước khác.
Dựa vào nhận xét trên, sau đây chúng ta giả thiết rằng 70% lượng nhập khẩu từ Trung Quốc là để làm hàng xuất khẩu hoặc thực chất là nhập từ nước khác qua Trung Quốc, và phần thực chất của Trung Quốc để tiêu thụ ở Việt Nam là 30%. Một cách khác, ta có thể ước lượng tổng “hàm lượng Trung Quốc” trong tổng nhập khẩu (TNK) từ Trung Quốc, ký hiệu là G, bằng cách ước lượng hệ số g(i) của từng nhóm mặt hàng và tính G = (g(1) x NK(1) + g(2) x NK(2) + … + g(n) x NK(n))/TNK. Chúng ta giả sử rằng hệ số này là 30%.
Với giả thiết này thì “nhập khẩu thực của Việt Nam” từ Trung Quốc là khoảng 8,6 tỉ USD.
Giả thiết về xuất khẩu thực
Hãy xem số liệu của tổng cục Thống kê về xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong mười tháng đầu năm 2013. Việt Nam xuất khẩu 38 loại mặt hàng sang Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu là 10,7 tỉ USD. Mười loại mặt hàng đạt trên 3% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 70,15% tổng kim ngạch xuất khẩu là: 1.) máy vi tính và linh kiện 1,81 tỉ (16,9%); 2.) cao su 0,85 tỉ (7,95%); 3.) gạo 0,8 tỉ (7,48%); 4.) gỗ và sản phẩm gỗ 0,797 tỉ (7,45%); 5.) sắn và các sản phẩm từ sắn 0,766 tỉ (7,16%); 6.) xơ, sợi dệt các loại 0,719 tỉ (6,72%); 7.) dầu thô 0,553 tỉ (5,17%); 8.) than đá 0,447 tỉ (4,18%); 9.) điện thoại các loại và linh kiện 0,417 tỉ (3,9%); và 10.) hải sản 0,347 tỉ (3,24%).
Từ những số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc có thể thấy trừ các nhóm mặt hàng 1.), 9.) chiếm 20,8% kim ngạch có “hàm lượng Việt Nam” rất nhỏ, thì các nhóm mặt hàng khác hoặc là nguyên liệu Việt Nam hoặc có “hàm lượng Việt Nam” cao.
Hãy ước lượng tương tự với các nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và giả sử tỷ lệ “hàm lượng Việt Nam” là 60%. Nói cách khác theo giả thiết này thì “xuất khẩu thực” của Việt Nam là khoảng 6 tỉ USD sang Trung Quốc.
Nhập siêu thực chỉ 2,6 tỉ USD?!
Trong mười tháng đầu năm 2013, nếu tính trên số “nhập thực” 8,6 tỉ và “xuất thực” 6 tỉ thì con số “nhập siêu thực” chỉ là 2,6 tỉ USD chứ không phải trên 18 tỉ USD! Hãy lưu ý những con số này phụ thuộc vào giả định 30% – 70% với Trung Quốc và 60% – 40% với Việt Nam như nêu ở trên và chỉ có tính minh họa, nhưng tôi cho rằng nó có thể phản ánh quan hệ thực hơn. Các chuyên gia có thể xem xét các số liệu thống kê một cách chi tiết hơn và xem liệu tỷ lệ mà chúng ta giả thiết là 30% – 70% và 60% – 40% thực sự là bao nhiêu. Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ có thể rút ra kết luận khá vững là: con số nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc không quá xấu như số liệu tổng hợp cho thấy và số liệu xuất siêu của Việt Nam qua EU, Mỹ cũng chẳng đẹp như những số liệu thống kê tổng hợp.
Hãy cẩn trọng khi diễn giải những con số thống kê tổng hợp này. Chúng tuy rất quan trọng, nhưng chưa phản ánh đúng những quan hệ kinh tế. Muốn hiểu sâu hơn cần phải xét đến những số liệu chi tiết hơn.
Và cái nhìn có vẻ “trái khoáy” này về nhập siêu từ Trung Quốc cũng không thể được dùng để biện minh cho cách làm hiện tại là tốt và không cần cải thiện gì. Việc nhập thiết bị máy móc cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác quá nhiều từ Trung Quốc và việc thu hẹp nhập siêu với quốc gia này là vấn đề rất cần được quan tâm, cần có những chính sách phù hợp.
Nguyễn Quang A
sài gòn tiếp thị
|