Thứ Bảy, 04/01/2014 15:27

Trước thềm mở cửa thị trường logistics

“Sự chuẩn bị của các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp cũng như từ phía nhà nước cho mốc mở cửa thị trường logistics vào năm 2014 còn rời rạc, tự phát. Điều đáng lo ngại là nguy cơ các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường này đang hiện hữu”- GS Đặng Đình Đào- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân)- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Làm gì để doanh nghiệp VIệt có vị thế vững chắc trên thị trường logistics

CôngThương - Sau khi đi khảo sát nhiều địa phương, ông nhận thấy sự chuẩn bị cho mốc mở cửa thị trường logistics vào năm 2014 như thế nào?

- Chúng tôi đã có dịp nghiên cứu, khảo sát về logistics tại 10 tỉnh, thành phố lớn ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và nhận thấy hoạt động logistics khá sôi động. Các doanh nghiệp (DN) cũng như các địa phương đã có sự quan tâm đến logistics. Mặc dù các DN logistics của Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, đa phần làm đại lý cho nước ngoài hoặc cung cấp các dịch vụ đơn lẻ, tính liên kết và hợp tác còn lỏng lẻo; nhưng đã có sự chuẩn bị nhất định, linh hoạt và thích ứng dần với cơ chế thị trường. Rõ ràng, trong bối cảnh nền kinh tế bị suy giảm thời gian qua, số lượng các DN logistics và DN dịch vụ nói chung ngừng hoạt động và giải thể với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các ngành sản xuất. Với lợi thế am hiểu thị trường địa phương, các DN đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phát triển các hình thức mới, tiến bộ, hướng tới các dịch vụ trọn gói.

Tuy vậy, sự chuẩn bị cho mốc mở cửa thị trường logistics vẫn mang tính thụ động bởi chưa có các chiến lược, kế hoạch cụ thể cho lĩnh vực quan trọng này. Điều này xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là nhận thức về vị trí, vai trò của logistics trong nền kinh tế quốc dân của các ngành, địa phương và DN còn hạn chế. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch, chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển logistics đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; việc xây dựng và phát triển hệ thống logistics trên các yếu tố thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, DN logistics, DN sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực… chưa được quan tâm đúng mức. Một số ví dụ: Trong khi tại các cửa khẩu quốc tế phía các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, thời gian làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ hàng ngày thì phía cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) chỉ mở cửa đến 19 giờ 30. Tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng trong quy hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp không hề tính đến các trung tâm logistics. Tại các cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Việt Nam chưa quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các hình thức vận tải. Điều này dẫn đến quá tải đối với vận tải đường bộ, gây xung đột các loại phương tiện, gia tăng tai nạn giao thông. Rõ ràng là sự chuẩn bị cho mốc mở cửa thị trường logistics vào năm 2014 là còn rời rạc, tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng các DN ngoại chiếm lĩnh thị trường logistics Việt Nam sau năm 2014 là rất lớn. Quan điểm của ông?

- Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, nước ta có hơn 1.000 DN cung cấp dịch vụ logistics nhưng số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ và phát chuyển nhanh lên tới gần 140.000. Số DN nội địa chiếm tới 80% tổng số DN logisics ở nước ta nhưng chỉ chiếm gần 25% thị phần. Số lượng các tập đoàn lớn trên thế giới xuất hiện và hoạt động ngày càng nhiều như: APL Logistics, Maersk Logistics, NYK Logistics, Schenker, BirKart, BJ, Errmey, Sunil Mezario, Hapag Lloyd, Zim, TWT, Sun Express… có nguồn tài chính mạnh, dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp đang chiếm lĩnh 75% thị phần.

Trong khi các DN Việt Nam năng lực cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu, cơ sở hạ tầng phần mềm làm cản trở và làm hỏng cơ sở hạ tầng phần cứng trong hoạt động logistics. Nếu không có một chiến lược tổng thể, kế hoạch phát triển phù hợp thì các DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi mà theo cam kết hội nhập WTO và ASEAN, đến năm 2014, các DN logistics 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam. Điều này cho thấy khả năng các DN ngoại chiếm lĩnh thị trường logistics Việt Nam sau năm 2014 là rất lớn và hiện hữu.

Vậy theo ông, làm sao để các DN Việt Nam đảo ngược được tình thế?

- Ngành logistics Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, năng lực cạnh tranh của ngành và các DN còn thấp, thua xa so với các nước. Muốn hòa nhập và vươn lên trong năm 2014, ngoài sự nỗ lực, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân DN, nhà nước, các ngành, địa phương không thể đứng ngoài cuộc mà phải có sự quan tâm, ủng hộ cao hơn, có sự phối hợp để khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ cả trong trung hạn và dài hạn.

Các giải pháp tích cực cho ngành logistics và các DN cần tập trung là:

- Tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của logistics trong nền kinh tế quốc dân.

- Cần xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (trong đó, các trung tâm logistics có thể quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050), trên cơ sở đó, để các địa phương, thành phố xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển logistics; nhằm kết nối các quy hoạch, chiến lược phát triển của các ngành trong nền kinh tế.

- Xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố hệ thống logistics quốc gia và địa phương, thành phố.

- Đầu tư và xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam theo hướng kết nối liên hoàn các loại phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả các loại hình vận chuyển hàng hóa hiện nay mà Việt Nam có lợi thế.

- Phát triển hệ thống logistics xanh ở Việt Nam, trước hết phải sớm quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics tại các đầu mối, cảng biển quốc tế, trục đường quốc lộ lớn để kết nối được các phương tiện vận tải trong phân phối, lưu thông hàng hóa theo mô hình: Cảng biển, đường sắt, các trung tâm logistics, đường ôtô… khách hàng).

- Các DN chủ động và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, quán triệt tư tưởng, quan điểm logistics ngay từ chính DN mình theo đúng quy tắc của thị trường. Sự liên kết và hợp tác trong hoạt động logistics là điều rất cần thiết cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Anh Tuấn

báo công thương

Các tin tức khác

>   Nhật Bản nới lỏng kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm Việt Nam (04/01/2014)

>   Sẽ tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (04/01/2014)

>   EVN lãi to do tăng giá điện (04/01/2014)

>   Dòng vốn FDI đang rất khởi sắc (04/01/2014)

>   Bauxite lỗ dài, vật nài xin ưu đãi đủ thứ (04/01/2014)

>   Cuộc chiến thị trường cà phê Việt (04/01/2014)

>   Thủ tục rối, DN không đủ điều kiện kinh doanh hóa chất (04/01/2014)

>   Điều tra vốn đầu tư phát triển (04/01/2014)

>   Xuất khẩu tôm đạt 3 tỉ USD (04/01/2014)

>   Vinacomin phấn đấu khai thác được 37,7 triệu tấn than (03/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật