Thứ Bảy, 04/01/2014 21:51

Thu hút vốn FDI: Thách thức từ những vấn đề cũ

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2013 vượt xa dự báo của cơ quan quản lý. Năm 2014 để duy trì được thành tích này, giữ được chân các nhà đầu tư hiện tại và thu hút được nhà đầu tư mới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại nhiều năm.

Sản xuất ô tô của Ford Việt Nam - Ảnh: Hồng Nhung

Kết quả vượt mong đợi

Năm 2013 đã qua, trong bối cảnh kinh tế trong nước hết sức khó khăn, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,42% thấp hơn mục tiêu đặt ra, song việc thu hút vốn FDI đã mang lại kết quả cao hơn dự báo, đạt hơn 21,6 tỉ đô la Mỹ (kế hoạch đặt ra đầu năm là 13-14 tỉ đô la Mỹ) và vốn thực hiện đạt 11,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,9% so với năm 2012.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhận xét đây là kết quả ngoài mong đợi của cơ quan quản lý FDI.

Bước sang năm 2014-2015, thu hút FDI có nhiều thuận lợi hơn nhờ kinh tế vĩ mô trong nước ổn định hơn, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. Ngoài ra, cũng theo cơ quan này, đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng hơn (Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2014-2015 tương ứng là 3,0% và 3,3%, cao hơn mức 2,2% trong năm 2013).

Khả năng Việt Nam sẽ thu hút vốn FDI cao hơn trong năm 2014 còn do yếu tố các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được kỳ vọng sẽ sớm được ký kết.

Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra một trong những cơ sở cho việc thu hút vốn FDI thuận lợi là tháng 9-2013, Chính phủ đã ra nghị quyết về tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, thông qua việc thay đổi một loạt các quy định. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Trong các năm qua, dòng vốn đầu tư chạy mạnh vào Việt Nam từ các quốc gia gần gũi như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Các chuyên gia cho rằng, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động giá rẻ dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn với 90 triệu dân cùng triển vọng từ các hiệp định như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN... cũng giúp thu hút FDI vào Việt Nam trong năm tới.

Các vấn đề cần giải quyết

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng môi trường đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bao gồm những thách thức đã tồn tại nhiều năm nếu Việt Nam muốn cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Nghị quyết 103/NQ-CP (29/08/2013) của Chính phủ là một văn bản pháp lý quan trọng nhất hiện nay đối với việc hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn này vào Việt Nam với chất lượng, hiệu quả cao hơn. Đây được xem là thông điệp mới của Chính phủ trong giai đoạn tới.

Ông Phan Hữu Thắng cho rằng có tới 60 đề án được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai xong trong 2013-2014. Trong đó, 50% số đề án cần hoàn thành trong năm 2013. Đến nay, tuy chưa có báo cáo chính thức về kết quả triển khai Nghị quyết 103, nhưng có thể thấy số đề án đã hoàn thành không nhiều. Điều này cho thấy khả năng Nghị quyết 103 có thể sẽ không được hoàn thành đúng hạn. Chậm trễ trong xử lý các vấn đề về chính sách dễ dẫn đến “Nợ xấu chính sách” gây tổn hại tới hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong giai đoạn tới.

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" của Đài truyền hình Việt Nam năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhận xét: “Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi".

Theo ông Vinh, hiện Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, và ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến thu hút vốn FDI trở nên khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều vì thế sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm sút. Vì lẽ đó, việc thu hút FDI thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.

Các vấn đề liên quan đến việc thu hút FDI cũng đã được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu ra tại hội thảo tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra tại TPHCM gần đây. Theo EuroCham, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là hạn chế các dự án thâm dụng lao động, thay bằng những dự án công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng nhưng sự sẵn sàng về nguồn lao động cho các lĩnh vực này lại rất yếu. Mặt khác, một khi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp chưa được bảo vệ tốt, việc cung cấp điện không đảm bảo... thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ không dám đưa công nghệ vào.

Vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền môi trường đầu tư còn gặp nhiều vấn đề như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng… Việc có nhiều thay đổi các luật trong những năm gần đây cũng khiến nhà đầu tư không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh. Đây là những vấn đề mà đã được nhà đầu tư nước ngoài than phiền nhiều năm.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa mang tính bền vững vì vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án quy mô vốn lớn.

Có thể thấy trong số hơn 21,6 tỉ đô la Mỹ vốn FDI thu hút được trong năm 2013 thì có đến hơn 11,54 tỉ đô la Mỹ của 7 dự án có vốn đăng ký lên đến hàng tỉ đô la Mỹ, đóng góp hơn 50% tổng nguồn vốn thu hút được trong năm qua. Trong đó có dự án mà ngay cả cơ quan xúc tiến đầu tư ở địa phương khi được hỏi đến cũng chưa rõ khi nào nhà đầu tư sẽ cho triển khai như dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt tại Bình Định có vốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ của nhà đầu tư đến từ Nga.

Một số dự án tỉ đô la Mỹ khác được triển khai nhưng không minh chứng được rằng Việt Nam đã có môi trường đầu tư cạnh tranh thật sự hơn các nước khác. Ngay lãnh đạo của cơ quan xúc tiến và thẩm tra cấp phép đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận yếu kém trong lĩnh vực này.

Ông Phan Hữu Thắng cũng cho rằng, khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng sẽ ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn FDI. Theo ông, việc nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các giải pháp tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả và quản lý nguồn vốn này trong giai đoạn tới đã được nêu rõ tại Nghị quyết 103/NQ-CP (29/08/2013) của Chính phủ.

Các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư đối với một số dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, giải trí vui chơi có thưởng, y tế, giáo dục, phân phối và bán buôn bán lẻ.

Ngài ra, ông Thắng cũng lưu ý đến việc thu hút FDI cũng phụ thuộc đến kết quả đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định TPP và khả năng thực tế của Việt Nam khi tham gia.

Chuyên gia này cho rằng, với nhiều vấn đề còn tồn đọng liên quan đến kinh tế và môi trường đầu tư, trong năm 2014, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức trong việc thu hút FDI.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Giải ngân vốn FDI cao

Dù thu hút nguồn vốn FDI trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) trong năm 2013 đạt thấp, nhưng vốn thực hiện của doanh nghiệp thuộc khu vực này trong cùng thời gian này lại đạt cao, chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI triển khai thực hiện cả nước.

Theo tổng kết của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT, trong năm qua, tỉnh chỉ có 12 dự án FDI đầu tư mới được cấp phép và 6 dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký chỉ đạt 185 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 300 triệu đô la Mỹ so với kết quả năm 2012. Song lượng vốn FDI thực hiện của các dự án đã được cấp phép đạt khoảng 1,05 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với năm 2012, chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI thực hiện cả nước (trong năm qua vốn thực hiện của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ).

Theo lãnh đạo tỉnh BR-VT, trong năm qua, tỉnh đã thay đổi chiến lược đầu tư, không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu so nữa. Tỉnh cũng đã chủ động hơn trong việc chọn lựa nhà đầu tư và chọn lọc lĩnh vực để thu hút nhà đầu tư, chú ý thu hút những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không phải là những tập đoàn, những công ty lớn.

Ngoài các lĩnh vực truyền thống như dịch vụ, du lịch, dầu khí, logistics, tỉnh BR-VT tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ và sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong hơn 20 năm thu hút đầu tư, BR-VT đã có được những dự án lớn, trong đó đáng chú ý là các dự án về phát triển hạ tầng du lịch, dầu khí, cảng biển.... Tính đến nay, tỉnh này có khoảng 300 dự án FDI được cấp phép, với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 27 tỉ đô la Mỹ.

Lê Hoàng

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Tiếp tục đầu tư mạnh cho lưới truyền tải (04/01/2014)

>   Ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 (04/01/2014)

>   Dự báo xuất khẩu nông sản năm 2014 tăng mạnh (04/01/2014)

>   Trước thềm mở cửa thị trường logistics (04/01/2014)

>   Nhật Bản nới lỏng kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm Việt Nam (04/01/2014)

>   Sẽ tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (04/01/2014)

>   EVN lãi to do tăng giá điện (04/01/2014)

>   Dòng vốn FDI đang rất khởi sắc (04/01/2014)

>   Bauxite lỗ dài, vật nài xin ưu đãi đủ thứ (04/01/2014)

>   Cuộc chiến thị trường cà phê Việt (04/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật